Bổ sung các hành vi bị cấm liên quan đến sử dụng trái phép thông tin của người tiêu dùng
'Cần nghiên cứu bổ sung một số hành vi bị nghiêm cấm như: cung cấp, chia sẻ, phát tán, mua bán và trao đổi trái phép thông tin của người tiêu dùng. Đồng thời đề nghị rà soát thêm các pháp luật liên quan khác đang cấm các hành vi này để đảm bảo bao quát đầy đủ các hành vi này', ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) nhấn mạnh.
Tiếp tục chương trình làm việc, chiều ngày 5-4, các đại biểu Quốc hội chuyên trách xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
Đại diện cơ quan chủ trì thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH-CN-MT) Lê Quang Huy cho biết, liên quan đến khái niệm người tiêu dùng, Thường trực Ủy ban thống nhất với cơ quan soạn thảo bổ sung đối tượng “tổ chức”.
Về giải quyết tranh chấp tại tòa án, cơ quan thẩm tra thống nhất với cơ quan soạn thảo lựa chọn phương án quy định rõ việc áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. “Quy định như vậy tuy có thể làm gia tăng khối lượng công việc của hệ thống tòa án nhưng sẽ bảo vệ tốt hơn quyền lợi người tiêu dùng và phù hợp với thông lệ quốc tế”, Chủ nhiệm Lê Quang Huy nêu rõ.
Đề cập đến các hành vi bị nghiêm cấm, ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nhận định, các quy định như dự thảo chưa bao quát đầy đủ các hành vi có tính chất phổ biến xảy ra trong thời gian gần đây, và đối chiếu với pháp luật liên quan cũng chưa đầy đủ. “Cần nghiên cứu bổ sung thêm một số hành vi bị nghiêm cấm như: hành vi cung cấp, chia sẻ, phát tán, mua bán và trao đổi trái phép thông tin của người tiêu dùng. Đồng thời đề nghị rà soát thêm các pháp luật liên quan khác đang cấm các hành vi này để đảm bảo bao quát đầy đủ các hành vi này", nữ ĐB nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, song ĐB Dương Khắc Mai (Đắk Nông) bổ sung, cần loại trừ các trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh chuyển giao thông tin được thu thập phù hợp với quy định của luật này và pháp luật có liên quan cho bên thứ ba lưu trữ, hoặc phân tích nhằm phục vụ hoạt động kinh doanh của bên chuyển giao và hai bên đã thỏa thuận bằng văn bản về việc bên thứ ba có trách nhiệm bảo vệ thông tin người tiêu dùng theo quy định của luật này. Cung cấp thêm thông tin, ĐB Dương Khắc Mai cho biết, Luật An toàn thông tin mạng và Thông tư số 20 ngày 12-9-2017 của Bộ TT-TT đã đưa ra yêu cầu về nghĩa vụ thông báo của bên kiểm soát dữ liệu hoặc chủ sở hữu hệ thống dữ liệu khi có sự cố hoặc hành vi xâm phạm dữ liệu xảy ra.
Bày tỏ quan tâm đến thủ tục rút gọn giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) thẳng thắn nhận định, quy định như dự thảo luật đang ở trạng thái “vừa thừa, vừa thiếu”, không đảm bảo thống nhất với các quy định về thủ tục tố tụng trong hệ thống pháp luật, chưa sát với tình hình xử lý trong thực tiễn. ĐB đề nghị tiếp tục rà soát, tổng kết từ các vụ việc thực tiễn, từ công tác xét xử các vụ án liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để có quy định sát với thực tế hơn, hạn chế các trường hợp bỏ sót tình tiết, ảnh hưởng đến quyền lợi của các bên liên quan.
Cơ bản thống nhất nội dung của dự thảo luật, ĐB Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) đề nghị quy định trong dự thảo quyền được trả lại sản phẩm, hàng hóa và được hoàn trả toàn bộ chi phí mua sắm sản phẩm, hàng hóa không chỉ đối với hàng hóa có khuyết tật mà còn với sản phẩm, hàng hóa không đúng như quảng cáo giới thiệu, cam kết hoặc công bố của tổ chức, cá nhân kinh doanh.