Bổ sung cơ chế hậu kiểm doanh nghiệp theo quản lý rủi ro để tránh kiểm tra tùy tiện

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ chín, sáng 20-5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp.

“Thời điểm vàng” cho kinh tế tư nhân phát triển

Phát biểu thảo luận tại hội trường, các ý kiến đại biểu Quốc hội đều tán thành việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh vai trò của cộng đồng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân trở thành động lực quan trọng.

Quốc hội thảo luận tại hội trường sáng 20-5. Ảnh VPQH

Quốc hội thảo luận tại hội trường sáng 20-5. Ảnh VPQH

Góp ý thêm vào dự thảo luật, đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Đoàn Hà Nội) nêu, khu vực kinh tế tư nhân có khoảng hơn 5 triệu hộ kinh doanh và hơn 940 nghìn doanh nghiệp. Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp hiện hành và dự thảo luật lần này chưa đề cập việc cải cách mô hình hộ kinh doanh, trong khi đây là nội dung trọng tâm đã được xác định tại Nghị quyết số 68-NQ/TƯ ngày 4-5-2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Đoàn Hà Nội) phát biểu thảo luận. Ảnh VPQH

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Đoàn Hà Nội) phát biểu thảo luận. Ảnh VPQH

Với phân tích nêu trên, đại biểu Trần Thị Nhị Hà kiến nghị Chính phủ cần đưa ra lộ trình chuyển đổi toàn bộ hộ kinh doanh sang mô hình doanh nghiệp gắn với thời hạn xóa bỏ thuế khoán vào năm 2026. Cùng với đó, cần sớm ban hành Luật Doanh nghiệp tư nhân để áp dụng cho các mô hình kinh doanh nhỏ và siêu nhỏ.

“Luật Doanh nghiệp được sửa đổi lần này trong bối cảnh Bộ Chính trị xác định khu vực kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia, là lực lượng tiên phong thúc đẩy tăng trưởng. Vì vậy, đây là “thời điểm vàng” hoàn thiện thể chế, xây dựng hành lang pháp lý đồng bộ, thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển đúng hướng, minh bạch và bình đẳng”, đại biểu bày tỏ.

Góp ý liên quan nội dung viên chức làm việc tại một số loại hình cơ sở giáo dục công lập được tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp do cơ sở đó thành lập hoặc tham gia thành lập để thương mại hóa kết quả nghiên cứu do cơ sở đó tạo ra, đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn Thanh Hóa) kiến nghị cơ quan soạn thảo rà soát quyền viên chức trong tham gia nghiên cứu khoa học và việc thành lập doanh nghiệp, qua đó, có quy định thống nhất giữa các văn bản luật, bảo đảm hiệu quả thực thi.

Thể hiện cam kết phòng, chống rửa tiền

Đại biểu Tráng A Dương (Đoàn Hà Giang) nhất trí với 23 nội dung sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật. Đặc biệt, việc sửa đổi luật lần này nhằm tháo gỡ các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn. Tuy nhiên, trong dự thảo Luật chưa quy định rõ về vốn sau khi thành lập doanh nghiệp.

“Tôi kiến nghị nghiên cứu bổ sung quy định bắt buộc doanh nghiệp phải hoàn thành việc góp vốn trong một thời gian nhất định kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận thành lập. Trường hợp không đủ vốn đúng thời hạn, dự thảo cần quy định các biện pháp xử lý cụ thể, thể hiện tính nghiêm minh trong hoạt động kinh doanh”, đại biểu Tráng A Dương đề xuất.

Góp ý vào nội dung kiểm soát gian lận, vốn ảo đối với doanh nghiệp, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Đoàn Quảng Trị) cho biết, thực tiễn thi hành Luật Doanh nghiệp trong gần 3 thập kỷ qua đã chứng minh việc thành lập doanh nghiệp đơn giản, thuận tiện là một trong những quy định quan trọng, giúp nước ta phát triển kinh tế tư nhân. Thay vào đó, cơ quan nhà nước tăng cường hậu kiểm khi có nghi ngờ.

“Tôi đề nghị bổ sung cơ chế hậu kiểm theo quản lý rủi ro, chứ không kiểm tra tùy tiện, tùy hứng, gây mất thời gian của doanh nghiệp và dễ nảy sinh nhũng nhiễu, tiêu cực. Theo đó, cơ quan nhà nước phải xây dựng tiêu chí đánh giá rủi ro và kiểm tra doanh nghiệp theo tần suất cao đối với doanh nghiệp rủi ro cao và tần suất thấp hơn đối với doanh nghiệp rủi ro thấp”, đại biểu Sỹ Đồng kiến nghị.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (Đoàn Bến Tre) phát biểu thảo luận.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (Đoàn Bến Tre) phát biểu thảo luận.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (Đoàn Bến Tre) dẫn Điều 42 của Luật Doanh nghiệp hiện hành có quy định trụ sở chính doanh nghiệp đặt trên lãnh thổ Việt Nam và địa chỉ liên lạc xác định theo địa giới hành chính. Theo đại biểu, quy định này không đề cập yêu cầu về các giấy tờ chứng minh quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hợp pháp đối với địa chỉ trụ sở khi làm hồ sơ đăng ký doanh nghiệp.

Thực tế hiện nay, không ít cá nhân, tổ chức đăng ký thành lập doanh nghiệp nhưng sử dụng địa chỉ không có thực, điều này tạo ra nhiều khó khăn cho cơ quan chức năng trong công tác hậu kiểm sau khi doanh nghiệp được đăng ký. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo luật xem xét, nghiên cứu, bổ sung quy định này.

Trong khi đó, đại biểu Phan Đức Hiếu (Đoàn Thái Bình) kiến nghị: “Hiện nay, theo quy định, công dân từ 18 tuổi trở lên được tham gia góp vốn thành lập doanh nghiệp. Tôi đề nghị hạ độ tuổi này xuống là từ 16 tuổi”.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, đại diện cơ quan soạn thảo dự án Luật đã tiếp thu, giải trình làm rõ các vấn đề đại biểu nêu.

Đỗ Chí

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/bo-sung-co-che-hau-kiem-doanh-nghiep-theo-quan-ly-rui-ro-de-tranh-kiem-tra-tuy-tien-702882.html