Bổ sung nhiều biện pháp, chế tài ngăn chặn bạo lực gia đình

Luật Phòng chống bạo lực gia đình (BLGĐ) năm 2022 có hiệu lực từ ngày 1-7-2023 bổ sung nhiều biện pháp, chế tài ngăn chặn BLGĐ, hỗ trợ người bị BLGĐ. Đó là những biện pháp khá cụ thể, hiệu quả trong bảo vệ nạn nhân của các vụ BLGĐ ngay từ cơ sở.

Điều 22 Luật Phòng chống BLGĐ năm 2022 đã bổ sung nhiều biện pháp ngăn chặn BLGĐ, hỗ trợ người bị BLGĐ bao gồm: yêu cầu người có hành vi BLGĐ đến trụ sở công an xã nơi xảy ra hành vi BLGĐ; bố trí nơi tạm lánh và hỗ trợ nhu cầu thiết yếu; chăm sóc, điều trị người bị BLGĐ; trợ giúp pháp lý và tư vấn tâm lý, kỹ năng để ứng phó với hành vi BLGĐ; giáo dục, hỗ trợ chuyển đổi hành vi BLGĐ; góp ý, phê bình người có hành vi BLGĐ trong cộng đồng dân cư; thực hiện công việc phục vụ cộng đồng.

Đây là những biện pháp rất thiết thực, nhất là biện pháp chăm sóc, điều trị người bị BLGĐ; trợ giúp pháp lý và tư vấn tâm lý, kỹ năng để ứng phó với hành vi BLGĐ nếu được thực hiện có hiệu quả sẽ giúp người bị BLGĐ, người có nguy cơ bị BLGĐ có thể phòng ngừa những hành vi BLGĐ, cũng như hạn chế những hậu quả nặng nề do BLGĐ xảy ra. Điều quan trọng là khi người bị BLGĐ hiểu rõ các quy định pháp luật sẽ biết cách bảo vệ mình trước nạn BLGD, sẽ dần loại bỏ suy nghĩ: “chuyện trong nhà đóng cửa dạy nhau” khiến vụ việc không được can thiệp kịp thời, dẫn đến những hậu quả khôn lường.

Luật Phòng chống BLGĐ năm 2022 định nghĩa, BLGĐ là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, tình dục, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình.

Đặc biệt, Luật Phòng chống BLGĐ năm 2022 còn quy định người có hành vi BLGĐ có thể phải thực hiện công việc phục vụ cộng đồng bao gồm: tham gia trồng, chăm sóc cây xanh ở khu vực công cộng; sửa chữa, làm sạch đường làng, ngõ xóm, đường phố, ngõ phố, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng hoặc công trình công cộng khác; tham gia công việc khác nhằm cải thiện môi trường sống và cảnh quan của cộng đồng… Quy định này là giải pháp hay để người có hành vi BLGĐ nhìn nhận lại hành vi sai trái của mình; tránh tái phạm. Nếu tiếp tục tái phạm, tùy mức độ có thể bị xử lý hành chính và hình sự theo quy định pháp luật.

Bên cạnh đó, Điều 35 Luật Phòng chống BLGĐ năm 2022 cũng bổ sung thêm các cơ sở trợ giúp phòng, chống BLGĐ bao gồm: địa chỉ tin cậy; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; cơ sở trợ giúp xã hội; trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý; cơ sở khác tham gia trợ giúp phòng, chống BLGĐ; cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp phòng, chống BLGĐ. Việc đa dạng các địa chỉ, kênh hỗ trợ nạn nhân BLGĐ sẽ giúp nạn nhân trong các vụ BLGĐ, người có nguy cơ bị BLGĐ có nơi tạm lánh khẩn cấp, cách ly với người gây bạo lực; giúp các nạn nhân tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc tối thiểu ban đầu về y tế, phục hồi sức khỏe, tư vấn ổn định tâm lý, tư vấn pháp luật cơ bản và phòng tránh bạo lực tiếp tục tái diễn.

An An

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/bandoc/202307/bo-sung-nhieu-bien-phap-che-tai-ngan-chan-bao-luc-gia-dinh-3172206/