'Bỏ phố về quê' trồng cỏ, kiếm hàng chục triệu đồng mỗi tháng

Chị Nguyễn Thị Thu Hoài, sinh năm 1991, xã Khánh Hồng (huyện Yên Khánh) là người tiên phong trồng cỏ Vetiver tại Ninh Bình và cũng là người đầu tiên tại Việt Nam phát triển sản phẩm hương nhang từ rễ loại cỏ này.

Chị Nguyễn Thị Thu Hoài người tiên phong trồng cỏ Vetiver tại Ninh Bình.

Chị Nguyễn Thị Thu Hoài người tiên phong trồng cỏ Vetiver tại Ninh Bình.

Phát triển thương hiệu hương nhang từ rễ cỏ Vetiver

Năm 2013, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Giao thông Vận tải, chuyên ngành Kinh tế xây dựng, chị Thu Hoài làm việc cho một tổ chức phi chính phủ chuyên về nông nghiệp tại Hà Nội với mức lương hơn 20 triệu đồng mỗi tháng. Có công việc ổn định, cơ hội thăng tiến cùng mức thu nhập trong mơ, nhưng sau 4 năm, chị bất ngờ xin nghỉ, về quê khởi nghiệp bằng việc trồng loại cỏ có tên Vetiver.

Thời điểm ấy, Vetiver là cái tên xa lạ với người dân, tại Yên Khánh và cả tỉnh Ninh Bình, chưa có ai trồng loại cỏ này và cũng chẳng ai tin rằng, cỏ lại mang về giá trị kinh tế cao. Được biết, cơ duyên của chị Hoài và cỏ Vetiver bắt đầu vào cuối năm 2017, khi chị tham dự một hội thảo về chống biến đổi khí hậu và giảm nhẹ rủi ro thiên tai. Tại đây, chị được giới thiệu cỏ Vetiver có vai trò quan trọng với môi trường, giúp chống xói mòn đất, chống sạt lở, giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ cơ sở hạ tầng…

Hình ảnh người nông dân nước ngoài cầm cụm cỏ cao quá đầu, rễ dài hàng mét để lại ấn tượng mạnh với cô gái trẻ, thôi thúc chị tìm kiếm nhiều tài liệu về loại cỏ này. Cỏ Vetiver đã xuất hiện tại Việt Nam từ năm 1999 nhưng chưa được nhân rộng và ứng dụng phổ biến. Bên cạnh giá trị với môi trường, tinh dầu của loài cỏ này còn là chất định hương cao cấp của nước hoa, sử dụng nhiều trong các thương hiệu nước hoa xa xỉ, nổi tiếng thế giới.

Càng tìm hiểu, chị Hoài càng có niềm tin mình có thể làm gì đó để phát triển cỏ Vetiver. Khi nghĩ tới cách tạo ra mô hình kinh tế từ loại cỏ này, chị nghĩ ngay tới hương nhang: "Mùi hương từ cây cỏ này rất dễ chịu và được coi là mùi hương của hoàng tộc. Tại sao mình không kết hợp mùi hương ấy với hương nhang - sản phẩm mang đậm văn hóa dân gian của người Việt?". Sản phẩm hương nhang mà chị hướng tới là sản phẩm sạch, không chứa hóa chất độc hại, an toàn cho người sử dụng, với hai thành phần chính là bột bời lời và bột rễ cỏ Vetiver.

Nghĩ là làm, vợ chồng chị quyết định nghỉ việc, tìm về làng hương tại Hải Dương tìm hiểu cách làm cũng như thử nghiệm sản phẩm hương nhang từ rễ cỏ Vetiver. Tuy nhiên, lặn lội khắp nơi, họ chỉ nhận về những cái lắc đầu từ chối với chung câu trả lời: hương không có chất cháy sẽ tắt, hương phải có đậu tàn. Không bỏ cuộc, anh chị tiếp tục tìm kiếm, may mắn, chủ một cơ sở sản xuất hương tại Nam Định hiểu được mong muốn tạo ra sản phẩm thân thiện với môi trường nên đồng ý giúp.

Từ đây, nén hương đầu tiên từ rễ cỏ Vetiver ra đời, khởi đầu cho quy trình sản xuất đồng loạt sản phẩm hương nhang mang thương hiệu riêng của anh chị. Hoàn thiện sản phẩm mới là thành công bước đầu, bài toán tiếp theo họ phải giải là khâu tiêu thụ và quảng bá sản phẩm, làm thế nào để chúng phổ biến rộng rãi tới người dùng và mang lại lợi nhuận cao. Từ đây, vợ chồng chị tập trung đầu tư thiết kế bao bì bắt mắt, mang dấu ấn thương hiệu, đồng thời phân loại, hình thành chân dung khách hàng. Trong đó, bao bì được lấy ý tưởng từ con hạc ngậm sen trong tranh chùa Hương Tích của dòng tranh dân gian Đông Hồ.

Sản phẩm hương nhang từ rễ cỏ Vetiver.

Thông qua khảo sát trên mạng xã hội, trang cá nhân, các hội nhóm tiêu dùng sạch, cũng như các hội thảo về môi trường, anh chị nhận thấy đối tượng khách hàng có thể hướng tới là các hộ gia đình sống tại chung cư với mức thu nhập trung bình khá, những người muốn sử dụng sản phẩm thân thiện, an toàn. Nhờ làm tốt cả hai nhiệm vụ, sản phẩm hương nhang của anh chị nhận về phản hồi tích cực ngay khi ra mắt và sau 4 năm, họ đã hình thành được mạng lưới khách hàng ổn định, phân bố rộng khắp cả nước. Phát triển kinh tế chỉ là một phần, mong muốn hơn cả của chị Hoài là ứng dụng rộng rãi cỏ Vetiver trong việc chống sạt lở và giảm rủi ro thiên tai.

Hiện nay, cỏ Vetiver còn được chị trồng để cung cấp giống cho các công trình chống sạt lở, giúp bảo vệ hồ đập, kênh mương, đường bộ, bờ sông, bờ hồ thủy điện không bị bồi lấp, hạn chế dòng chảy mất mùa trên diện rộng. Từ 3 sào đất trồng thử nghiệm, giờ đây, anh chị có gần 2,5 ha trồng cỏ Vetiver, trong đó 1,5 ha đã khoán cho người dân trong xã. "Mỗi năm tôi cung cấp ra thị trường hơn 1,5 triệu cây cỏ Ventiver giống và 20 nghìn hộp hương. Sau khi trừ hết chi phí, lợi nhuận thu về mỗi tháng là gần 30 triệu đồng", chị Thu Hoài cho hay.

Khởi nghiệp "cô đơn" - thu về trái ngọt

Thời điểm quyết định nghỉ việc, "bỏ phố về làng", vợ chồng anh chị bị gia đình hai bên phản đối, khuyên nhủ suy nghĩ lại, bởi cả hai đều đang có công việc ổn định với mức thu nhập cao, chẳng ai "dại" về quê làm nông dân. Tuy nhiên, họ vẫn kiên định với ước mơ và cố gắng thuyết phục gia đình ủng hộ. Tài chính cũng là vấn đề "đau đầu" với cặp vợ chồng trẻ.

Chị Hoài thừa nhận, vợ chồng chị không có nhiều vốn liếng và phải dành toàn bộ tiền tiết kiệm, tiền cưới cũng như vay mượn thêm bố mẹ để đầu tư vào dự án này. Bất cứ dự án khởi nghiệp nào cũng có lúc gặp khó khăn, thất bại và dự án trồng cỏ Vetiver của vợ chồng chị Hoài cũng không ngoại lệ. Có những lần cứ trồng cỏ là chết rồi những bối rối, quay cuồng ở đơn hàng đầu tiên, những khó khăn vì dịch bệnh, chị đều tự động viên rằng, mình nhất định làm được, sắp qua rồi, sắp qua rồi.

Nhìn lại hành trình 4 năm "bỏ phố về làng", đã từng cô đơn, đã từng buồn bã, nhưng chị Hoài chưa từng hối hận mà rất hài lòng với công việc mình đang làm. "Tôi đã thực hiện được phần nào mong muốn cung cấp dòng hương an toàn tới người tiêu dùng và ít nhiều thay đổi nhận thức của một bộ phận khách hàng, để họ đón nhận và ủng hộ sản phẩm an toàn cho sức khỏe.

Ngoài ra, dự án của tôi cũng giúp một số người dân địa phương có việc làm, có thêm thu nhập mà không phải đi xa, điều này khiến tôi rất tự hào". Không chỉ mang lại giá trị kinh tế, chị Hoài cùng các cộng sự còn đóng góp tích cực vào các dự án cộng đồng bằng cách cung cấp cỏ Vetiver miễn phí để trồng chống sạt lở tại xã La Pán Tẩn, Yên Bái.

Chị Hoài cho biết, trong thời gian tới, chị sẽ phát triển thêm các dự án mới từ cỏ Vetiver, dùng lá cỏ làm nguyên liệu sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ. Bên cạnh đó, mở rộng thị trường với sản phẩm hương nhang ra nước ngoài, có thể xuất khẩu sang Nhật Bản.

Bài, ảnh: Hồng Minh

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/-bo-pho-ve-que-trong-co-kiem-hang-chuc-trieu-dong-moi-thang/d2022060208040830.htm