Bổ sung chính sách hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp vào Dự án Luật Thanh niên sửa đổi
Về chính sách hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, Ủy ban thẩm tra cho rằng, đây là chính sách mới, gắn liền với xu hướng khởi nghiệp sáng tạo của thanh niên. Hiện nay, vấn đề này vẫn chưa có hành lang pháp lý đầy đủ nên việc quy định vào Dự thảo là cần thiết.
Theo chương trình phiên họp thứ 37, ngày 10-9, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe trình bày Tờ trình, Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật Thanh niên (sửa đổi) và thảo luận, cho ý kiến lần đầu đối với dự án luật này.
Trình bày Tờ trình, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân nêu rõ, sau 13 năm triển khai thực hiện và tổng kết thi hành Luật Thanh niên cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện Luật Thanh niên đã bộc lộ một số tồn tại và bất cập, cần sửa đổi để phù hợp với tình hình mới.
Báo cáo thẩm tra sơ bộ Dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho biết, đa số ý kiến Ủy ban thẩm tra thống nhất với sự cần thiết sửa đổi Luật Thanh niên với những lý do nêu trong Tờ trình của Chính phủ.
Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị nếu Dự thảo vẫn chỉ quy định về quyền, nghĩa vụ, chính sách đối với thanh niên với tư cách là công dân nói chung và không có đặc thù so với các công dân khác thì chưa nên ban hành Luật mới.
Về quản lý nhà nước về công tác thanh niên, Một số ý kiến đồng ý với quy định Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên, đồng thời đề nghị bổ sung cụm từ là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về thanh niên.
Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị trong bối cảnh đang thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp lại tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, không nên quy định cụ thể giao trách nhiệm quản lý nhà nước về thanh niên cho bộ nào trong Luật mà giao Chính phủ quy định.
Một số ý kiến cho rằng nên quy định về Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam trong dự thảo Luật vì Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam có bề dày gần 20 năm hoạt động với vai trò chủ chốt của Trung ương Đoàn; có điều kiện nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng của thanh niên. Việc bổ sung quy định về Ủy ban không làm phát sinh biên chế, bộ máy, đảm bảo tính kịp thời, hiệu quả của công tác thanh niên.
Một số ý kiến khác lại cho rằng không nên quy định vì: Theo Quyết định số 1328/QĐ-TTg ngày 28/8/2010, Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam là cơ quan tư vấn của Thủ tướng Chính phủ, giải quyết các công việc liên ngành về công tác thanh niên, không phải là cơ quan quản lý nhà nước.
Việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan tư vấn thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ. Điều này sẽ bảo đảm được tính chủ động, linh hoạt trong hoạt động của Chính phủ trong bối cảnh các tổ chức phối hợp liên ngành đang được rà soát, sắp xếp lại.
“Thường trực Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo cần tổng kết, đánh giá hiệu quả hoạt động của mô hình này, đồng thời tiếp tục nghiên cứu, cân nhắc để đảm bảo tính hợp lý, khả thi của các quy định trong dự thảo Luật”, Ủy ban thẩm tra đề nghị.
Đáng chú ý, về chính sách hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, Ủy ban thẩm tra cho rằng, đây là chính sách mới, gắn liền với xu hướng khởi nghiệp sáng tạo của thanh niên. Hiện nay, vấn đề này vẫn chưa có hành lang pháp lý đầy đủ nên việc quy định vào Dự thảo là cần thiết. Tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu kỹ các vấn đề liên quan đến khởi nghiệp sáng tạo để khuyến khích, thúc đẩy phong trào thanh niên khởi nghiệp.