Bổ sung gần 28.000 biên chế giáo viên trong năm 2024: Vẫn lo nguồn tuyển
Năm học 2023-2024, các địa phương đề xuất bổ sung hơn 104.000 giáo viên. Trên cơ sở này, Bộ Nội vụ và Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến bổ sung hơn 27.800 biên chế cho năm học này. Tuy nhiên, hiện các địa phương còn khoảng 64.000 biên chế đã được giao nhưng chưa tuyển dụng được do gặp khó về nguồn tuyển.
Cuối tháng 12/2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình ban hành Quyết định về việc giao biên chế năm 2024, trong đó từ năm học 2023-2024 bổ sung 117 biên chế cho giáo dục mầm non và phổ thông công lập.
Bà Bùi Thị Kim Tuyến, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình cho biết, được bổ sung biên chế sẽ góp phần giải quyết được phần nào việc thiếu giáo viên khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhưng cũng lo lắng về nguồn tuyển.
“Chúng tôi đang lo rằng, việc bổ sung thêm đội ngũ giáo viên như vậy thì tuyển dụng lại là việc khác, liệu có hồ sơ nộp vào hay không, nguồn tuyển có hay không. Vì Hòa Bình là tỉnh miền núi, điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, đối với trường ở vùng sâu vùng xa thì sự thu hút không bằng ở các trường thuận lợi. Khi các em đã đi học đại học ở các thành phố lớn thì ít em quay trở về lắm. Các em có những lựa chọn khác hấp dẫn hơn và với mức lương cao hơn dẫn đến hụt nguồn tuyển đối với chúng tôi ở những vùng sâu, vùng xa”, bà Bùi Thị Kim Tuyến cho hay.
Vấn đề thiếu nguồn tuyển giáo viên không chỉ xảy ra ở các trường, địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế - xã hội không thuận lợi mà xảy ra ở hầu hết các địa phương trong vài năm gần đây. Trước đó, vào tháng 7/2022, Bộ Chính trị giao bổ sung hơn 65.900 biên chế cho ngành giáo dục, trong đó, riêng năm học 2022-2023 là trên 27.800 biên chế. Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến tháng 5/2023, các địa phương mới tuyển được hơn một nửa số biên chế được giao. Nguyên nhân phổ biến mà các địa phương đề cập là chính sách sử dụng, đãi ngộ nhà giáo còn một số bất cập, chưa tạo động lực về vật chất và tinh thần để khuyến khích, thu hút người lao động.
Năm học 2023-2024, các địa phương tiếp tục đề xuất bổ sung hơn 104.000 biên chế giáo viên so với năm học trước. Trên cơ sở đó, Bộ Nội vụ và Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến bổ sung hơn 27.800 biên chế cho năm học này, số còn lại sẽ bổ sung với trường hợp cần thiết trong các năm học tiếp theo, đến năm 2026.
Theo ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo), để tuyển được đủ biên chế giáo dục được giao, vai trò của các địa phương là rất quan trọng.
“Thông tư 19 và Thông tư 20 thì có một điểm rất quan trọng là lấy định mức của Bộ Giáo dục - Đào tạo làm định mức tối đa để nếu như không tuyển dụng được thì có thể hợp đồng theo Nghị định 111, như vậy cũng có thể giải quyết được con số về thừa thiếu giáo viên. Tuy nhiên, vai trò của các địa phương là rất quan trọng. Theo thống kê của Bộ Nội vụ, chúng ta còn khoản 64.000 biên chế đã được giao từ năm 2022 trở về trước chưa tuyển dụng hết, trong đó cách nhiệm của Sở Giáo dục- Đào tạo, của Sở Nội vụ tham mưu cho Ủy ban nhân dân. Thiếu nguồn tuyển thì cần phải tạo cơ chế tốt để thu hút giáo viên dự tuyển vào ngành”, ông Vũ Minh Đức nhấn mạnh.