Bỏ qua vắc xin, nhiều trẻ nguy kịch vì viêm não

Hiện nay bệnh viêm não vào 'mùa' có nhiều diễn biến phức tạp, có ngày bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận hàng chục trẻ nhập viện, hầu hết những bệnh nhi nặng phải thở máy, hôn mê là những trẻ chưa tiêm vắc xin phòng bệnh.

Bệnh nhi viêm não đang điều trị tại bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: TN

Bệnh nhi viêm não đang điều trị tại bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: TN

Khác với không khí ồn ào, chật chội ở khoa khám bệnh; tại khu vực điều trị tích cực, Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em, bệnh viện Nhi Trung ương, không khí yên lặng đến đáng sợ, các bệnh nhi nằm im trong tiếng “tít… tít” của máy thở vang lên nhịp nhàng.

Tại phòng cách ly, một bé trai 13 tuổi (quê Thanh Hóa) bị viêm não Nhật Bản đang phải điều trị mở phế quản, vẫn nằm bất động. Bệnh nhi được điều trị tích cực hơn 20 ngày nhưng vẫn đang phải thở máy. Tuy đã có thể mở mắt, có cử động, nhưng trẻ không có ý thức về mọi việc xung quanh, khả năng phục hồi rất chậm.

TS.BS Đỗ Thiện Hải, Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm (bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết: “Đây là trường hợp viêm não rất nặng, ngay cả chức năng thở cũng không còn hoạt động bình thường, chỉ cần rút máy thở, bệnh nhi sẽ tử vong. Trường hợp bệnh nhi này với triệu chứng ban đầu là sốt cao, đau đầu, ngủ li bì, buồn nôn; đến ngày thứ ba phát bệnh, trẻ đã rơi vào hôn mê, nguy cơ tử vong cao và được chuyển lên bệnh viện Nhi Trung ương điều trị”.

Cùng phòng bệnh nhi này, còn có 2 trẻ khác cũng đang điều trị viêm não, tình trạng nguy kịch tương tự nằm bất động, mất ý thức.

“Từ đầu tháng 6 đến nay là thời điểm vào “mùa” của bệnh viêm não Nhật Bản, tại bệnh viện Nhi Trung ương liên tục tiếp nhận các ca bệnh viêm não thể nặng phải nhập viện, thậm chí có ngày lên tới 25 ca. Riêng viêm não Nhật Bản, từ đầu “mùa” đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận khoảng 20 ca. Đặc biệt, hầu hết các trẻ này đều không tiêm phòng hoặc tiêm không đầy đủ các mũi vắc xin phòng bệnh viêm não. Thậm chí có gia đình khi được hỏi còn không nhớ con mình đã tiêm phòng hay chưa”, TS. BS Đỗ Thiện Hải cho biết.

Bệnh viêm não thường khó phát hiện trong 1 - 2 ngày đầu, trẻ có thể bị sốt, đau đầu, nôn… rất dễ nhầm với các bệnh lý khác. Nhiều cha mẹ không biết, chỉ sử dụng thuốc chống nôn đường tiêu hóa để giảm nôn, nhưng đặc điểm của bệnh là nôn khan và không liên quan đến ăn uống. Trẻ lớn thường có các biểu hiện sớm của rối loạn chức năng thần kinh trung ương như: Đau đầu, hoạt động chậm chạp, ngủ nhiều. Các rối loạn này thường tăng lên vào khoảng ngày thứ ba, trẻ bị co giật, ngủ li bì, hôn mê…

Để đến mức hôn mê, li bì thì những biến chứng của bệnh để lại rất khủng khiếp. Khi mắc bệnh viêm não, tỷ lệ trẻ tử vong cao, điều trị rất tốn kém và di chứng nhiều. Thậm chí, tới 30 - 40% bệnh nhi mắc bệnh có di chứng về thần kinh, không vận động được…

Bệnh viêm não Nhật Bản thường xuất hiện ở trẻ từ 5 tuổi trở lên. Vi rút viêm não Nhật Bản không truyền từ người này sang người khác mà muỗi là tác nhân truyền bệnh. Muỗi mang vi rút viêm não Nhật Bản khi đốt trẻ sẽ gây bệnh. Thậm chí nguồn bệnh còn có thể tiềm ẩn ở trâu, bò, lợn…

Cũng theo BS. Đỗ Thiện Hải, viêm não Nhật Bản rất nguy hiểm nhưng có thể phòng bệnh hiệu quả bằng cách tiêm vắc xin. Vắc xin viêm não Nhật Bản là vô cùng cần thiết vì tỷ lệ tử vong khi nhiễm bệnh cao, trong khi ở các vùng nhiệt đới như Việt Nam nguy cơ mắc bệnh rất cao. Các bậc phụ huynh cần tiêm phòng đủ mũi và tiêm phòng nhắc lại đúng lịch để bảo vệ trẻ khỏi nguy cơ mắc căn bệnh nguy hiểm này.

BS. Đỗ Thiện Hải cũng khuyến cáo, khi phát hiện những triệu chứng rất sớm của rối loạn chức năng thần kinh trung ương, cần phải đưa trẻ đến viện ngay lập tức để kịp thời xử trí, tránh những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra.

Tạ Nguyên/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/suc-khoe/bo-qua-vac-xin-nhieu-tre-nguy-kich-vi-viem-nao-20190620154743893.htm