Bổ sung quy định hành vi bị nghiêm cấm đối với việc chiếm dụng tiền đóng BHXH

Đóng góp hoàn thiện dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Thị Sửu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung một số quy định vào hành vi bị nghiêm cấm; sửa đổi một số quy định về nghỉ dưỡng sức đối với nữ lao động; quyền và trách nhiệm của tổ chức bảo vệ người lao động…

Liên quan đến nhóm quyền lợi của người lao động, đại biểu Nguyễn Thị Sửu đề nghị bổ sung quy định hành vi bị nghiêm cấm đối với việc chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội vào khoản 2 Điều 8, bổ sung loại hình Bảo hiểm thất nghiệp vào nghiêm cấm hành vi chiếm dụng.

Về dưỡng sức phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau tại Điều 43, quy định giao công đoàn và người sử dụng lao động quyết định số ngày nghỉ là chưa phù hợp với thực tế, khó xác định thế nào là tình trạng sức khỏe chưa phục hồi sau thời gian nghỉ, hưởng chế độ ốm đau và thai sản. Mặt khác, quy định số ngày nghỉ dưỡng tối đa dễ bị lạm dụng, lợi dụng và thiếu công bằng, do vậy đại biểu đề nghị bỏ từ “tối đa” và bỏ chủ thể quyết định mà quy định rõ số ngày nghỉ dưỡng đối với từng trường hợp cụ thể vào dự thảo luật. Tương tự cần điều chỉnh với điều khoản của Điều 59 của dự luật đối với lao động nữ khi nghỉ dưỡng sức phục hồi sức khỏe sau thai sản.

Về quyền và trách nhiệm của tổ chức bảo vệ người lao động, tại Điều 13, đại biểu Nguyễn Thị Sửu đề nghị tách thành 2 điều riêng, gồm: điều quy định về quyền trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận; điều về quyền, trách nhiệm của tổ chức đại diện người lao động; đồng thời đề nghị tách quyền và trách nhiệm của tổ chức Công đoàn và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp thành hai khoản riêng, vì rất nhiều quyền và trách nhiệm gắn liền với tổ chức Công đoàn mà Hiến pháp, Luật Công đoàn đã giao cho tổ chức công đoàn với tư cách là tổ chức chính trị xã hội. Trong khi đó, tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp chỉ bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động trong quan hệ lao động.

Về trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, Điều 37 về xử lý vi phạm về chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, đại biểu Nguyễn Thị Sửu đề nghị ban soạn thảo cân nhắc như ý kiến của ĐBQH Đỗ Thị Việt Hà, trong đó cơ quan bảo hiểm xã hội có quyền khởi kiện, bởi khởi kiện dân sự hoàn toàn độc lập với xử lý hành chính, xử lý hình sự. Trong khi đó, dự thảo luật đang quy định theo hướng khởi kiện vụ án dân sự sau khi cơ quan có thẩm quyền đã áp dụng các cái biện pháp xử lý vi phạm hành chính là không phù hợp với chức năng nhiệm vụ của cơ quan bảo hiểm xã hội…

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Trung tâm Sản xuất và Phát triển Nội dung số

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/bo-sung-quy-dinh-hanh-vi-bi-nghiem-cam-doi-voi-viec-chiem-dung-tien-dong-bhxh-199607.htm