Bổ sung quy định mới về 'tham vấn chính sách' trong ban hành văn bản quy phạm pháp luật
Chiều 5/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến Dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi). Trong đó có một số nội dung mới về phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội và hoạt động tham vấn chính sách.
Tiếp tục Chương trình phiên họp thứ 42, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến Dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi). Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninhcho biết: Dự thảo Luật gồm 8 chương, 72 điều (giảm 9 chương, 101 điều so với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015). Trong đó, tiếp tục đơn giản hóa hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, tăng cường kiểm soát quyền lực trong xây dựng và thi hành pháp luật; phân định rõ thẩm quyền lập pháp và lập quy. Đồng thời bổ sung hình thức nghị quyết quy phạm pháp luật của Chính phủ; Đổi mới việc xây dựng chương trình lập pháp của Quốc hội...
Thẩm tra sợ bộ Dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết: Về phản biện xã hội và tham vấn chính sách (Điều 6), phần đa ý kiến tán thành với quy định của dự thảo Luật về phản biện xã hội đối với chính sách, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật để vừa phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội thành viên, vừa tập trung một đầu mối xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện phản biện xã hội như hiện hành.
Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị nghiên cứu quy định cụ thể quyền phản biện xã hội độc lập của các tổ chức chính trị - xã hội.
Về tham vấn chính sách, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp Luật cho biết, đa số ý kiến các cơ quan đều tán thành với đề xuất mới này và nhận thấy quy định về tham vấn chính sách giúp các cơ quan phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn, góp phần nâng cao chất lượng, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, do đây là vấn đề mới nên đề nghị nghiên cứu quy định rõ khái niệm, nội dung của "tham vấn chính sách", trách nhiệm của các cơ quan được tham vấn, thời điểm thực hiện tham vấn, phân biệt rành mạch giữa "tham vấn chính sách" với "lấy ý kiến" trong quá trình xây dựng chính sách, soạn thảo dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết.
Bày tỏ đồng tình với việc bổ sung nội dung về tham vấn chính sách vào dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị làm rõ hơn sự khác nhau giữa "tham vấn chính sách" với "lấy ý kiến" trong quy trình xây dựng văn bản pháp luật là như thế nào? Là hoạt động cụ thể gì?
Bên cạnh đó, một số ý kiến khác cũng cho rằng, việc "tham vấn chính sách" cần đảm bảo 2 chiều - có góp ý và hồi đáp, giải trình; không đơn thuần một chiều như việc "lấy ý kiến" như hiện hành; đồng thời phải làm rõ đối tượng chịu sự tác động, đối tượng được tham vấn chính sách.
Làm rõ hơn nội dung này,Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Địnhcho biết: Tham vấn chính sách có sự khác biệt trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, khác với hoạt động lấy ý kiến bằng văn bản như hiện nay đang thực hiện. Tham vấn chính sách là tổ chức một hội nghị, cuộc họp của cơ quan soạn thảo - đây là quy trình bắt buộc, có lấy ý kiến, có tiếp thu giải trình. Quy trình bắt buộc này của "tham vấn chính sách" có giá trị pháp lý cao hơn lấy ý kiến.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đồng tình với các ý kiến về việc cần phải làm rõ hơn nữa quy định về nội dung "tham vấn chính sách".