Bổ sung quy định về lựa chọn nhà thầu để đảm bảo công bằng, minh bạch hợp đồng dầu khí
i biểu Quốc hội đề nghị bổ sung quy định liên quan đến lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hóa, dịch vụ phục vụ hoạt động dầu khí theo hướng đảm bảo nguyên tắc công bằng, cạnh tranh, minh bạch, quy định rõ pháp luật trong trường hợp hợp đồng dầu khí có sự tham gia của cả nhà thầu nước ngoài.
Đề nghị bổ sung quy định về lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hóa, dịch vụ phục vụ hoạt động dầu khí
Phát biểu tại Phiên thảo luận về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) trước Quốc hội sáng 15/6, đại biểu Quốc hội Trần Hồng Nguyên – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận bày tỏ nhất trí cao với Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về sự cần thiết ban hành Luật.
Theo đại biểu, việc xây dựng dự án Luật này đáp ứng yêu cầu đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, gắn với xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế nhất là về năng lượng; bảo vệ, khai thác hiệu quả tài nguyên, chủ quyền quốc gia; tăng cường năng lực quản lý nhà nước, đẩy mạnh phân cấp, tránh lợi ích cục bộ của các bộ, các ngành.
Đại biểu Quốc hội Trần Hồng Nguyên – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận.
Liên quan đến vấn đề áp dụng Luật dầu khí và các luật có liên quan, bà Trần Hồng Nguyên cho rằng, dự thảo Luật sửa đổi lần này cần phải giải quyết được xung đột, chồng chéo trong Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước.
"Trong đó, cần quy định rõ pháp luật nào được áp dụng đối với các nội dung về hoạt động dầu khí, vì điều tra cơ bản về dầu khí, về dự án dầu khí theo chuỗi đồng bộ thuộc phạm vi điều chỉnh của dự án luật này?", bà Nguyên nêu.
Đáng chú ý, góp ý về quyền lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí, đại biểu Đoàn Bình Thuận cho biết, theo quy định tại Khoản 2 Điều 4 của dự thảo luật: Trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật Dầu khí và luật khác đã được ban hành trước ngày Luật Dầu khí có hiệu lực thi hành về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, điều kiện thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí; lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí thì thực hiện theo quy định của Luật Dầu khí.
Cùng với đó, khoản 2 Điều 13 của dự thảo Luật quy định: Tổ chức, cá nhân tiếp cận, tham khảo, khai thác và sử dụng các thông tin, dữ liệu kết quả về điều tra cơ bản về dầu khí phải bảo mật thông tin theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.
Do đó, đại biểu Trần Hồng Nguyên đề nghị bổ sung quy định liên quan đến lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hóa, dịch vụ phục vụ hoạt động dầu khí tương tự như quy định của Luật Dầu khí hiện hành, tinh thần của Luật Đấu thầu theo hướng đảm bảo nguyên tắc công bằng, cạnh tranh, minh bạch, quy định rõ pháp luật trong trường hợp hợp đồng dầu khí có sự tham gia của cả nhà thầu nước ngoài, PVN và doanh nghiệp 100% vốn của PVN để tránh chồng chéo.
Đề cập luật khác ban hành trước ngày Luật Dầu khí có hiệu lực thi hành là không cần thiết
Tham gia thảo luận, đại biểu Quốc hội Phạm Đức Ấn – Đoàn ĐBQH TP Hà Nội nhấn mạnh hoạt động dầu khí có tính đặc thù và rủi ro rất cao, có gắn kết chặt chẽ với lĩnh vực quốc phòng, an ninh biên giới, chủ quyền quốc gia đòi hỏi phải có những quy phạm pháp luật chuyên biệt để điều chỉnh. Đặc biệt là Tập đoàn dầu khí Việt Nam, vừa thực hiện vai trò của một doanh nghiệp nhà nước vừa thực hiện nhiệm vụ vượt ra ngoài chức năng, nhiệm vụ của doanh nghiệp.
Đại biểu Quốc hội Phạm Đức Ấn – Đoàn ĐBQH TP Hà Nội
Góp ý về vấn đề áp dụng pháp luật theo Điều 4 của dự thảo luật, đại biểu Phạm Đức Ấn cho biết, tại khoản 2 dự thảo quy định trường hợp có quy định: “Trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật Dầu khí và luật khác đã được ban hành trước ngày Luật Dầu khí có hiệu lực thi hành về thẩm thẩm quyền, trình tự, thủ tục, điều kiện thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí, lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí thì thực hiện theo quy định của Luật Dầu khí”. Đại biểu cho rằng, việc đề cập luật khác ban hành trước ngày Luật Dầu khí có hiệu lực thi hành là không cần thiết.
Giải thích về ý kiến này, ông Phạm Đức Ấn cho biết, tại khoản 3 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã quy định rất rõ: Trong trường hợp các văn bản pháp luật do cùng một cơ quan ban hành quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng theo quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau.
Vấn đề thứ hai là về lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng dầu khí theo Chương III của dự thảo, từ Điều 16 đến Điều 19 của dự thảo, đại biểu cho biết, có đề cập đến các hình thức đấu thầu rộng rãi, hạn chế, đấu thầu cạnh tranh, chào hàng cạnh tranh, chỉ định thầu, trong đó đưa ra các quy trình thực hiện là không cần thiết. Theo đại biểu, những nội dung này về mặt quy trình thủ tục đã được quy định trong Luật Đấu thầu.
Ngoài ra, theo đại biểu Đoàn TP Hà Nội, tại điểm a khoản 1 Điều 21 quy định là tổ chức lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng dầu khí quy định: Tập đoàn dầu khí Việt Nam có trách nhiệm lập kế hoạch đấu thầu; hoặc đề nghị áp dụng hình thức chào thầu cạnh tranh; hoặc chỉ định thầu hoặc đề xuất phương án lựa chọn nhà thầu theo quy định, trường hợp đặc biệt báo cáo Bộ Công thương thẩm định trình Chính phủ phê duyệt.
Đối với quy định nêu trên, đại biểu đề nghị sửa đổi lại: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có trách nhiệm lập kế hoạch, lựa chọn nhà thầu báo cáo Bộ Công thương thẩm định trình Chính phủ phê duyệt.
Lý giải về đề nghị này, ông Phạm Đức Ấn nêu: Trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu sẽ phải có đề xuất lựa chọn hình thức nào; đấu thầu chào hàng cạnh tranh; đấu thầu rộng rãi; chỉ định thầu hoặc phương án đặc biệt. Quy định như vậy vừa đảm bảo chặt chẽ, phù hợp với quy định của Luật Đấu thầu nhưng cũng không ảnh hưởng đến hoạt động đặc thù của lĩnh vực dầu khí.