Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội: Điểm sáng trong bảo vệ động vật rừng

Sau nhiều năm đi vào hoạt động, Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã (Sở NN&PTNT Hà Nội) đã trở thành điểm sáng của cả nước trong công tác bảo vệ động vật rừng.

Hiện tại, trung tâm đang cứu hộ, chăm sóc, bảo tồn nhiều loài động vật quý hiếm, góp phần tích cực vào hạn chế việc săn bắt, buôn bán, giết thịt động vật hoang dã trái phép và bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam.

Chăm sóc hổ tại Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội.

Chăm sóc hổ tại Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội.

Cứu hộ nhiều động vật hoang dã

Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội có nhiệm vụ chuyên môn đặc thù là cứu hộ đa loài. Do vậy, công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, bố trí chuồng trại và phân công nhân lực theo hướng chuyên môn hóa gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, số lượng động vật hoang dã chuyển đến trung tâm thường xuyên quá tải, diện tích chuồng trại chật hẹp, một số chuồng nuôi không đủ điều kiện diện tích để phục hồi tập tính sinh học trước khi tái thả về môi trường tự nhiên.

Đặc biệt, động vật hoang dã đưa đến cứu hộ tại trung tâm phần lớn do cơ quan chức năng bắt giữ, tịch thu của các đối tượng trên đường vận chuyển đi tiêu thụ, nên nhiều trường hợp bị thương, suy kiệt do nuôi nhốt..., khiến quá trình cứu hộ, chăm sóc, nuôi dưỡng gặp nhiều khó khăn.

Nhận thức rõ những bất cập, khó khăn này, hằng năm, Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội đã triển khai kế hoạch chi tiết về hoạt động cứu hộ, chăm sóc động vật hoang dã sau cứu hộ. Giám đốc Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội Lương Xuân Hồng cho biết, đơn vị đã phân công nhiệm vụ đến từng cán bộ, chuyên viên các phòng chuyên môn theo phương châm “một việc, một đầu mối xuyên suốt” và "5 rõ" (rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ hiệu quả, rõ trách nhiệm). Nhờ đó, mỗi cán bộ, chuyên viên nâng cao ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.

Từ việc làm tốt công tác tổ chức bộ máy, phân công công việc…, trong 6 tháng đầu năm 2024, trung tâm đã thực hiện tốt việc tiếp nhận, cứu hộ, phòng trị bệnh, phục hồi sức khỏe, tổ chức tái thả động vật hoang dã về môi trường tự nhiên và chuyển giao sau cứu hộ. Cụ thể, trung tâm đã tiếp nhận từ các tổ chức, cá nhân trên cả nước 51 vụ, với 310 cá thể và gần 30kg rắn các loại. Đội ngũ y, bác sĩ của trung tâm khám bệnh định kỳ 8 đợt cho hơn 1.400 lượt động vật, điều trị 47 đợt cho 489 cá thể động vật hoang dã mắc các bệnh về viêm xương khớp, nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, nhiễm trùng vết thương, co giật thần kinh...

Bác sĩ thú y Trịnh Thị Thu Hằng (Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội) cho biết, nhờ được chăm sóc khoa học, bài bản, phần lớn động vật được cứu hộ tại trung tâm đã phục hồi sức khỏe nhanh. Để không làm mất tập tính hoang dã của từng loài động vật, trung tâm đã chủ động liên hệ với các vườn quốc gia trên cả nước để kịp thời chuyển giao và tái thả chúng sau cứu hộ về tự nhiên. Từ đầu năm 2024 đến nay, trung tâm đã chuyển giao 11 cá thể động vật hoang dã sau cứu hộ cho Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (tỉnh Quảng Bình); thả về môi trường tự nhiên 3 đợt với 256 cá thể và gần 9kg rắn tại Vườn quốc gia Ba Vì (Hà Nội), Vườn quốc gia Cát Tiên (tỉnh Đồng Nai), Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu (tỉnh Thanh Hóa).

Bên cạnh công tác cứu hộ, Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội còn thực hiện tốt công tác bảo tồn đối với 490 cá thể động vật hoang dã và 85,5kg rắn các loại. Trong đó có nhiều loài động vật quý, hiếm nằm trong sách đỏ Việt Nam và thuộc Phụ lục I, nhóm IB, nhóm IIB trong Nghị định số 84/2021/NĐ-CP của Chính phủ, như: Tê tê java, hạc cổ trắng, chim hồng hoàng, hổ, gấu, rùa đầu to, cu li…

Sớm mở rộng trung tâm

Theo Giám đốc Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội Lương Xuân Hồng, để làm tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, trung tâm tiếp tục xây dựng theo hướng chuyên môn hóa từng lĩnh vực, từng công việc cụ thể, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác cứu hộ động vật hoang dã.

Hằng năm, trung tâm phối hợp với các tổ chức quốc tế, vườn thú, các tổ chức và cá nhân có liên quan đến công tác cứu hộ động vật hoang dã để trao đổi, học tập kinh nghiệm, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn cho cán bộ, công nhân viên. Điển hình, trung tâm phối hợp với Tổ chức động vật châu Á khám sức khỏe tổng quát cho cá thể gấu ngựa; Chương trình Bảo tồn rùa châu Á khám sức khỏe cho 100 cá thể rùa và gắn chíp theo dõi cho 60 cá thể rùa các loại; Tổ chức Four Paws Việt khám sức khỏe cho 28 cá thể (rùa, cầy, đại bàng...) và tiêm vắc xin cho 39 cá thể hổ…

Ngoài ra, Trung tâm Bảo tồn và Phát triển thiên nhiên còn thường xuyên cử chuyên gia đến làm việc, cố vấn về phúc lợi, chia sẻ kinh nghiệm trong việc thăm khám sức khỏe cho các cá thể động vật hoang dã; phối hợp với Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) lấy mẫu sinh thiết phân tích ADN và hình ảnh cho 34 cá thể hổ, nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ cho công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát và nghiên cứu, bảo tồn, duy trì nguồn gen.

Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, trung tâm luôn tuyên truyền tới cán bộ, công nhân viên tinh thần lấy động vật làm trung tâm để đổi mới, thay đổi phương pháp làm việc, nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trung tâm cũng thường xuyên tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao tinh thần trách nhiệm của người lao động; nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn; xây dựng tập thể đoàn kết, vững mạnh; thực hiện nghiêm việc đánh giá, kiểm điểm rút kinh nghiệm trong mọi hoạt động của đơn vị; động viên kịp thời tập thể có thành tích và cá nhân có sáng kiến hay, tận tâm với nghề...

Để công tác cứu hộ, bảo tồn động vật hoang dã đạt hiệu quả cao nhất, trung tâm tiếp tục đề nghị Sở NN&PTNT, UBND thành phố Hà Nội đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án mở rộng Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã theo quy hoạch, nhằm đáp ứng đủ diện tích tối thiểu phục vụ công tác cứu hộ, bảo tồn, nhân nuôi sinh sản động vật hoang dã.

Đồng thời, trung tâm từng bước được xây dựng theo hướng hiện đại, năng động, tiếp thu các nghiên cứu khoa học, các biện pháp cứu hộ động vật hoang dã tiên tiến trên thế giới, áp dụng phù hợp vào thực tế chuyên môn của đơn vị; tăng cường hợp tác với các tổ chức cứu hộ động vật hoang dã trong nước và quốc tế để trao đổi, học tập kinh nghiệm, nâng cao năng lực và kiến thức chuyên môn, nhằm đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu cứu hộ, chăm sóc động vật hoang dã theo chức năng, nhiệm vụ. Qua đó, trung tâm tiếp tục góp phần tích cực vào bảo tồn đa dạng sinh học ở Hà Nội cũng như trên cả nước.

Ngày 31-10-2012, UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 xây dựng mở rộng Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội lên thành 12ha. Ngày 8-4-2022, HĐND thành phố đã ban hành Nghị quyết số 03/NQ-HĐND về việc phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án sử dụng vốn đầu tư công của thành phố Hà Nội, trong đó có nội dung đồng ý chủ trương đầu tư dự án xây dựng, mở rộng Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội tại huyện Sóc Sơn. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 138 tỷ đồng, được triển khai trong giai đoạn 2022-2025.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/trung-tam-cuu-ho-dong-vat-hoang-da-ha-noi-diem-sang-trong-bao-ve-dong-vat-rung-671018.html