Bộ Quốc phòng trả lời cử tri Bình Thuận về các biện pháp bảo vệ biển, đảo

Bộ Quốc phòng vừa có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh: 'Đề nghị tăng cường công tác bảo đảm an ninh trật tự và bảo vệ biển, đảo, đồng thời thông tin cho cử tri những vấn đề dư luận quan tâm'.

Về công tác bảo đảm an ninh trật tự và bảo vệ biển, đảo, Bộ Quốc phòng cho biết, vùng biển Việt Nam được xác định bởi Luật Biển Việt Nam năm 2012, phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982. Các hoạt động của tổ chức và cá nhân trên vùng biển Việt Nam phải tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên. Thời gian qua, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo toàn quân duy trì nghiêm chế độ sẵn sàng chiến đấu, thường xuyên nắm chắc tình hình, kịp thời báo cáo, tham mưu với lãnh đạo Đảng, Nhà nước về giải pháp, phương án xử lý hiệu quả các tình huống, không để bị động, bất ngờ, bảo đảm giữ vững chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia và môi trường hòa bình, ổn định trên các vùng biển. Tăng cường sử dụng lực lượng Không quân, Hải quân, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải đội dân quân thường trực thực hiện nhiệm vụ trực, tuần tra, kiểm soát, quản lý, thực thi pháp luật, kịp thời phát hiện, theo dõi, tuyên truyền, xua đuổi tàu thuyền nước ngoài vi phạm, xâm phạm vùng biển Việt Nam. Thường xuyên làm tốt công tác cứu hộ, cứu nạn, hỗ trợ, bảo vệ ngư dân vươn khơi bám biển phát triển kinh tế gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Bộ đội Biên phòng tỉnh tuyên truyền pháp luật cho ngư dân.

Đối với việc bảo đảm an ninh, trật tự trên biển, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các lực lượng thực thi pháp luật phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng của các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ các biện pháp nắm tình hình, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, xuất nhập cảnh trái phép và tội phạm ma túy trên biển. Cụ thể, đẩy mạnh thực hiện kế hoạch chống khai thác IUU thông qua việc mở đợt cao điểm ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá Việt Nam khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài. Kịp thời phối hợp điều tra, xác minh, xử lý các đường dây môi giới, đưa người, tàu cá Việt Nam ra nước ngoài khai thác trái phép và các hành vi cưỡng bức, hành hung ngư dân trên tàu cá, qua đó đã góp phần giảm đáng kể số vụ việc.

Tuy nhiên, tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm IUU vẫn còn tái diễn, trong đó có tàu cá của ngư dân Bình Thuận. Vì vậy, cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân, đồng thời có biện pháp quản lý chặt chẽ, xử lý nghiêm minh hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống xuất nhập cảnh trái phép, buôn lậu, gian lận thương mại và tội phạm ma túy. Trong đó, từ đầu năm 2023 đến nay, các lực lượng chức năng của Bộ Quốc phòng đã trực tiếp phát hiện, phối hợp bắt giữ, điều tra, xử lý 1.232 vụ/1.460 đối tượng tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển và địa bàn ven biển. Duy trì và phát huy có hiệu quả các cơ chế, thỏa thuận hợp tác với lực lượng thực thi pháp luật của các nước trong khu vực, kịp thời trao đổi thông tin phối hợp giải quyết các vụ việc liên quan đến an ninh, trật tự trên biển và làm tốt công tác bảo hộ công dân.

Về công tác thông tin tuyên truyền, Bộ Quốc phòng khẳng định thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin cho Bộ Ngoại giao và các bộ, cơ quan chức năng liên quan để kịp thời phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền với cử tri và nhân dân cả nước về tình hình biển, đảo theo quy định.

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/bo-quoc-phong-tra-loi-cu-tri-binh-thuan-ve-cac-bien-phap-bao-ve-bien-dao-114285.html