Bổ sung kẽm thế nào cho hiệu quả?

Con em gần đây có dấu hiệu biếng ăn, nôn và rất khó ngủ. Nằm cứ trằn trọc mãi mà không ngủ được... Đi khám làm xét nghiệm, bác sĩ cho biết thiếu kẽm và kê đơn bổ sung kẽm cho cháu. Vậy xin hỏi khi uống viên kẽm thế nào cho hiệu quả, có cần lưu ý gì không?

Nguyễn Thanh Thúy (Bắc Ninh)

Có thể nói kẽm là một khoáng chất thiết yếu, liên quan đến nhiều hoạt động trao đổi chất trong tế bào. Nó cần thiết cho hoạt động xúc tác của khoảng 100 enzyme và đóng vai trò trong chức năng miễn dịch, tổng hợp protein, làm lành vết thương, tổng hợp ADN, phân chia tế bào. Kẽm còn hỗ trợ quá trình tăng trưởng và phát triển bình thường của thai nhi, trẻ nhỏ và thanh thiếu niên. Mỗi người đều cần phải bổ sung kẽm hàng ngày để duy trì trạng thái ổn định vì cơ thể không có hệ thống để lưu trữ khoáng chất này.

Khi trẻ bị thiếu kẽm thường có các dấu hiệu như con của bạn. Ngoài ra, thiếu kẽm còn làm trẻ chậm phát triển thể lực, giảm trí nhớ, rụng tóc, tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm khuẩn như tiêu chảy, nhiễm khuẩn hô hấp và chậm lành vết thương... Để xác định thiếu kẽm, ngoài các triệu chứng lâm sàng bác sĩ sẽ cho làm xét nghiệm huyết thanh để xác định.

Như vậy, chị đã mang con đi khám cẩn thận được bác sĩ kê đơn dùng kẽm, cần dùng thuốc đúng theo đơn bác sĩ và tái khám (nếu có) đúng hẹn theo chỉ định của bác sĩ.

Tuy nhiên, để dùng kẽm có hiệu quả và an toàn cần lưu ý một số vấn đề sau:

Về thời điểm uống thuốc: Nên uống kẽm sau bữa ăn 30 phút và nên uống vào buổi sáng.

Khi dùng cùng các thuốc khác: Nếu con bạn đang dùng một hay nhiều loại thuốc nào đó cần chú ý vì có thể gây ra các tương tác thuốc. Các tương tác này có thể có lợi nhưng cũng có thể gây bất lợi. Vì vậy, cần thông báo cho bác sĩ biết nếu con bạn đang dùng một loại thuốc cụ thể nào. Ví dụ: Khi bổ sung nhiều loại vitamin và khoáng chất cùng một lúc cần lưu ý không sử dụng cùng lúc kẽm với canxi, sắt, magiê... Vì các chất này làm giảm hấp thu của kẽm. Vì vậy, nên bổ sung các chất này cách nhau ít nhất 2 giờ. Nên uống kẽm trước khi uống sắt, vì sắt gây cản trở quá trình hấp thu của kẽm. Ngược lại, nên uống kẽm cùng với vitamin C để tăng khả năng hấp thu của kẽm, giúp tăng sức đề kháng, thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển cơ thể. Cho cháu ăn tăng cường thực phẩm có nhiều vitamin C như rau xanh, hoa quả...

Không được dùng kẽm quá liều chỉ định và kéo dài thời gian dùng, bởi thừa kẽm sẽ gây hại cho trẻ. Khi thừa kẽm trẻ sẽ có các dấu hiệu như: Buồn nôn, nôn mửa, chán ăn, tiêu chảy, đau đầu...

DS. Hoàng Thu Thủy

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/bo-sung-kem-the-nao-cho-hieu-qua-n177264.html