Bọ rầy tiếp tục tăng về mật độ
Thời tiết nắng mưa xen kẽ trong thời gian gần đây đang tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều loại sinh vật gây hại phát sinh và phát triển, đặc biệt là trên cây lúa. Tại nhiều địa phương, bọ rầy đang có xu hướng tăng nhanh về mật độ và diện tích gây hại, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng lớn đến năng suất lúa.

Một đám ruộng tại xã Thanh Vận nhiễm bệnh nặng với các biểu hiện vàng lá, cháy lá.
Hiện nay, nhiều cánh đồng tại các xã Thanh Vận, Thanh Mai, Cao Kỳ... (huyện Chợ Mới) đang xuất hiện hiện tượng lúa vàng, cháy lá từng chòm. Tại thôn An Thịnh, xã Thanh Mai, bà Hà Thị Vị có hơn 2.500m² ruộng chia sẻ: “Hơn một tuần nay, cả đám ruộng của tôi bắt đầu có dấu hiệu lạ, nhiều khóm lúa xanh tốt bỗng chuyển sang vàng lá. Tôi đã phun thuốc phòng trừ từ đầu vụ tới giờ cũng 3 – 4 lần nhưng tình hình không cải thiện. Xót ruột quá, tôi đành tưới thêm đạm, mong cây lúa hồi phục”.

Để cứu lấy ruộng, bà Hà Thị Vị (xã Thanh Mai, Chợ Mới) đã phun phòng nhiều lần, kết hợp tưới đạm với mong muốn lúa xanh tốt trở lại.
Không riêng gì bà Vị, nhiều nông hộ khác cũng đang đứng ngồi không yên vì dịch hại. Ông Nguyễn Phúc Hùng, thôn Đoàn Kết, xã Thanh Mai (huyện Chợ Mới) cho biết, gia đình ông gieo cấy 5.000m² giống lúa Khang dân. Những ngày gần đây, trên lá lúa xuất hiện nhiều vệt sọc vàng, một số khóm nhổ lên có biểu hiện chết rễ. Nghi ngờ bị nấm, vi khuẩn và bọ rầy, ông đã mua mấy loại thuốc về xử lý. “Mọi năm tôi chỉ phun 2–3 lần là ổn, năm nay đã phun tới 5 lần mà lúa vẫn không xanh lại. Cây cứ bị vàng và loang dần”- ông Hùng nói.

Có rất nhiều nguyên nhân gây hại như nấm, vi khuẩn, rầy nâu gây bệnh trên cây lúa.
Tình trạng bọ rầy đang có xuất hiện ở nhiều nơi trong tỉnh. Thống kê từ Chi cục Trồng trọt, BVTV và Quản lý chất lượng, bọ rầy đang tiếp tục tăng mạnh về mật độ và diện phân bố, với mật độ phổ biến từ 400–500 con/m², nơi cao tới 2.100 con/m², cá biệt có điểm đo hơn 5.000 con/m². Tổng diện tích nhiễm đã lên tới 194ha, trong đó nhiễm mới 70ha, rải đều ở tất cả các huyện, thành phố, trong đó 140ha nhiễm nhẹ, 40ha nhiễm trung bình và 14ha nhiễm nặng.
Ông Hoàng Thanh Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, BVTV và Quản lý chất lượng cho biết: “Nguyên nhân khiến diện tích lúa bị rầy tăng mạnh là do đầu vụ thời tiết khô hạn, nắng mưa xen kẽ khiến cây lúa phát triển không đồng đều, tất cả các loại giống lúa xuân đều có thể bị nhiễm rầy, vì vậy bà con cần lưu ý không để thân lá quá rậm rạp, nên tỉa bớt để tạo độ thông thoáng cho ruộng”.
Ông Bình cũng cho biết thêm, ngành đang tiến hành thăm nắm, kiểm tra, xác định thêm các yếu tố gây hại lúa để đưa ra khuyến cáo cụ thể.

Theo dự báo của cơ quan chuyên môn, trong thời gian tới, bọ rầy sẽ tiếp tục tăng cả về mật độ lẫn diện tích phân bố, bên cạnh đó một số bệnh như đạo ôn lá, khô vằn cũng có nguy cơ phát sinh và gây hại cục bộ nếu điều kiện thời tiết tiếp tục diễn biến bất lợi. Do đó, việc thăm đồng thường xuyên và phát hiện sâu bệnh kịp thời là yếu tố then chốt để bảo vệ năng suất.

Ruộng bị bệnh có hiện tượng vàng lá.
Để phòng trừ rầy gây hại, ngành chuyên môn khuyến cáo, đối với các ruộng đã phát hiện rầy, cần phun trừ bằng thuốc nội hấp có hoạt chất Nitenpyram hoặc hỗn hợp Nitenpyram + Pymetrozin như:Titan 600WG, Dyman 500WP, Florid 700WP… Khi phun, cần giữ mực nước ruộng từ 3–4cm, rẽ hàng lúa, hạ thấp vòi để thuốc tiếp xúc với gốc, nơi rầy thường trú ngụ. Những ruộng có mật độ cao (50 con/khóm hoặc 7 con/dảnh) cần phun kép 2 lần, cách nhau 5–7 ngày, và nên luân phiên hoạt chất để tránh hiện tượng kháng thuốc. Với những diện tích lúa bị cháy sau khi đã trừ rầy hoặc lúa vàng do thiếu dinh dưỡng, nên bón bổ sung phân hợp lý từ 2–5kg đạm và 4–5kg kali cho mỗi 1.000m². Song song, duy trì nước trong ruộng ở mức 2–3cm, làm cỏ và phát quang bờ ruộng để hạn chế nơi trú ẩn của sâu bệnh.

Do thời tiết thất thường, nhiều ruộng lúa đang đối mặt với sinh vật gây hại.
Đối với bệnh khô vằn, khi thấy triệu chứng cần ngừng bón đạm, loại bỏ lá bệnh đem ra ngoài tiêu hủy, có thể sử dụng thuốc Anvil 5SC, Daconil 75WP, Validacil 5SL… Còn với bệnh đạo ôn, cần chú ý đặc biệt ở những vùng trũng, khe suối, nơi thường xuyên nhiễm bệnh từ các vụ trước. Khi phát hiện cần ngừng bón đạm và phun trừ bằng thuốc như Bionite WP, Ketomium, Filia525SE, Trizole 400SC…

Một đám ruộng bị bệnh ở xã Thanh Mai, huyện Chợ Mới nhìn từ trên cao.
Hiện tại, lúa hiện đang giai đoạn làm đòng, ngành chuyên môn đang tiếp tục theo dõi, cập nhật diễn biến dịch hại trên đồng ruộng. Người dân được khuyến cáo cần theo dõi kỹ mật độ sâu bệnh, diễn biến thời tiết, áp dụng đúng quy trình phòng trừ để bảo vệ thành quả lao động của vụ xuân này./.
Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.vn/bo-ray-tiep-tuc-tang-ve-mat-do-post70788.html