Bổ sung hơn 15.000 tỷ đồng chi thường xuyên ngân sách Nhà nước năm 2025
Ngày 19/5, Chính phủ đã quyết định bổ sung hơn 15.000 tỷ đồng dự toán chi thường xuyên ngân sách Nhà nước năm 2025 (đợt 3) cho các bộ, cơ quan Trung ương.
Nguồn kinh phí bổ sung nhằm thực hiện những chính sách lớn và nhiệm vụ cấp thiết theo quy định của Quốc hội, Chính phủ.

Gần 15.000 tỷ đồng được bổ sung để thực hiện chế độ, chính sách theo Nghị định số 178/2024/NĐ-CP và Nghị định số 67/2025/NĐ-CP của Chính phủ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong quá trình sắp xếp, kiện toàn bộ máy (Ảnh minh họa).
Cụ thể, gần 15.000 tỷ đồng được bổ sung để thực hiện chế độ, chính sách theo Nghị định số 178/2024/NĐ-CP và Nghị định số 67/2025/NĐ-CP của Chính phủ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong quá trình sắp xếp, kiện toàn bộ máy theo cải cách tiền lương đã được Quốc hội quyết định tại Nghị quyết số 196/2025/QH15.
224 tỷ đồng triển khai 2 chương trình mục tiêu quốc gia, gồm: Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình xây dựng nông thôn mới; bổ sung cho các bộ, cơ quan Trung ương khác từ nguồn chi thường xuyên chưa phân bổ của ngân sách Trung ương năm 2025 theo Nghị quyết số 160/2024/QH15.
Bộ Tài chính chịu trách nhiệm toàn diện về số liệu và nội dung báo cáo. Các bộ, cơ quan trung ương chịu trách nhiệm về tính đầy đủ, chính xác của nội dung, số liệu báo cáo, đề xuất, tuân thủ tiêu chuẩn, định mức, chế độ chi và các điều kiện bổ sung dự toán, giao dự toán theo đúng quy định của pháp luật.
Việc quản lý, sử dụng, thanh, quyết toán số kinh phí được bổ sung nêu trên bảo đảm đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và pháp luật có liên quan; bảo đảm triển khai kịp thời, hiệu quả, đúng mục đích, quy định, chế độ chính sách, không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm.
Tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội ngày 17/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày tờ trình, cho biết nhu cầu kinh phí dự kiến phát sinh thực hiện chi trả chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy trong năm 2025 khoảng 59.000 tỷ đồng. Trong đó, nguồn ngân sách địa phương khoảng 15.000 tỷ đồng; nguồn ngân sách Trung ương khoảng 44.000 tỷ đồng.
Chính phủ trình Quốc hội cho phép sử dụng 15.710 tỷ đồng nguồn kinh phí cải cách tiền lương để điều chỉnh mức lương cơ sở năm 2024 còn dư chuyển nguồn sang năm 2025 để bổ sung dự toán cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương thực hiện chi trả chế độ, chính sách cho các đối tượng quy định tại Nghị định số 178/2024 và Nghị định số 67/2025 của Chính phủ. Nghị quyết đã được Quốc hội thông qua với hơn 91% đại biểu có mặt tán thành.