Công bố hợp quy đối với doanh nghiệp còn nhiều bất cập

Nhiều doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng đề xuất bỏ quy định công bố hợp quy bởi quy định này mang nặng tính hình thức, gây lãng phí chi phí, thời gian và cả cơ hội kinh doanh.

Để một sản phẩm được lưu thông trên thị trường, doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục công bố hợp quy nhằm đảm bảo chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật.

Hiện nay, mỗi lần đăng ký công bố hợp quy cho gần 50 dòng sản phẩm, Công ty CP Phân lân Nung chảy Văn Điển phải chi gần 100 triệu đồng. Cứ ba năm, doanh nghiệp lại phải thực hiện lại thủ tục này. Chưa kể, riêng chi phí kiểm nghiệm sản phẩm cũng tiêu tốn gần 300 triệu đồng mỗi năm. Tính trung bình, mỗi dòng sản phẩm khi ra thị trường đang “cõng” khoảng 2 triệu đồng cho công bố hợp quy và 6 triệu đồng chi phí kiểm nghiệm – chưa kể thời gian chờ đợi thủ tục hành chính kéo dài.

Ông Nghiêm Đức Toản - Phó Tổng giám đốc CTCP Phân lân Nung chảy Văn Điển cho biết: “Doanh nghiệp sản xuất như đơn vị chúng tôi phải chờ tổ chức đến đánh giá, lấy mẫu để có kết quả nộp cho cơ quan quản lý nhà nước. Cơ quan nhà nước cấp bản thông báo tiếp nhận nội quy chỉ ghi nhận sự cam kết của tổ chức, cá nhân. Quy định này đang làm mất thời gian của doanh nghiệp, trung bình thì cần 1-2 tháng”.

Với những doanh nghiệp có hàng trăm chủng loại sản phẩm, chi phí thực hiện thủ tục hợp quy còn đội lên gấp nhiều lần. Đây mới chỉ là chi phí bề nổi, chưa kể những tổn thất về cơ hội kinh doanh và sức cạnh tranh, nhất là với các sản phẩm xuất khẩu.

Trước những bất cập kéo dài, nhiều doanh nghiệp cùng các hội ngành hàng đã liên tục gửi kiến nghị lên Quốc hội, Tổng Bí thư, đồng thời tổ chức các tọa đàm nhằm tháo gỡ những rào cản từ Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa và Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn Kỹ thuật.

Theo phản ánh của các doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng, quy trình đánh giá sản xuất và lấy mẫu để công bố hợp quy hiện nay chưa thực sự phản ánh đúng chất lượng sản phẩm trên thực tế. Việc lấy mẫu chỉ được thực hiện tại một thời điểm nhất định, trong khi sau đó doanh nghiệp vẫn tiếp tục sản xuất hàng loạt các lô hàng khác nhau theo nhu cầu kinh doanh. Điều này khiến cho kết quả đánh giá ban đầu trở nên hình thức, vô tình tạo kẽ hở cho hàng giả hàng nhái lộng hành.

TS Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hội chăn nuôi Việt Nam cho biết: “Công bố hợp quy là lấy mẫu để công bố một sản phẩm mà người ta chưa làm, lấy một lần cho một đời sản phẩm trong nhiều năm, như thế là vô lý. Chưa kể việc lấy mẫu là chọn mẫu đẹp nên kết quả rất tốt, nhưng quan trọng là hàng hóa sau này có phải như vậy hay không”.

Quốc hội đang hoàn thiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Luật sửa đổi lần này được kỳ vọng sẽ tạo ra một khung pháp lý linh hoạt hơn, giảm gánh nặng thủ tục nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả giám sát – để pháp luật không trở thành lực cản, mà là bệ đỡ cho doanh nghiệp phát triển.

Mai Ngọc

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/cong-bo-hop-quy-doi-voi-doanh-nghiep-con-nhieu-bat-cap-332095.htm