Bò sữa TH góp phần phát triển sinh kế người dân Lâm Đồng
Với việc bàn giao bò sữa cao sản thuần chủng TH HF từ trang trại bò sữa tập trung công nghệ cao ở Nghệ An cho người dân huyện Cát Tiên, Lâm Đồng, Tập đoàn TH đã thể hiện rõ cam kết phát triển bền vững vùng Tây Nguyên cũng như sinh kế cho người dân nghèo.
Một tháng sau thời điểm Chính phủ tổ chức Hội nghị triển khai Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển vùng Tây Nguyên, Tập đoàn TH và UBND huyện Cát Tiên, Lâm Đồng ký kết Văn bản thỏa thuận khungvề liên kết hợp tác phát triển bò sữa trên địa bàn huyện. Minh chứng này cho thấy rõ nhất nỗ lực, trách nhiệm của Tập đoàn TH trong việc cụ thể hóa cam kết thúc đẩy phát triển bền vững vùng Tây Nguyên, khi tại Hội nghị này, Anh hùng Lao động Thái Hương, Nhà Sáng lập Tập đoàn TH hiến kế phát triển Tây Nguyên với 4 trọng tâm, trong đó có phát triển đại chăn nuôi đưa người nông dân cùng đi theo chuỗi giá trị, sản xuất khép kín.
Những bước đi chắc chắn
Huyện Cát Tiên có tổng diện tích tự nhiên gần 42.700ha, trong đó có hơn 13.200ha đất có khả năng sản xuất nông nghiệp. Khu vực phía Nam của huyện là đồng bằng ô trũng, do phù sa sông Đồng Nai bồi đắp, thích hợp để phát triển vùng trồng nguyên liệu phục vụ chăn nuôi đại gia súc, đã được người dân tận dụng để phát triển chăn nuôi nông hộ với tổng đàn bò thịt gần 9.500 con. Tuy nhiên, do chưa có định hướng phát triển cụ thể, cũng như dưới tác động của những lý do khách quan như thời gian dịch bệnh Covid-19 kéo dài, chi phí chăn nuôi tăng cao, năng suất đàn bò giảm, đã khiến người dân gặp khó khăn.
Trước trăn trở của lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, Tập đoàn TH và Công ty Cổ phần sữa Đà Lạt đã đề xuất phát triển đàn bò sữa trên cơ sở phát huy lợi thế sẵn có của Cát Tiên về vùng nguyên liệu và điều kiện cơ sở vật chất sẵn có của nông hộ, chuyển đổi đàn bò thịt, phát triển lĩnh vực chăn nuôi bò sữa tạo thành vùng nguyên liệu sữa với sản lượng lớn, chất lượng cao, bảo đảm tính ổn định, bền vững. TH đã sớm chủ động phối hợp với Huyện ủy - HĐND - UBND huyện Cát Tiên triển khai công tác khảo sát, đào tạo cán bộ, từng bước xây dựng và hình thành chuỗi liên kết chăn nuôi bò sữa.
Từ những đóng góp của Tập đoàn TH, Công ty Cổ phần Sữa Đà Lạt, UBND huyện Cát Tiên đã xây dựng, ban hành Quyết định số 529/QĐ-UBND ngày 19.5.2022 về Đề án phát triển chăn nuôi Bò sữa trên địa bàn huyện Cát Tiên giai đoạn 2022 - 2025 và định hướng đến năm 2030, đặt mục tiêu đến năm 2025 có tổng đàn bò sữa đạt trên 2.700 con. Trong đó, đàn bò khai thác sữa khoảng 1.500 con, sản lượng sữa bình quân trong chu kỳ khai thác sữa đạt khoảng 30 tấn/ngày. Đến năm 2030, tổng đàn khoảng 8.000 - 10.000 con; sản lượng sữa bình quân trong chu kỳ khai thác sữa khoảng 80 tấn sữa/ngày.
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lâm Đồng, đây là bước đi mà lãnh đạo huyện Cát Tiên cũng như ngành nông nghiệp tỉnh không hề vội vã. Địa phương cùng các chuyên gia của TH đã có khảo sát đánh giá, xác định Cát Tiên có đủ tiềm năng, lợi thế về điều kiện thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng, vùng nguyên liệu để có thể đạt mục tiêu năm 2025. Ngành bò sữa với các lợi thế đó sẽ mang lại thu nhập cao cho người nông dân.
Ông Vijay Kumar, đại diện HĐQT Tập đoàn TH, chia sẻ: “Lễ ký kết mở ra cơ hội hợp tác giữa huyện Cát Tiên và Tập đoàn TH, nhưng quan trọng hơn là qua đó, chúng tôi được góp phần vào sự phát triển kinh tế của huyện và phát triển sinh kế cho người dân địa phương”.
“Từ nay nông dân có thể yên tâm đầu tư bò sữa”
Ngay ở thời điểm diễn ra lễ ký kết giữa Dalatmilk và UBND huyện Cát Tiên, những con bò sữa cao sản thuần chủng TH HF đang mang thai 3 tháng của TH từ trang trại bò sữa tập trung công nghệ cao ở Nghĩa Đàn, Nghệ An, đã được bàn giao về các khu vực chuồng trại của nông hộ tại huyện Cát Tiên. Đây là những con bò giống cho năng suất cao đầu tiên trong đợt 500 con được TH tuyển lựa để hỗ trợ cho nông dân.
Theo thỏa thuận, TH và Dalamilk bảo đảm nguồn giống bò sữa có chất lượng cao để cung ứng cho người nông dân chăn nuôi bò sữa. TH hỗ trợ trả góp 50% kinh phí mua giống bò sữa cho nông dân (khi bò cho sữa thì doanh nghiệp khấu trừ dần vào giá sữa trong thời gian 2 - 3 năm). Công ty Cổ phần sữa Đà Lạt sẽ xây dựng các trạm thu mua, bảo quản, vận chuyển và chế biến sữa phù hợp với quy mô đàn bò sữa; bảo đảm thu mua 100% sản lượng sữa tươi nguyên liệu do người nông dân Cát Tiên sản xuất trong vùng quy hoạch chăn nuôi bò sữa của huyện theo hợp đồng tiêu thụ sữa tươi.
Bên cạnh đó, Dalatmilk sẽ phối hợp với UBND huyện Cát Tiên hỗ trợ xây dựng mô hình hợp tác xã chăn nuôi bò sữa huyện Cát Tiên để làm đầu mối ký hợp đồng kinh tế liên kết chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm sữa nhằm bảo đảm tuần hoàn, khép kín từ đầu vào đến đầu ra theo chuỗi giá trị. Các lớp tập huấn cũng được tổ chức thường xuyên để bồi dưỡng kiến thức về chăn nuôi - thú y đối với bò sữa cho các hộ nông dân.
Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Chủ tịch UBND huyện Cát Tiên, khẳng định với lứa bò sữa đầu tiên được bàn giao lần này, huyện sẽ đồng hành sát sao, thực hiện tốt mô hình, xây dựng nên những trang trại mẫu, khuyến cáo nhân rộng.
Còn ông Nguyễn Văn Châu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lâm Đồng đúc kết, với những cam kết của Tập đoàn TH, từ nay, “nông dân Cát Tiên có thể yên tâm đầu tư bò sữa”!