Bộ SGK Cánh Diều: Học từ cuộc sống
Bộ sách giáo khoa lớp 1 Cánh Diều được xây dựng theo hướng mở toang cánh cửa nhà trường để cuộc sống tràn vào
Chiều 17-12, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Nhà Xuất bản (NXB) ĐH Sư phạm (thuộc Trường ĐH Sư phạm Hà Nội), NXB ĐH Sư phạm TP HCM (thuộc Trường ĐH Sư phạm TP HCM) và Công ty Đầu tư Xuất bản - Thiết bị giáo dục Việt Nam (VEPIC) đồng tổ chức tọa đàm giới thiệu bộ sách giáo khoa (SGK) lớp 1 (bộ Cánh Diều) theo chương trình giáo dục phổ thông mới.
Giảm nỗi khiếp sợ học hành
GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên SGK Tiếng Việt 1, cho hay chương trình giáo dục phổ thông mới được xác định nhằm phát triển đầy đủ các năng lực phẩm chất người học. Vì thế khi làm sách, những người biên soạn hướng tới phát triển các năng lực cốt lõi của học sinh. Sau khi học xong, học sinh làm được những gì là điều mà nhóm tác giả quan tâm nhất. "Ngay từ những bài học đầu, sách đã có nhiều bài tập đọc thú vị, hấp dẫn dựa trên những chữ và vần mới học, nhờ đó học sinh không quên chữ, vần đã học, đồng thời đọc, viết nhanh và chính xác hơn. Ở phần luyện tập tổng hợp, sách có thêm các bài hướng dẫn học sinh tự đọc sách, tạo lập các văn bản đa phương thức, tổ chức trưng bày, giới thiệu sản phẩm học tập..." - GS Nguyễn Minh Thuyết nói.
Đối với môn toán, GS Đỗ Đức Thái, Tổng Chủ biên SGK Toán 1, cho rằng giáo dục toán học ở trường phổ thông có ảnh hưởng việc thành công với chương trình giáo dục phổ thông mới. "Giáo dục toán học ở phổ thông hiện hành, nhất là với tiểu học, là quá tải và rất nặng. Nó khó đến mức phải là những giáo sư toán học có trình độ tốt mới hiểu hết được" - GS Đỗ Đức Thái đánh giá. Ông ví dụ, trẻ con 6 tuổi, đọc, viết chưa được, các cô phải xúc ăn cho nhưng phải xây dựng tập số tự nhiên bằng cả 2 tiên đề. Một loại là xây dựng thông qua lý thuyết tập hợp trên cơ sở đếm 1 con bò, 1 con gà, 1 con mèo ra con số 1; 2 bông hoa, 2 cốc nước thì ra con số 2. Đồng thời có hệ tiên đề đằng sau đó là số liền trước, số liền sau.
"Bây giờ tôi đố giáo viên dạy toán cấp I có thể trả lời đúng hết. Thế mà trẻ con của chúng ta điềm nhiên phải học như thế. Học hình học trẻ con phải học biểu tượng cụ thể sờ nắm được, quan sát được rồi mới tới các khái niệm trừu tượng nhưng học sinh của chúng ta học ngay đường thẳng. Có ai giao cho học sinh đường thẳng để cầm? Điều đó dẫn đến thực tế, môn toán trở thành nỗi khiếp đảm với rất nhiều bạn nhỏ, học sinh không còn thấy vui trong giờ học toán" - GS Đỗ Đức Thái nhận định.
Đưa cuộc sống vào bài học
"Chúng ta phải thực hiện chủ trương thực sự giảm tải và giảm tải một cách hợp lý. Toàn bộ bộ sách Cánh Diều, chúng tôi muốn "mở toang cánh cửa nhà trường để cuộc sống tràn vào nhà trường và nó phải gắn vào cuộc sống, biến thành năng lực để giải quyết được vấn đề thực tiễn sau này. Mang cuộc sống vào bài học và đưa bài học vào cuộc sống" - GS Đỗ Đức Thái khẳng định. Ông cho hay SGK toán lớp 1 được viết trên nguyên tắc lấy học sinh làm trung tâm, học sinh học được dưới sự giúp đỡ của cha mẹ học sinh.
PGS Mai Sỹ Tuấn, Tổng Chủ biên sách tự nhiên và xã hội, cho rằng SGK mới tổ chức dạy học theo mô hình dạy học tích cực, gắn với cuộc sống hằng ngày của học sinh. Các em học từ những thứ gần gũi nhất với cuộc sống. "Để thực hiện cho các em tìm tòi, khám phá, chọn chủ đề phù hợp thì chúng tôi đưa ra những tình huống cho các em nhận ra đâu là đúng, đâu là sai để nhận biết được đúng, sai. Chúng tôi xây dựng 2 tuyến nhân vật, cho học sinh tự giải quyết tình huống" - PGS Mai Sỹ Tuấn giới thiệu.
Đổi mới phương pháp
Trước khi bộ sách ra mắt, đã có một số giáo viên, học sinh được dạy và học thực nghiệm, như Trường Tiểu học Thăng Long. Đa số giáo viên và học sinh cho biết bộ sách đã đem lại nhiều hứng thú cho việc dạy và học. Sách có nhiều hình ảnh sinh động, gắn với thực tế cuộc sống.
Nói thêm về việc dạy và học với SGK mới, GS Nguyễn Minh Thuyết nhận xét SGK Tiếng Việt của Cánh Diều rất gần gũi, không tạo ra những khó khăn như mọi người lo lắng.
Theo PGS Mai Sỹ Tuấn, sách mới lấy hầu hết những chủ đề của chương trình hiện hành (con người và sức khỏe, tự nhiên và xã hội), dù nâng lên 6 chủ đề nhưng thực chất cũng là những chủ đề trên. Dù dạy chương trình hiện hành hay chương trình mới thì giáo viên vẫn phải hướng đến dạy học tích cực, lấy học sinh làm trung tâm. Đổi mới lần này là đổi mới phương pháp dạy học nên giáo viên phải chú ý phương pháp.
TS Phạm Văn Tuyến - Tổng Chủ biên môn mỹ thuật - chia sẻ trước đây với môn mỹ thuật, học sinh chỉ được học vẽ tranh và nặn tượng nhưng ở bộ sách Cánh Diều, tất cả trong đời sống hằng ngày đều hiện diện. Ví dụ học sinh được học thiết kế thời trang ở phương diện nhận diện, thay vì phải đọc chữ, học sinh được nhìn hình và giáo viên hỗ trợ thêm...
Bộ sách xã hội hóa
Theo ông Nguyễn Bá Cường, Giám đốc NXB ĐH Sư phạm, Cánh Diều là bộ SGK xã hội hóa đầu tiên hiện thực hóa nghị quyết của Đảng và Quốc hội. Sự ra đời của bộ sách đã bước đầu tạo ra một cuộc cạnh tranh về chất lượng SGK cả về nội dung và hình thức. Cũng theo ông Cường, bộ SGK Cánh Diều có 100% bản mẫu được các hội đồng thẩm định quốc gia thông qua với tỉ lệ phiếu đồng thuận tuyệt đối.
Cánh Diều cũng là bộ SGK duy nhất hiện nay đầy đủ tất cả các môn học và hoạt động giáo dục: Toán 1, Tiếng Việt 1, Tự nhiên và Xã hội 1, Đạo Đức 1, Âm nhạc 1, Mỹ thuật 1, Giáo dục thể chất 1 và hoạt động giáo dục bắt buộc (Hoạt động trải nghiệm 1).