Bò sữa chết sau khi tiêm vắc-xin: Bài học với ngành chăn nuôi

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, bò sữa chết sau khi tiêm vắc-xin viêm da nổi cục là tổn thất không mong muốn đối với vật nuôi, gây thiệt hại cho bà con nông dân.

Tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm lĩnh vực thứ nhất tại Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng) đề nghị Bộ trưởng Bộ NN&PTNT thông tin cụ thể về quy trình sản xuất vắc-xin viêm da nổi cục và việc kiểm định chất lượng của loại vắc-xin này đối với bò sữa.

Đồng thời, đối với những thiệt hại đã xảy ra, đại biểu đề nghị sớm xác định rõ trách nhiệm và đưa ra phương án hỗ trợ sớm nhất cho người dân bị thiệt hại nhằm đảm bảo đời sống nhân dân.

Liên quan đến vấn đề bò sữa chết sau khi tiêm vắc-xin ở tỉnh Lâm Đồng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ: "Đây là tổn thất không mong muốn trong thời gian qua đối với vật nuôi là bò, cũng là một bài học đối với ngành hàng chăn nuôi có nhiều rủi ro ở nước ta".

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan.

Khi đã xảy ra thiệt hại thì cần có chính sách tốt nhất cho bà con. Bộ sẽ cùng với tỉnh Lâm Đồng chuẩn bị những phương án thỏa đáng cho bà con. Bộ trưởng Hoan thông tin, Bộ NN&PTNT đang thanh tra, kiểm tra đối chứng toàn bộ quy trình sản xuất, đăng ký, lưu hành,.. đối với lô vắc-xin này để xác định rõ nguyên nhân.

Việc xác định rõ nguyên nhân không chỉ để xử lý tình huống, tìm ra phương hướng bồi thường mà còn là để rút ra kinh nghiệm, bài học chung cho doanh nghiệp và các cơ quan quản lý, từ trung ương đến địa phương. Chỉ có nhìn đúng bản chất vấn đề mới không để xảy ra các trưởng hợp tương tự.

Chất vấn Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Đại biểu Tráng A Dương (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang) cho biết: "Tình hình sản xuất, xuất khẩu gạo và rau, quả của nước ta những năm qua diễn biến khá thuận lợi, nhất là trong những tháng đầu năm 2024 đã đạt nhiều kết quả tích cực".

Xuất khẩu gạo, rau, quả đã tăng về số lượng và giá trị. Tuy nhiên, bên cạnh những cái quả đạt được, hoạt động sản xuất, xuất khẩu gạo, rau, quả của nước ta trong thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém cần được khắc phục.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất nông sản xuất khẩu?

Về nhập khẩu một số nguyên liệu phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết: "Sau khi nhập khẩu nguyên liệu chúng ta vẫn chế biến lại để xuất khẩu, vì vậy chúng ta vẫn có cả xuất- nhập. Do đó, cần từng bước tự chủ để cân đối về vấn đề này".

Hiện nay, các Tập đoàn, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài cũng có đầu tư về lĩnh vực nguyên liệu phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, chính vì vậy các địa phương cần tham gia tích cực. Bộ sẽ tiếp thu ý kiến các đại biểu, phối hợp với các Bộ, ngành địa phương để tiếp tục thực hiện tốt nội dung này.

Về xuất khẩu nông sản lúa gạo, Bộ trưởng cho biết, chúng ta có sự tăng trưởng vượt bậc, so với năm 2023 đã tăng được 20%. Tuy nhiên, vẫn còn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro có thể xảy ra vào bất kỳ thời điểm nào. Chúng ta không thể làm chủ hết được cả thị trường bởi vì trên thị trường có rất nhiều quốc gia cạnh tranh cùng một mặt hàng với nước ta.

Thu nhập của người trồng lúa mới quyết định độ bền vững của ngành hàng lúa gạo.

Thu nhập của người trồng lúa mới quyết định độ bền vững của ngành hàng lúa gạo.

Do đó, giải pháp hữu hiệu nhất là cần tổ chức lại sản xuất, tổ chức ngành hàng, tổ chức lại thị trường, tổ chức lại hiệp hội và có sự điều chỉnh nhất định cho từng giai đoạn giá cả lên xuống thất thường hoặc biến cố ngoài mong muốn; có chính sách giúp đỡ người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, các địa phương cũng cần tạo thị trường ổn định để đảm bảo điều hòa những nông sản của địa phương mình.

Liên quan đến Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết: "Lần đầu tiên nước ta có Đề án quy mô lớn về giảm phát thải, tư duy lại toàn bộ cấu trúc ngành hàng trồng lúa, quan trọng nhất là tăng thêm thu nhập cho người nông dân không chỉ về giá lúa, mà còn thông qua giá trị tuần hoàn của cây lúa như giảm chi phí, bán tín chỉ các-bon…"

Từ đó, Bộ trưởng nhấn mạnh, thu nhập của người trồng lúa mới quyết định độ bền vững của ngành hàng lúa gạo.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, từ Đề án này của ĐBSCL, chúng ta sẽ triển khai ngành trồng lúa ở đồng bằng sông Hồng, duyên hải miền Trung; rồi chuyển sang cây ăn quả, thủy sản, chăn nuôi… vì đây là những ngành hàng phát thải lớn. Do đó, Việt Nam cần có trách nhiệm với thế giới để giảm phát thải.

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/bo-sua-chet-sau-khi-tiem-vac-xin-bai-hoc-voi-nganh-chan-nuoi-204240821125148039.htm