Bỏ quy định thông báo công khai kế hoạch tuần tra của CSGT
Thông tư 32/2023 không còn quy định lực lượng chức năng thông báo công khai các kế hoạch tuần tra, kiểm soát phương tiện giao thông đường bộ, xử lý vi phạm theo chuyên đề.
Phân cấp việc ban hành kế hoạch tuần tra, kiểm soát
Ban hành Thông tư 32/2023 (có hiệu lực từ ngày 15/9) quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của cảnh sát giao thông (CSGT), Bộ Công an đã bỏ một số nội dung so với Thông tư 65/2020 đang hiện hành.
Cụ thể, Điều 14 Thông tư 65/2020 quy định, Trưởng phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ (Cục CSGT), trưởng phòng CSGT cấp tỉnh hay trưởng công an cấp huyện có trách nhiệm thông báo công khai các kế hoạch tuần tra, kiểm soát phương tiện giao thông đường bộ, xử lý vi phạm theo chuyên đề...
Hình thức thông báo công khai gồm: Niêm yết tại trụ sở tiếp công dân của đơn vị; đăng tải trên trang thông tin điện tử của Cục CSGT hoặc cổng thông tin điện tử công an cấp tỉnh, phòng CSGT.
Ngoài ra, kế hoạch được thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng. Nội dung thông báo công khai về đơn vị làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm; tuyến đường tuần tra kiểm soát; loại phương tiện, hành vi vi phạm tiến hành kiểm soát và thời gian thực hiện kế hoạch.
Tuy nhiên, Thông tư 32/2023 đã bỏ những quy định nêu trên và nêu rõ, Cục trưởng Cục CSGT tham mưu cho Bộ trưởng Công an ban hành kế hoạch hoặc trực tiếp ban hành kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi trên các tuyến giao thông đường bộ trên phạm vi toàn quốc.
Giám đốc công an cấp tỉnh ban hành kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật trật tự, an toàn giao thông trên các tuyến giao thông đường bộ trong phạm vi địa giới hành chính cấp tỉnh.
Trưởng phòng hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, đường sắt; trưởng phòng CSGT; trưởng công an cấp huyện ban hành kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong phạm vi tuyến, địa bàn được phân công, phân cấp theo quy định.
Còn đội trưởng các đơn vị gồm: Đội tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc; Đội CSGT; Đội CSGT đường bộ; Đội Tuần tra, dẫn đoàn; Đội CSGT - trật tự; Trạm trưởng trạm CSGT tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch tuần tra, kiểm soát cho các tổ CSGT trực thuộc mình quản lý.
CSGT kiểm soát những loại giấy tờ nào?
Điều 12 Thông tư 32/2023 quy định, CSGT khi tuần tra được quyền kiểm soát các giấy tờ có liên quan đến người và phương tiện giao thông, gồm: Giấy phép lái xe; chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ; bằng, chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng; giấy đăng ký xe hoặc bản sao chứng thực.
CSGT cũng kiểm soát giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe.
Ngoài ra, khi các cơ sở dữ liệu đã kết nối với hệ thống định danh và xác thực điện tử, xác định được các thông tin về tình trạng của giấy tờ thì việc kiểm soát thông qua kiểm tra, đối chiếu thông tin của các giấy tờ đó trong tài khoản định danh điện tử (VNeID) có giá trị như kiểm tra trực tiếp giấy tờ.
Đối với phương tiện, Thông tư 32/2023 quy định CSGT thực hiện kiểm soát hình dáng, kích thước bên ngoài, màu sơn, biển số phía trước, phía sau và hai bên thành phương tiện giao thông; kiểm soát tính hợp pháp của hàng hóa; số người thực tế chở so với quy định được phép chở và các biện pháp bảo đảm an toàn trong vận tải đường bộ...
Theo Thông tư 67/2019 quy định về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, từ ngày 15/1/2020, người dân có quyền giám sát lực lượng CSGT đang làm nhiệm vụ thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình.
Ngoài ra, Thông tư 67/2019 cũng nêu rõ, người dân có quyền được biết về kế hoạch tuần tra, kiểm soát, chuyên đề của CSGT thông qua các hình thức công khai kế hoạch tuần tra kiểm soát. Tuy nhiên, người dân không được yêu cầu kiểm tra chuyên đề hay kế hoạch khi làm việc trực tiếp với CSGT.