Bổ sung, điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông đường bộ tỉnh đến năm 2030
Nhằm xây dựng và từng bước hoàn chỉnh, hiện đại hóa mạng lưới giao thông vận tải (GTVT) tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050; đảm bảo phát triển GTVT một cách khoa học, ổn định, bền vững, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và kết nối vùng, vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Nhằm xây dựng và từng bước hoàn chỉnh, hiện đại hóa mạng lưới giao thông vận tải (GTVT) tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050; đảm bảo phát triển GTVT một cách khoa học, ổn định, bền vững, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và kết nối vùng, vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1570/QĐ-UBND ngày 26-7-2021 phê duyệt bổ sung quy hoạch tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - đường bộ ven biển, kết nối Trực Tuấn - Yên Định, Lạc Quần - Ngô Đồng và điều chỉnh nâng cấp quy hoạch tuyến đường tỉnh 489C, tuyến đường bộ ven biển trong Quy hoạch phát triển giao thông đường bộ tỉnh Nam Định đến năm 2030.
Theo Giám đốc Sở GTVT Đinh Xuân Hùng: Thực hiện chủ trương của UBND tỉnh tại các Văn bản số 109/UBND-VP5 ngày 9-3-2021, số 94/TB-UBND ngày 9-6-2021 giao Sở GTVT nghiên cứu lập quy hoạch và chủ trì tham mưu cho UBND tỉnh trình tự, thủ tục phê duyệt quy hoạch tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - đường bộ ven biển, kết nối Lạc Quần - Yên Định, Lạc Quần - Ngô Đồng làm cơ sở để xây dựng, hiện đại hóa mạng lưới giao thông của tỉnh, tạo bước phát triển đột phá về kinh tế - xã hội, thúc đẩy phát triển du lịch của vùng kinh tế biển Nam Định nói riêng, của tỉnh Nam Định và vùng đồng bằng sông Hồng nói chung, đặc biệt là khu vực hai bên tuyến đường bộ mới. Theo đó, Sở GTVT đã nghiên cứu, lập quy hoạch và tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh đồng ý bổ sung quy hoạch tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - đường bộ ven biển, kết nối Trực Tuấn - Yên Định, Lạc Quần - Ngô Đồng và điều chỉnh, nâng cấp quy hoạch tuyến đường tỉnh 489C, tuyến đường bộ ven biển vào Quy hoạch phát triển giao thông đường bộ tỉnh Nam Định đến năm 2030. Tuyến đường bộ mới gồm tuyến chính và 2 tuyến nhánh. Trong đó tuyến chính là tuyến Nam Định - Lạc Quần - đường bộ ven biển dài khoảng 28,7km, tiêu chuẩn đường cấp I đồng bằng (gồm 2 đoạn: đoạn từ đường Lê Đức Thọ đến Quốc lộ 21B dài khoảng 4,5km nằm trong quy hoạch chung thành phố đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, quy mô 8 làn xe, tổng mặt cắt ngang đường khoảng 63,5m; đoạn còn lại từ Quốc lộ 21B đến đường bộ ven biển dài khoảng 24,2km, quy mô tối thiểu 6 làn xe, tổng mặt cắt ngang đường (phạm vi giải phóng mặt bằng khoảng 100m); các tuyến nhánh gồm: tuyến nhánh từ Trực Tuấn (Trực Ninh) đi thị trấn Yên Định (Hải Hậu) dài khoảng 9,5km, tiêu chuẩn đường cấp I đồng bằng, quy mô tối thiểu 6 làn xe, tổng mặt cắt ngang đường (phạm vi giải phóng mặt bằng) khoảng 100m; tuyến nhánh từ Lạc Quần (Xuân Trường) đi thị trấn Ngô Đồng (Giao Thủy) dài khoảng 10,1km, tiêu chuẩn đường cấp II đồng bằng, quy mô tối thiểu 4 làn xe, tổng mặt cắt ngang đường (phạm vi giải phóng mặt bằng) khoảng 70m. Tuyến chính (thành phố Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển) gồm 2 đoạn. Trong đó đoạn thành phố Nam Định - Lạc Quần là tuyến đi mới có chiều dài 20,5km (điểm đầu tuyến tại nút giao đường Lê Đức Thọ - Quốc lộ 21 thuộc địa phận xã Nam Vân thành phố Nam Định; điểm cuối tuyến giao với Quốc lộ 21 tại Km173+200, gần chân cầu Lạc Quần, thuộc địa phận xã Việt Hùng, huyện Trực Ninh). Đoạn còn lại Lạc Quần - Đường bộ ven biển, hướng tuyến đi trùng với Quốc lộ 21 và tỉnh lộ 489C dài khoảng 2km và bắt đầu đoạn tuyến mới dài 6,2km, đi qua địa phận 3 huyện Xuân Trường, Hải Hậu và Giao Thủy (điểm đầu tại Km1, tỉnh lộ 489C thuộc địa phận xã Xuân Tiến, huyện Xuân Trường; điểm cuối tại Km51+500 trên Quốc lộ 37B và Km19+295 trên tuyến đường bộ ven biển thuộc địa phận giữa 2 xã Giao Yến, Giao Phong, huyện Giao Thủy). Tuyến nhánh từ xã Trực Tuấn (Trực Ninh) đi thị trấn Yên Định (Hải Hậu) dài 9,5km đi qua địa phận xã Trực Tuấn, xây dựng cầu mới vượt sông Ninh Cơ sang địa phận huyện Hải Hậu và đi thị trấn Yên Định (điểm đầu tuyến chính tại Km15+00, trùng nút giao với đường tỉnh 488B thuộc địa phận xã Trực Tuấn; điểm cuối tuyến tại đường trục trung tâm huyện Hải Hậu (mặt cắt 39m đang xây dựng), tuyến tiếp tục đi trùng với đường trục này 0,7km về đến ngã tư, giao Quốc lộ 21 tại đầu cầu Yên Định). Tuyến nhánh đi thị trấn Ngô Đồng là tuyến mới có chiều dài tuyến 10,1km đi qua huyện Xuân Trường, xây dựng cầu mới vượt sông Sò sang địa phận huyện Giao Thủy và đi về thị trấn Ngô Đồng (điểm đầu tuyến tại đường tỉnh 489C, cách cầu Lạc Quần 3km, thuộc địa phận xã Xuân Hòa (Xuân Trường); điểm cuối tuyến tại đường nội thị của thị trấn Ngô Đồng, cách UBND huyện Giao Thủy 0,5km).
Tuyến đường bộ mới sẽ giảm tải cho tuyến Quốc lộ 21 (đặc biệt là đoạn thành phố Nam Định - cầu Lạc Quần, huyện Xuân Trường) hiện nay các phương tiện tham gia giao thông rất đông đúc, mặt đường đã chật hẹp nhưng không thể nâng cấp mở rộng vì gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng; thường xuyên ùn tắc, nhất là vào các dịp cao điểm và các ngày cuối tuần, lễ, tết mật độ phương tiện nhiều, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Khi tuyến đường bộ mới hoàn thành và đưa vào khai thác còn tăng khả năng kết nối với các tuyến đường huyết mạch trong khu vực như các Quốc lộ 21, 21B, 37B và các tuyến đường tỉnh 489C, 488B, đường Lê Đức Thọ, tuyến đường bộ ven biển và dự án xây dựng cầu qua sông Đào (nối từ đường Song Hào đến đường Vũ Hữu Lợi, thành phố Nam Định mới được Thường trực Tỉnh ủy đồng ý chủ trương đầu tư) tạo thành mạng lưới đường bộ liên hoàn, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong và ngoài tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động GTVT, khai thác lợi thế, tiềm năng để phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời xử lý các tình huống ứng phó thiên tai, địch họa, tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh. Để khai thác hết năng lực, hiệu quả của tuyến đường bộ mới, việc xây dựng nâng cấp các công trình giao thông phải tuân thủ quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch vùng, tránh cục bộ địa phương gây lãng phí đầu tư.
Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành có liên quan cập nhật tuyến đường này vào quy hoạch chuyên ngành, từng lĩnh vực, lấy tuyến đường bộ mới làm cơ sở, định hướng để hoạch định xây dựng phát triển kinh tế các ngành, lĩnh vực có liên quan. Các địa phương khu vực tuyến đường đi qua phải cập nhật các tuyến đường vào quy hoạch tổng thể cũng như quy hoạch phát triển chung của vùng, để có giải pháp phân bổ, sử dụng tài nguyên đất đai, dành quỹ đất xây dựng các tuyến đường mới cho hợp lý. Đồng thời có chính sách, giải pháp hỗ trợ việc tái định cư, tái sản xuất cho người dân trong phạm vi ảnh hưởng cho phù hợp, tránh thất thoát lãng phí. UBND thành phố Nam Định và các huyện có trách nhiệm quản lý chặt chẽ hành lang an toàn đường bộ, tổ chức thực hiện và triển khai quản lý hệ thống kết cấu công trình đường bộ bao gồm cả hệ thống giao thông tĩnh, đường thủy nội địa trên địa bàn huyện theo phân cấp./.
Bài và ảnh: Thành Trung