Bổ sung quy định xử lý vi phạm hành chính trên môi trường điện tử
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 190/2025/NĐ-CP, sửa đổi và bổ sung một số điều của Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Nghị định số 190/2025 bổ sung thêm điều 28a, 28b quy định về xử lý vi phạm hành chính trên môi trường điện tử vào Nghị định số 118/2021/NĐ-CP.
Điều kiện thực hiện xử lý vi phạm hành chính trên môi trường điện tử
Cơ quan có thẩm quyền phải được trang bị phương tiện điện tử phù hợp, cùng hệ thống thông tin đáp ứng các tiêu chí cơ bản đối với nền tảng số phục vụ hoạt động của cơ quan Nhà nước. Đồng thời, cá nhân hoặc tổ chức bị xử phạt cũng cần có phương tiện điện tử tương thích, có khả năng tiếp cận và đồng ý thực hiện toàn bộ hoặc một phần quy trình xử lý vi phạm hành chính bằng phương thức điện tử.
Việc áp dụng hình thức xử lý này cũng phải bảo đảm các điều kiện về bảo mật, an toàn thông tin mạng, xác thực điện tử và lưu trữ dữ liệu theo đúng quy định của pháp luật.
Các hệ thống thông tin, phần mềm, cơ sở dữ liệu sử dụng trong xử lý vi phạm hành chính phải có khả năng kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính và các hệ thống quản lý Nhà nước liên quan.

Bổ sung quy định xử lý vi phạm hành chính trên môi trường điện tử. Ảnh minh họa: Hà Anh/Mekong ASEAN.
Xử lý vi phạm hành chính trên môi trường điện tử
Nghị định quy định việc sử dụng chữ ký số và xác thực danh tính trong thủ tục xử lý vi phạm hành chính trên môi trường điện tử được thực hiện như sau:
Người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm khi thực hiện thủ tục xử phạt điện tử phải sử dụng chữ ký số đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.
Trường hợp tổ chức thực hiện thủ tục xử phạt điện tử thông qua người đại diện theo pháp luật hoặc theo ủy quyền, việc ký số phải được thực hiện bởi người đại diện hợp pháp hoặc người được ủy quyền.
Trong những tình huống người vi phạm không thể sử dụng chữ ký số, việc xác thực có thể được thay thế bằng sinh trắc học như ảnh khuôn mặt hoặc vân tay theo quy định pháp luật.
Nếu biên bản vi phạm hành chính được lập trên môi trường điện tử mà không xác định được chủ thể vi phạm hoặc không có chữ ký của người vi phạm thì biên bản chỉ cần có chữ ký số của người lập biên bản.
Các biên bản, quyết định và tài liệu liên quan đến xử lý vi phạm hành chính điện tử sẽ được gửi qua một trong các hình thức gồm địa chỉ thư điện tử đã thông báo; ứng dụng định danh quốc gia/tài khoản định danh điện tử (có xác thực mức độ 2 trở lên) hoặc các ứng dụng được quy định trong văn bản chuyên ngành; tin nhắn SMS đến số điện thoại đã đăng ký hoặc gửi cho cơ quan thu tiền phạt và các cơ quan liên quan để thi hành.
Theo Nghị định, thời điểm các biên bản, quyết định và tài liệu khác được xem là đã gửi và nhận hợp lệ khi hệ thống thông tin ghi nhận một trong hai trường hợp như người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm đã xác nhận việc nhận tài liệu; hoặc đã truy cập, tải xuống hoặc mở các tài liệu đó trên hệ thống.
Trong trường hợp không thể thực hiện việc gửi, nhận tài liệu điện tử do lỗi kỹ thuật, thông tin sai lệch hoặc không xác minh được danh tính người vi phạm, việc xử lý sẽ được chuyển sang hình thức trực tiếp, theo quy định tại khoản 9 Điều 12 và Điều 17a của Nghị định.
Với các thủ tục xử lý vi phạm hành chính chưa được quy định cụ thể để thực hiện bằng hình thức điện tử trong Nghị định này thì sẽ áp dụng theo Luật Giao dịch điện tử.
Những quy định mới tại Nghị định số 190/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/7/2025.