Bỏ qua lời khuyên của tòa, anh quyết 'đẩy' em ruột vào tù

Được nêu ý kiến tại tòa, người anh của cả bị hại và bị cáo nhận lỗi về mình khi không khuyên bảo được hai em. Ông xin tạ tội với bố mẹ nơi chín suối và cảm thấy đau lòng khi chứng kiến hai em kiện tụng trước vành móng ngựa. Ông khuyên hai em 'gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau', mong bị hại cho em trai cơ hội.

Hình minh họa

Hình minh họa

Nhưng dù anh khuyên nhủ, em trai khẩn thiết năn nỉ, chủ tọa phân tích lý tình, nhưng bị hại vẫn kiên quyết đề nghị tòa xử nghiêm người em để “làm gương” cho người khác.

Tranh chấp căn nhà hương hỏa

Hai ông Nguyễn Tiến Biền (SN 1961) và Nguyễn Tiến Bẩm (SN 1966, ngụ xã Phương Tú, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) là anh em trong gia đình đông anh chị em. Ông Biền là phó hiệu trưởng trường THPT, người em cũng là cán bộ trường tiểu học cùng trên địa bàn huyện Ứng Hòa. Cùng công tác trong ngành giáo dục nhưng hai anh em ông Biền lại hay xung đột vì mảnh đất bố mẹ để lại.

Theo lời một người anh trong gia đình, năm 2004, người mẹ sống trong căn nhà cấp bốn dột nát nên ông bỏ tiền xây dựng nên căn nhà ba tầng khang. Năm 2011, người mẹ mất không để lại di chúc. Từ đây, những mâu thuẫn trong gia đình nảy sinh. Nhất là giữa ông Biền và người em trai Bẩm nhiều lần xảy ra cãi vã, thậm chí ẩu đả. Năm 2014, ông Bẩm từng bị công an xã xử phạt hành chính về hành vi “cố ý gây thương tích” do đánh anh trai.

Người anh “tố” bị em trai bốn lần cố tình gây hấn. Gia đình ông đã hai lần làm đơn nhờ chính quyền giải quyết. “Lần đầu tiên đang họp gia đình, Bẩm ném chén sứ vào tôi. Lần sau, em trai đổ xăng vào chỗ tôi đứng rồi châm lửa đốt”, ông Biền nói.

Ông cho biết đỉnh điểm mâu thuẫn xảy ra vào chiều 26/11/2015: Khoảng 15h, khi ông Biền đang nói chuyện với người làm công tại xưởng mộc gia đình thì em trai đi xe máy đến dựng trước sân rồi đi bộ vào. Ông Biền can ngăn: “Đây là nhà hiện đang có tranh chấp, chú không vào được”.

Nghe vậy, ông Bẩm xưng “tao” và “bật” lại: “Cứ vào, đứa nào cấm được” rồi nhấc cửa đi tiếp thì bị anh trai đẩy ra. Hai bên giằng co. Người em lấy trong túi quần con dao nhọn vung liên tiếp vào mặt anh. Ông Biền túm được lưỡi dao, đẩy em ra.

Lúc này, người làm công chạy đến can ngăn và ném được con dao ra xa. Hậu quả, ông Biền bị thương ở mặt, ngón tay phải và đầu gối trái, phải điều trị tại Bệnh viện Vân Đình hơn tuần. Tỷ lệ tổn thương cơ thể tại thời điểm giám định của nạn nhân là 7%.

Quá trình điều tra, người em thừa nhận thương tích của ông Biền do mình gây ra. Tuy nhiên, ông này nói rằng không cố ý tấn công anh mà chỉ là tự vệ quá mức hoặc trong lúc giằng co vung tay gây nên.

Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 21/9/2016, người em ở vị trí bị cáo cho rằng, vì bức xúc thái độ của ông Biền nhiều lần ngăn cản không cho mình và các anh, chị khác vào nhà chung thắp hương bố mẹ dẫn đến mâu thuẫn. Vì không kiềm chế được bản thân nên bị cáo xử sự như vậy.

“Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”

Hội đồng xét xử nhận thấy, mặc dù ông Biền và em trai đều không được giao quản lý, trông coi căn nhà nhưng ông Biền ngăn cản không cho em vào thắp hương. Như vậy, lỗi cũng một phần do bị hại, còn bị cáo không kiềm chế được bản thân nên phạm tội. Hội đồng xét xử cho rằng người bị hại cũng phải nghiêm túc nhìn nhận, xem xét thái độ và hành vi của mình.

Xét thấy hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến sức khỏe người khác, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự địa phương nên TAND huyện Ứng Hòa tuyên phạt bị cáo 6 tháng tù giam.

Không đồng tình với mức án trên, bị cáo làm đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Ngày 12/12, TAND TP.Hà Nội mở phiên tòa phúc thẩm đối với bị cáo Bẩm. Tại tòa, bị cáo trình bày hoàn cảnh gia đình khó khăn, hai vợ chồng đều mắc bệnh hiểm nghèo. Ông Bẩm từng bị ung thư đại tràng đã qua nhiều lần phẫu thuật. Còn người vợ mắc bệnh tim, hàng tuần đều phải đến bệnh viện điều trị. Cũng theo bị cáo, người con đang ở tuổi cần bố mẹ quản lý nên mong HĐXX xem xét cho hưởng án treo.

Tuy nhiên người anh đề nghị tòa bác đơn kháng cáo của em trai vì hành vi phạm tội côn đồ. Người anh mang theo ảnh và bằng chứng cho rằng đã bị em đánh bốn lần. Theo lời ông này, mặc dù hai nhà ở gần nhau, không mâu thuẫn sâu sắc nhưng em trai lại mang dao chém mình. Đã nhiều lần ông bỏ qua nhưng bức xúc vì bị cáo biện minh đủ kiểu.

Bị cáo Bẩm không được người anh đồng ý giảm án

Bị cáo Bẩm không được người anh đồng ý giảm án

Ông này chất vấn: “Con dao để sẵn trong túi mà lại nói dao cạo sắn ư? Xảy ra sự việc, gia đình bị cáo không hề đến xin lỗi tôi dù là đóng kịch đi nữa. Bị cáo vô trách nhiệm với hành vi của mình. Khi em trai phạm tội cũng bị hiệu trưởng gọi lên khiển trách nhiều lần”.

Tại phiên tòa, thành viên HĐXX cho biết rất đau lòng khi chứng kiến cảnh anh, em trong gia đình “nồi da xáo thịt” lôi nhau ra tòa. Vị chủ tọa phân tích với bị hại: “Dù chuyện gì đi nữa, hậu quả xảy ra, em trai ông là người đi tù. Bị cáo có phải đi tù hay không là ở ông dùng cái tình, sự vị tha của mình. Đừng nên khoét sâu thêm mâu thuẫn. Sau này con cái của hai người sẽ ra sao? Chỉ vì mâu thuẫn nội bộ không thể giải quyết được mà phải đi tù? Điều đó có cần thiết?”.

Nhưng bị hại cho rằng lời vị chủ tọa khuyên là điều không cần thiết. Ông Biền cho rằng mâu thuẫn phát sinh từ cuộc họp sang cát cho người mẹ đã khuất. Tuy nhiên, đằng sau đó là tranh chấp đất đai của bố mẹ để lại không có di chúc.

Người anh tiếp tục tố em trai từng đánh cháu trai và chị dâu 70 tuổi và bản thân ông từng nhiều lần bị đánh thâm tím mặt mày. “Tôi không nhất thiết phải xin giảm án cho bị cáo mà để sau này làm gương, giáo dục thế hệ sau. Đừng quá lạm dụng tình cảm gia đình. Nếu là người ngoài, thử hỏi chú ấy có dám làm vậy. Bố mẹ mất, di sản không giao cho ai nhưng bị cáo cố tình giữ chìa khóa. Chúng tôi muốn vào thì phải chờ ở ngoài, Bẩm cố tình cất chìa khóa đi. Bị cáo cố tình chiếm đoạt nhà chung ấy”, người anh dứt khoát trả lời.

Được nêu ý kiến, người anh của bị hại và bị cáo nhận lỗi về mình khi không khuyên bảo được hai em. Ông xin tạ tội với bố mẹ nơi chín suối và cảm thấy đau lòng khi chứng kiến hai em kiện tụng trước vành móng ngựa.

Ông khuyên hai em “gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”, mong bị hại cho em trai cơ hội. Hoàn cảnh bị cáo khó khăn khi vợ chồng đều mắc bệnh hiểm nghèo, phụ thuộc vào đồng lương ít ỏi của bị cáo. Gia đình cũng đã làm đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo nên mong tòa xem xét.

Tại tòa, bị cáo xin lỗi anh trai và liên tục nhắc tới lời dặn của mẹ trước khi mất. “Con em 16 tuổi rất cần bố mẹ giáo dục. Còn được hay không là tùy thuộc vào lương tâm của anh”, bị cáo khẩn thiết.

Đáp lại, bị hại lạnh lùng trả lời: “Lương tâm của bị cáo như thế nào? Bị cáo dùng tay kéo lê tôi hơn 10m rách bươm quần áo. Tôi đã suy nghĩ rất nhiều khi cầm bút viết đơn. Tôi không phủ nhận tính nhân văn khi giáo dục con người nhưng đôi khi nó trở nên phản tác dụng”.

Đại diện VKS nhận định hoàn cảnh bị cáo khó khăn, từng có tiền sử bị ung thư hiện đang chữa trị. Bị cáo có hoàn cảnh khó khăn, vợ đau ốm và nuôi hai con nhỏ. Tuy nhiên, bị cáo từng có tiền sự về tội “Cố ý gây thương tích”, chưa đủ điều kiện hưởng án treo. Ngoài ra bị hại đề nghị giữ nguyên mức án tù. Vì vậy, công tố viên đề nghị HĐXX tuyên y án sơ thẩm.

Giờ nghị án, người anh bỏ ra phía ngoài hành lang chờ đợi, bỏ lại tiếng thở dài của người em trai cùng người thân. Mặc dù là anh em trong gia đình, nhưng giữa họ có bức tường vô hình ngăn cách. Mức án 6 tháng tù giam được HĐXX tuyên. Không biết đến khi nào tình cảm giữa hai anh em mới được hàn gắn?

Tại phiên tòa, thành viên HĐXX cho biết rất đau lòng khi chứng kiến cảnh anh, em trong gia đình “nồi da xáo thịt” lôi nhau ra tòa. Vị chủ tọa phân tích với bị hại: “Dù chuyện gì đi nữa, hậu quả xảy ra, em trai ông là người đi tù. Bị cáo có phải đi tù hay không là ở ông dùng cái tình, sự vị tha của mình. Đừng nên khoét sâu thêm mâu thuẫn. Sau này con cái của hai người sẽ ra sao? Chỉ vì mâu thuẫn nội bộ không thể giải quyết được mà phải đi tù? Điều đó có cần thiết?”.

Nhưng bị hại dứt khoát cho rằng lời vị chủ tọa khuyên là điều không cần thiết: “Tôi không nhất thiết phải xin giảm án cho bị cáo mà để sau này làm gương, giáo dục thế hệ sau. Đừng quá lạm dụng tình cảm gia đình.

Nếu là người ngoài, thử hỏi chú ấy có dám làm vậy. Bố mẹ mất, di sản không giao cho ai nhưng bị cáo cố tình giữ chìa khóa. Chúng tôi muốn vào thì phải chờ ở ngoài, Bẩm cố tình cất chìa khóa đi. Bị cáo cố tình chiếm đoạt nhà chung ấy”.

Trịnh Ninh

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/phong-su-dieu-tra/bo-qua-loi-khuyen-cua-toa-anh-nhat-quyet-de-em-ruot-vao-tu-311747.html