Bỏ sắn, mía chạy theo keo - khó trăm bề

Nông dân xã Đa Lộc, huyện Đồng Xuân thu hoạch keo. Ảnh: LÊ TRÂM

Một thời gian dài nông dân trong tỉnh chuyển nhiều diện tích đất trồng sắn sang trồng cây keo. Hiện giá keo giảm, người trồng gặp khó, trong khi các nhà máy sắn đang thiếu nguyên liệu để chế biến tinh bột.

Cây keo bám rễ trên đất nông nghiệp

Dọc quốc lộ 19C đi qua các xã Xuân Lãnh, Xuân Long (huyện Đồng Xuân), hai bên đường là những đám keo xanh tươi. Diện tích trồng keo này trước đây người dân trồng sắn, mía, đậu. Ông Trần Văn Dũng, nông dân xã Xuân Long cho hay: Diện tích đất từ cầu Trà Ô (xã Xuân Lãnh) chạy xuống hố Cây Chống (xã Xuân Long) trước đây nông dân trồng mía, sau đó chuyển sang trồng sắn, gần đây thì trồng keo. Không chỉ vùng này mà từ xã Xuân Lãnh lên xã Đa Lộc cũng không còn sắn và mía nữa, thay vào đó là rừng keo. Có nơi, người dân trồng keo bên lề đường, cạnh mương nước.

Tình trạng trồng keo trên đất nông nghiệp còn diễn ra ở xã Xuân Quang 3, Xuân Phước (huyện Đồng Xuân). Theo bà Phan Thị Hương ở xã Xuân Quang 3, cách đây 3 năm, toàn xã tìm không ra cây mía, cả vùng gò đồi trồng vài đám sắn, nhưng sắn bị bệnh khảm lá xoăn đọt, cuối vụ thu hoạch không có củ, nông dân đã chuyển sang trồng keo. “Gia đình tôi có đám đất gò định trồng sắn, nhưng xung quanh người ta trồng keo nên tôi cũng phải trồng keo. Cách đây 3 tháng, giá gỗ keo nguyên liệu ở mức 1,7 triệu đồng/tấn, nay chỉ còn 1,2 triệu đồng/tấn. Mới đây, thương lái thông báo sắp tới sẽ không mua nữa, chúng tôi đang rất lo lắng”, bà Hương chia sẻ.

Ở huyện Sơn Hòa, chuyện trồng keo trên đất nông nghiệp cũng diễn ra phổ biến ở các xã Sơn Định, Sơn Hội, Cà Lúi. Ông Sô Y Rin, cán bộ địa chính, xây dựng xã Cà Lúi cho biết: Thời gian qua, diện tích đất trồng cây hàng năm chuyển sang trồng keo có chiều hướng gia tăng, ảnh hưởng đến người sử dụng đất liền kề và phá vỡ quy hoạch sử dụng đất của địa phương. Nay, khi keo hạ giá, nhiều người muốn phá bỏ keo để trồng sắn, mía trở lại thì tốn chi phí cao, vì cày phá gốc rễ bám sâu, phải có máy cày đại cày nhiều lần mới bứng tróc gốc keo.

Nhiều hệ lụy

Theo chính quyền các địa phương, do mấy năm qua, giá gỗ nguyên liệu ổn định ở mức cao, trong khi sắn và mía từ giá cả đến đầu ra đều không ổn định nên người dân đổ xô trồng keo trên đất nông nghiệp. Hệ lụy trước mắt là việc người dân tự ý chuyển đổi đất trồng cây màu sang trồng cây lâm nghiệp sẽ ảnh hưởng đến quy hoạch phát triển trồng trọt của tỉnh. Thêm vào đó, do nông dân chuyển đất trồng sắn sang trồng keo nên năm nay 2 nhà máy chế biến tinh bột sắn trên địa bàn tỉnh phải sản xuất cầm chừng hoặc dừng sản xuất sớm hơn kế hoạch do thiếu nguyên liệu.

Hiện giá gỗ nguyên liệu từ 1,2 triệu đồng/tấn, với năng suất trung bình từ 60-70 tấn/ha, nông dân có thể thu lãi 50 triệu đồng/ha, sau chu kỳ từ 5 năm trồng. Chia ra thì mỗi năm 1ha keo chỉ cho thu nhập hơn 10 triệu đồng. Đó là chưa nói đến chuyện Trung Quốc ngừng mua dăm gỗ thì cây keo chỉ có chết khô.

Trước thực trạng nói trên, Sở NN&PTNT khuyến cáo người dân không nên chạy theo giá cả, nay trồng mai chặt, mà tuân thủ quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt. “Cây keo khi lớn lên, khép tán sẽ che phủ ánh sáng mặt trời, những loại cây bên dưới bị khuất ánh nắng, khó phát triển. Lá keo chứa chất dầu, khi rụng xuống đất sẽ khiến các loại cây bên dưới chết. Trong quá trình phát triển, rễ keo hút hết dinh dưỡng trong đất, làm đất bạc màu, sau này rất khó trồng các loại cây khác”, ông Nguyễn Văn Minh, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, năm nay, diện tích sắn toàn tỉnh chỉ 20.972ha, giảm gần 5.000ha so với niên vụ trước. Điều đáng lo ngại nhất là nông dân trong vùng quy hoạch trồng sắn lại chuyển sang trồng rừng kinh tế, trong đó có việc trồng cây keo, nguy cơ phá vỡ quy hoạch rất cao.

MẠNH LÊ TRÂM

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/141/297517/bo-san-mia-chay-theo-keo-kho-tram-be.html