Hành động từ trái tim người thầy

Bức thư ngỏ của thầy Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Văn Trị (quận 1, TP Hồ Chí Minh) đang nhận được nhiều sự đồng cảm trong dư luận.

Để có quà tặng học sinh thay vì chỉ có giấy khen, thầy mong phụ huynh chuyển hoa chúc mừng 20/11 thành vở, sữa, thiết bị thể dục thể thao cho học sinh.

Lý do mà thầy Hiệu trưởng Lê Hồng Thái đưa ra vô cùng thực tế và thuyếtphục, đó là lẵng hoa tuy đẹp nhưng “chỉ dùng trong vài ngày thì vứt bỏ, rất phí phạm”. Nếu kinh phí mua hoa tặng các nhà trường, đơn vị dịp 20/11 được thay bằng sữa, vở, bút, đồng phục… cho học sinh, nhất là học sinh nghèo vượt khó, học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập thì các em sẽ có đủ đầy điều kiện và tăng động lực để nỗ lực, phấn đấu đạt kết quả tốt hơn.

Cái tâm của nhà giáo vẫnlặng lẽ tỏa hương trong dòng chảy của cuộc sống qua các thời kỳ. Nhà giáo là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý. Mới đây, đạo đức nhà giáo tiếp tục được khẳng định trong dự án Luật Nhà giáo vừa trình Quốc hội. Theo đó, đạo đức nhà giáo là các chuẩn mực về nhận thức, thái độ và hành vi trong mối quan hệ của nhà giáo với người học, đồng nghiệp, gia đình người học, cộng đồng. Đạo đức nhà giáo được thể hiện qua các quy tắc ứng xử của nhà giáo trong thực hiện nhiệm vụ và trong quan hệ xã hội phù hợp với hoạt động nghề nghiệp.

Việc thầy Hiệu trưởng Lê Hồng Thái đã làm vừa thể hiện cái tâm của nhà giáo, vừa cho thấy trách nhiệm xã hội của người thầy và tình yêu thương, chăm lo, thấu hiểu của thầy với học trò là vô bờ bến. Có lẽ, khôngchỉ các cá nhân, đơn vị nhận bức thư ngỏ nêu trên cảm thấy xúc động mà nội dung bức thư cũng chạm đến trái tim của nhiều phụ huynh, cơ quan đoàn thể cùng các đơn vị trường học, cán bộ quản lý giáo dục trên phạm vi toàn quốc.

Theo Hiệu trưởng Lê Hồng Thái, trong tháng 11 này, chuỗi hoạt động chính của trường là Hội thi Kể chuyện sách có minh họa và cuộc thi Phan Văn Trị Challenge 2024. Mục tiêu của hoạt động nhằm giúp các em phát triển toàn diện về trí tuệ, thể lực và thẩm mỹ. Thầy khẳng định, mọi đóng góp của phụ huynh, đơn vị dù lớn hay nhỏ đều là nguồn động lực cho thầy - cô, học sinh trong hành trình phát triển tri thức và nhân cách.

Tôn sư trọng đạo là nét văn hóa, là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Từ năm 1982, được sự đồng ý của Hội đồng Bộ trưởng, ngày 20/11 hàng năm chính thức là Ngày Nhà giáo Việt Nam. Đây là dịp để tôn vinh đóng góp to lớn, sự hy sinh thầm lặng của các nhà giáo và thể hiện lòng tri ân, biết ơn đối với các thế hệ nhà giáo đã miệt mài đóng góp cho sự nghiệp trồng người. Đảng, Nhà nước và Chính phủ luôn quan tâm đến nhà giáo và công tác giáo dục. Xã hội và người dân cũng rất tin tưởng, trân quý nghề giáo; đồng thời mong muốn sẽ có thêm thật nhiều tấm lòng và hành động đẹp như cách thầy Hiệu trưởng Lê Hồng Thái đã làm trong Ngày Nhà giáo Việt Nam năm 2024.

Việc chủ động đề xuất “đổi hoa lấy quà”, nhưng là những món quà đặc biệt qua bức thư ngỏ của thầy Hiệu trưởng Lê Hồng Thái được coi là hành động đẹp trong dịp kỷ niệm 20/11 năm nay. Đó là hành động xuất phát từ trái tim người thầy giữa guồng quay hối hả của cuộc sống đô thị hóa; nhất là trong bối cảnh giáo dục đang còn nhiều vấn đề cần đổi mới cả về phương pháp giáo dục, cơ sở vật chất lẫn đời sống của giáo viên.

Nam Du

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/hanh-dong-tu-trai-tim-nguoi-thay.html