BÒ SỮA BỊ BỆNH DO TIÊM VẮC XIN: Bồi thường thiệt hại cho các cơ sở chăn nuôi trong tháng 9

Để khống chế bệnh tiêu chảy trên đàn bò sữa trong tỉnh, Lâm Đồng đã huy động một lực lượng lớn lên đến hơn 600 người từ Trung ương đến địa phương tham gia phục vụ phòng, chống bệnh. Đồng thời tiếp tục theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình bệnh; hỗ trợ người dân điều trị, chăm sóc phục hồi và không để phát sinh thêm bệnh trên đàn bò. Đặc biệt sớm có phương án bồi thường cho người chăn nuôi bò bị thiệt hại trong thời gian qua.

Phát thuốc để người dân điều trị bệnh cho bò sữa. Ảnh: Võ Lan

Phát thuốc để người dân điều trị bệnh cho bò sữa. Ảnh: Võ Lan

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cung cấp tại Hội nghị giao ban cung cấp thông tin báo chí tháng 9, thực hiện kế hoạch tiêm phòng phòng, chống bệnh động vật tỉnh Lâm Đồng năm 2024, các địa phương đã tổ chức tiêm phòng cho đàn gia súc. Đáng chú ý, trong đó vắc xin viêm da nổi cục Navet-LpVac của Công ty Cổ phần thuốc Thú y Trung ương Navetco (gọi tắt là Công ty Navetco) được đưa vào tiêm trên đàn bò sữa bắt đầu từ ngày 7/7/2024 đến ngày 2/8/2024 tại các huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà, Di Linh, Cát Tiên và TP Bảo Lộc với số lượng 9.126 con bò sữa được tiêm.

Sau khi tiêm phòng trong vòng 7 đến 10 ngày, bò xuất hiện các triệu chứng bỏ ăn, sốt, tiêu chảy và một số con bị chết. Khởi điểm bò bị bệnh xuất hiện đầu tiên trên đàn bò tại huyện Đơn Dương và sau đó xảy ra tại các huyện Đức Trọng, Lâm Hà, Di Linh và TP Bảo Lộc.

Nguyên nhân gây bệnh, theo các văn bản của Cục Thú y, văn bản số 1850/TY-DT ngày 12/08/2024 và số 1925/TY-DT ngày 22/8/2024 về việc nguyên nhân gây bệnh tiêu chảy trên đàn bò sữa trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, kết luận: “Nguyên nhân chính gây bệnh tiêu chảy ở đàn bò sữa của tỉnh Lâm Đồng do nhiễm Pestivirus tauri (BVDV type 2) sau khi tiêm vắc xin Navet-LpVac của Công ty Navetco; trong vắc xin Navet-LpVac của Công ty Navetco có BVDV type 2; kết quả giả trình tự gen của BVDV type 2 có trong mẫu bệnh phẩm và mẫu vắc xin Navet-LpVac có độ tương đồng 100% về nucleotide”.

“Ngay sau khi xảy ra bệnh trên đàn bò sữa, lãnh đạo Tỉnh ủy, trực tiếp là đồng chí Nguyễn Thái Học - Quyền Bí thư Tỉnh ủy và lãnh đạo UBND tỉnh đã trực tiếp kiểm tra tình hình bò bị bệnh tại huyện Đơn Dương và Đức Trọng, chỉ đạo UBND tỉnh tập trung nguồn lực tốt nhất, nhanh nhất để cứu chữa bò bị bệnh, giảm thiểu tối đa thiệt hại của người chăn nuôi; xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của đơn vị cung ứng vắc xin khi để xảy ra bệnh trên đàn bò" - báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho hay.

Qua đó, UBND tỉnh Lâm Đồng đã thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ Công tác phòng, chống bệnh tiêu chảy trên bò sữa; các địa phương đã thành lập Tổ công tác cùng với Tổ công tác của tỉnh đến từng hộ dân để hướng dẫn, trực tiếp điều trị bò bị bệnh. Đồng thời huy động nguồn nhân lực phục vụ phòng, chống bệnh với trên 600 người, từ Trung ương (Cục Thú y, Chi cục Thú y vùng V, VI, Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương, các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực chăn nuôi bò sữa); lực lượng cán bộ của các sở, ngành thuộc tỉnh; thú y các huyện, thành phố; thú y cấp xã, lực lượng hỗ trợ tại chỗ của các xã; thú y của Công ty Navetco, các tổ chức, cá nhân chăn nuôi bò sữa trên địa bàn tỉnh đã đến từng hộ chăn nuôi hỗ trợ điều trị bò bệnh.

Mặt khác, tiếp nhận hóa chất, vật tư, thuốc thú y của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công ty Navetco, Công ty Sữa Dalatmilk, Vinamilk, Cô gái Hà Lan, VPmilk đảm bảo cung cấp đủ cho các hộ chăn nuôi điều trị bò bị bệnh hằng ngày. Thực hiện các biện pháp cách ly điều trị; vệ sinh phòng bệnh, phun thuốc sát trùng, tiêu độc tại các cơ sở, hộ chăn nuôi và khu vực xung quanh có bò bị bệnh, chết, buộc tiêu hủy đảm bảo vệ sinh môi trường.

Kết quả, theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lũy kế đến ngày 9/9/2024, số bò bị bệnh lên tới 6.331 con liên quan đến 352 hộ ở 20 xã bị bệnh thuộc 5 huyện, thành phố nêu trên. Trong đó, 470 con bị chết, 5.619 con hồi phục và hiện còn 242 con mắc bệnh đang được theo dõi, điều trị.

Trong thời gian tới, các giải pháp mà Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra bao gồm: Tiếp tục theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình bệnh trên đàn bò; duy trì huy động lực lượng làm công tác thú y trực tiếp hỗ trợ người dân điều trị bò bị bệnh, theo dõi tình trạng đàn bò, tăng cường chăm sóc bò phục hồi; không để phát sinh thêm và lây lan bệnh. Huy động, hỗ trợ vật tư, thuốc thú y để điều trị bò bị bệnh, đảm bảo không để thiếu vật tư, thuốc trong quá trình điều trị bệnh. Phối hợp với Công ty Navetco hoàn tất việc thu thập, thống kê, xác nhận danh sách, thông tin các cơ sở chăn nuôi bị thiệt hại để làm cơ sở xây dựng phương án bồi thường thiệt hại và tổ chức họp, thỏa thuận phương án với toàn bộ cơ sở chăn nuôi bị thiệt hại tại địa phương.

Về xác định trách nhiệm thực hiện bồi thường thiệt hại, ngay sau khi có kết luận của Cục Thú y, song song với việc tổ chức cứu chữa đàn bò, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng đã phối hợp với UBND các huyện, Sở Tài chính, Sở Tư pháp và Công ty Navetco tổ chức các buổi làm việc để xác định trách nhiệm trong cung ứng vắc xin viêm da nổi cục Navet- LpVac của Công ty Navetco gây ảnh hưởng đến việc đàn bò phát bệnh tiêu chảy tại tỉnh Lâm Đồng. Lãnh đạo Công ty Navetco đã xác nhận sự cố bò phát bệnh tiêu chảy, bò chết trên địa bàn Lâm Đồng là do tiêm vắc xin Navet-LpVac của công ty cung cấp và cam kết thực hiện trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người chăn nuôi.

Các bước lập phương án bồi thường thiệt hại được Tổ công tác của tỉnh, các địa phương có bò chết vì bệnh phối hợp cới Công ty Navetco xây dựng dự thảo; cùng đại diện các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn 2 xã Tu Tra (huyện Đơn Dương), UBND xã Hiệp Thạnh (huyện Đức Trọng) tổ chức khảo sát mức bồi thường thiệt hại trên đàn bò phát bệnh trên cơ sở kết quả thảo luận các buổi làm việc, Tổ công tác tiếp thu, đề xuất điều chỉnh dự thảo phương án lần 3.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cũng đã có văn bản đề nghị UBND các huyện Đơn Dương, Đức Trọng chủ trì phối hợp với Công ty Navetco và Tổ công tác tổ chức khảo sát, lấy ý kiến toàn bộ cơ sở chăn nuôi bị thiệt hại tại địa phương để thống nhất phương án. Bên cạnh đó, báo cáo đề xuất UBND yêu cầu Công ty Navetco phối hợp với các địa phương hoàn tất việc thu thập, thống kê, xác nhận danh sách, thông tin các cơ sở chăn nuôi bị thiệt hại; tổ chức họp, thỏa thuận phương án với toàn bộ cơ sở chăn nuôi bị thiệt hại tại các địa phương và sau khi hoàn thiện phương án, phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức chi trả bồi thường cho các cơ sở chăn nuôi bị thiệt hại ngay sau ngày 20/9/2024.

Được biết, mới đây, Vụ Tài chính - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã chủ trì phối hợp với Vụ Pháp chế, Cục Thú y, Cục Chăn nuôi, Cục An ninh kinh tế (Bộ Công an) và Công ty Navetco họp bàn về xây dựng phương án bồi thường cho các hộ chăn nuôi bị thiệt hại do tiêm vắc xin Navet-LpVac tại tỉnh Lâm Đồng. Kết luận cuộc họp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Công ty Navetco xây dựng phương án bồi thường thiệt hại phải dựa trên cơ sở pháp lý và khi tiến hành thực hiện phải đúng trình tự do luật định và hiện Công ty Navetco đang trình phương án bồi thường để lãnh đạo Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn xem xét, quyết định.

KHẢI NHIÊN

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/kinh-te/202409/bo-sua-bi-benh-do-tiem-vac-xin-boi-thuong-thiet-hai-cho-cac-co-so-chan-nuoi-trong-thang-9-6b12c7f/