Bổ sung các quy định về việc thực nghiệm khi biên soạn sách giáo khoa
Trước tình trạng phản ánh gay gắt về lỗi trong SGK Tiếng Việt lớp1, Bộ GD-ĐT đang nghiên cứu bổ sung quy định về việc thực nghiệm khi biên soạn SGK cũng như việc tổ chức đọc phản biện độc lập các bản mẫu SGK.
Trước tình trạng SGK Tiếng Việt lớp 1 bộ Cánh Diều vừa được phát hành đã gây bão dư luận do nhiều nội dung, từ ngữ không phù hợp, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ khẳng định Bộ đã yêu cầu nhà xuất bản và tác giả tiếp thu chỉnh sửa những ý kiến xác đáng về ngữ liệu, từ ngữ, câu chuyện dư luận phản ánh.
Bản hiệu đính sẽ được Hội đồng thẩm định lại và báo cáo Bộ trưởng Bộ GĐ-ĐT xem xét phê duyệt nội dung chỉnh sửa trước ngày 15/11 tới.
"Các bản hiệu đính sẽ được phát miễn phí. Chúng tôi đã làm việc với nhóm tác giả và nhà xuất bản, các bên đều nhất trí với phương án này"- Thứ trưởng Độ cho biết.
Để xử lý kịp thời, hiệu quả khó khăn khi sử dụng SGK trong giảng dạy và có phương án khắc phục khi phát hiện lỗi trong SGK, Bộ GD-ĐT chỉ đạo các nhà xuất bản, tác giả viết sách thực hiện các giải pháp linh hoạt, đa dạng để kịp thời hỗ trợ địa phương và giáo viên.
Bộ GD-ĐT cũng chỉ đạo các sở GD=ĐT yêu cầu các trường hướng dẫn, hỗ trợ giáo viên chủ động lựa chọn ngữ liệu khác phù hợp (nếu cần thiết) để tổ chức dạy học. Cùng với việc ban hành Thông tư số 23/2020/TT-BGDĐT ngày 26/8/2020 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa SGK; thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, hiện nay, Bộ GD-ĐT đang tiếp tục nghiên cứu vể bổ sung các quy định về việc thực nghiệm khi biên soạn SGK.
Việc tổ chức đọc phản biện độc lập các bản mẫu SGK khi Hội đồng đánh giá "Đạt" và lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp xã hội trước khi Bộ trưởng ký ban hành. Dự kiến thực hiện lấy ý kiến trên Cổng thông tin của Bộ GD-ĐT tương tự như quy trình lấy ý kiến các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
Trước đó, ý kiến nhiều chuyên gia giáo dục đã phản biện về việc sửa lỗi SGK và cho rằng việc các hạt sạn trong SGK mới chỉ là phần nổi. Về lâu dài, SGK còn có thể bị nhiều lỗi hơn do quy trình thẩm định không kiểm soát được.
Phát biểu trên Báo ANTĐ, TS Lê Thống Nhất khẳng định, SGK Tiếng Việt lớp 1 Cánh Diều bộc lộ những khuyết điểm khiến dư luận dậy sóng sau một thời gian dạy và học rất có thể do thực nghiệm chưa đến nơi đến chốn.
TS Lê Thống Nhất cho rằng nếu làm đúng quy trình thực nghiệm thì những khuyết điểm này đã bộc lộ sớm để có thể xử lý kịp thời. Tính khách quan của quá trình thực nghiệm SGK mới hiện nay vẫn là dấu hỏi lớn.