Bờ sông, bờ biển sạt lở ngày càng nghiêm trọng do thời tiết cực đoan

UBND tỉnh Cà Mau cho biết, năm 2022, toàn tỉnh ghi nhận 115 vị trí ven sông bị sạt lở với chiều dài hơn 2.600m; bờ biển bị sạt lở với chiều dài hơn 3.700m. Gần 1.600 căn nhà và 43 công trình bị thiệt hại, hư hỏng do sạt lở. Ước tính tổng thiệt hại về tài sản khoảng 38 tỷ đồng. Tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển ngày càng nghiêm trọng đang đặt ra những thách thức rất lớn đối với địa phương có 3 mặt giáp biển này.

Tỉnh Cà Mau đang đẩy nhanh tiến độ trồng rừng ngập mặn để giữ đất, chống sạt lở. Ảnh: Bích Nguyên

Tỉnh Cà Mau đang đẩy nhanh tiến độ trồng rừng ngập mặn để giữ đất, chống sạt lở. Ảnh: Bích Nguyên

Gần 150km sạt lở đặc biệt nguy hiểm

Tỉnh Cà Mau có hệ thống sông ngòi, kênh rạch dày đặc, địa hình bờ biển phức tạp. Những năm gần đây, dưới tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng cùng với các hình thái thời tiết cực đoan đã làm cho bờ sông, bờ biển tỉnh Cà Mau bị sạt lở ngày càng nghiêm trọng. Tổng chiều dài bờ biển bị sạt lở khoảng 188/254km.

Theo số liệu thống kê của ngành Lâm nghiệp, giai đoạn 2011-2021, sạt lở làm mất rừng ven biển với diện tích khoảng 5.250ha (tương đương với diện tích bình quân một xã của tỉnh); sạt lở bờ sông khoảng 365/8.118km. Do quá trình sạt lở xảy ra mạnh và thường xuyên, nên đường bờ lấn về phía đất liền nhanh chóng, rừng ngập mặn và các công trình hạ tầng khác bị phá hủy, sự vận động tự nhiên của địa chất, địa mạo ven sông, ven biển đã gây ra tình trạng sạt lở rất nghiêm trọng, không những diễn ra vào mùa mưa, mà còn xuất hiện cả vào mùa khô.

Với sự hỗ trợ từ Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và sự cố gắng nỗ lực của tỉnh, trong những năm qua, tỉnh Cà Mau đã đầu tư xây dựng hoàn thành được 56,7km kè bảo vệ (trong đó, bờ biển Tây 43,8km, kinh phí thực hiện 1.103 tỷ đồng; bờ biển Đông 12,9km, kinh phí thực hiện 745 tỷ đồng). Theo UBND tỉnh Cà Mau, những công trình được bố trí đủ vốn và đầu tư hoàn thiện đã phát huy hiệu quả rõ rệt, làm giảm sóng, chống sạt lở và bước đầu đã gây bồi, tạo bãi, khôi phục gần 1.000ha rừng phòng hộ. Hiện nay, tỉnh Cà Mau và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tiếp tục triển khai thực hiện 31,1km (bờ biển Tây 12,5km; bờ biển Đông 18,6km), với kinh phí gần 1.285 tỷ đồng.

Tuy nhiên, do tốc độ sạt lở diễn ra nhanh và phức tạp, UBND tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo ngành chức năng rà soát, cập nhật tình hình sạt lở để bổ sung, điều chỉnh kế hoạch phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển tỉnh Cà Mau đến năm 2030. Kết quả rà soát cho thấy, hiện nay, tổng chiều dài bờ biển Cà Mau đang tiếp tục bị sạt lở khoảng 100km (gồm 35km sạt lở đặc biệt nguy hiểm và 65km sạt lở nguy hiểm), sạt lở bờ sông khoảng 365km (gồm 114km sạt lở đặc biệt nguy hiểm và 251km sạt lở nguy hiểm).

Với tốc độ sạt lở như hiện nay, nếu không có giải pháp bảo vệ ngay thì trong thời gian tới, sạt lở sẽ tiếp tục làm mất thêm nhiều diện tích đất, rừng phòng hộ ven biển đã được hình thành qua hàng trăm năm. Nếu để sạt lở tiến sâu vào đất liền thì không chỉ mất đất, mất rừng, mà còn uy hiếp đến nhiều hạ tầng đã xây dựng bên trong, khi đó, việc xây dựng công trình phòng chống sạt lở sẽ rất tốn kém và khó khôi phục lại diện tích đất và rừng đã mất.

Cần khoảng 10.000 tỷ đồng để khắc phục sạt lở

Hiện, tỉnh Cà Mau lựa chọn và áp dụng nhiều giải pháp để xử lý khắc phục sạt lở, từ những giải pháp xử lý tạm thời (bằng vật liệu địa phương kết hợp đá hộc, rọ đá, cừ bản nhựa, bê tông tự chèn…) đến các giải pháp xử lý cơ bản, căn cơ hơn (kè ly tâm tạo bãi, kè đá khan...). Ngoài ra, các nhà khoa học, các viện trường hỗ trợ tỉnh nhiều giải pháp xử lý sạt lở, điển hình như giải pháp đê trụ rỗng.

Tình trạng sạt lở bờ biển ngày càng nghiêm trọng khiến nhiều hộ dân ở xã Đất Mũi bị mất nhà ở. Ảnh: Bích Nguyên

Tình trạng sạt lở bờ biển ngày càng nghiêm trọng khiến nhiều hộ dân ở xã Đất Mũi bị mất nhà ở. Ảnh: Bích Nguyên

Đối với sạt lở bờ sông, hàng năm, chủ động xây dựng, cập nhật, triển khai thực hiện Phương án ứng phó với sạt lở, sụt lún đất; tổ chức rà soát, cắm biển cảnh báo sạt lở để đảm bảo an toàn cho người dân, phương tiện xung quanh khu vực sạt lở; triển khai các giải pháp kè bảo vệ. Đồng thời, huy động các lực lượng, đặc biệt là Đội xung kích phòng, chống thiên tai để khắc phục hậu quả khi xảy ra sạt lở.

Theo đánh giá sơ bộ của các cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau, việc sạt lở bờ sông nói chung, nguyên nhân là do sự thay đổi hướng dòng chảy ở các đoạn sông cong, dưới tác động của dòng nước chảy siết trực tiếp vào bờ ở phía đối diện, tạo ổ xoáy khoét sâu vào phía bờ gây xói lở. Do đó, về lâu dài, để đảm bảo ổn định dòng chảy, cần có giải pháp chỉnh trị sông, nắn dòng chảy tại những đoạn sông cong, bị sạt lở.

Tuy nhiên, hiện nay, chưa có nghiên cứu, khảo sát, đánh giá cụ thể trên địa bàn tỉnh do chưa được đầu tư kinh phí, do đó, UBND tỉnh Cà Mau kiến nghị Trung ương hỗ trợ các Dự án nghiên cứu hoặc hỗ trợ kinh phí để tỉnh phối hợp với các đơn vị chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực chỉnh trị sông để kiểm tra, nghiên cứu, đề xuất giải pháp xử lý triệt để.

Để xử lý tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển, UBND tỉnh Cà Mau kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương quan tâm, xem xét tiếp tục hỗ trợ vốn để tỉnh Cà Mau thực hiện đầu tư các công trình phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển. Trong đó, tổng chiều dài bờ biển bị sạt lở đặc biệt nguy hiểm và nguy hiểm, khoảng 100km, dự kiến kinh phí khoảng 3.956 tỷ đồng. Các công trình phòng, chống sạt lở bờ sông ưu tiên tại các khu dân cư tập trung với tổng chiều dài khoảng 60km, dự kiến kinh phí thực hiện khoảng 4.791 tỷ đồng và sắp xếp bố trí 8 khu tái định cư với kinh phí khoảng 438 tỷ đồng.

UBND tỉnh Cà Mau cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cho chủ trương địa phương được khai thác bùn phía ngoài kè chống sạt lở để bơm vào tạo bãi khu vực phía trong kè để đẩy nhanh tiến độ trồng rừng phục hồi và phát huy nhanh hiệu quả của kè chống sạt lở.

An Nhiên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/bo-song-bo-bien-sat-lo-ngay-cang-nghiem-trong-do-thoi-tiet-cuc-doan-post460871.html