Bổ sung sắt mãi mà con vẫn thiếu máu do thiếu sắt: BS khoa Nhi chỉ ra 3 nguyên nhân mẹ cần biết
Nếu con bạn thường xuyên bổ sung sắt mà vẫn bị thiếu máu do thiếu sắt thì rất có thể đã rơi vào một trong 3 nguyên nhân dưới đây.
BS Đoàn Hải Đăng (có nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại Bệnh viện Nhi Thanh Hóa) cho biết, biểu hiện rõ ràng nhất ở trẻ thiếu sắt là da xanh tái hoặc trắng bợt. Một số bé không có biểu hiện rõ ràng như thế nhưng ở nhiều trẻ, những vùng da đặc trưng sẽ nhạt màu hơn bình thường. Ví dụ như lòng bàn tay, đầu móng tay.
"Bình thường, bạn lấy tay ấn vào móng mới thấy màu trắng nhưng với em bé thiếu sắt, không cần ấn cũng sẽ thấy trắng bợt", BS Đăng nói.
Một vị trí khác để mẹ xem con có thiếu sắt hay không là kết mạc. Kết mạc bình thường sẽ hơi hồng. Còn với em bé thiếu máu do thiếu sắt sẽ có màu trắng bợt."Ngoài ra, bé sẽ có biểu hiện lười vận động, hay cáu gắt, hay quên", chuyên gia cho hay.
Trong khi đó, ThS.DS Trương Minh Đạt (Chuyên gia hàng đầu về Tiêu hóa, Hô hấp và Sữa cho trẻ em, hiện công tác tại Viện Nghiên cứu Y dược) cho rằng, trẻ bị thiếu sắt thường có những dấu hiệu đặc trưng như chậm biết lẫy, chậm biết bò, chậm biết đi, chân tay mềm nhão, da xanh xao, niêm mạc nhợt nhạt, móng bẹp, xước, tóc hay gãy rụng.
Nếu bạn để con thiếu sắt như vậy kéo dài, trẻ sẽ liên tục trong trạng thái lờ đờ, vật vã, khó ngủ, quấy khóc, kém tập trung... Tình trạng này càng để lâu càng ảnh hưởng mạnh đến sự tăng trưởng và phát triển của não bộ. Đến lúc này, bạn mới cho con đi khám, đi xét nghiệm máu và điều trị thì rất phức tạp, mất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc... Do đó, các chuyên gia cùng nhận định, việc bổ sung sắt dự phòng cho con là việc làm cần thiết.
Thế nhưng, có một thực tế, rất nhiều mẹ bị sốc khi mình đã bổ sung sắt dự phòng cho con, đi khám, con vẫn thiếu máu do thiếu sắt. Điều này khác xa với kỳ vọng của mẹ. BS Đoàn Hải Đăng chia sẻ, nguyên nhân rất có thể là do những nguyên nhân dưới đây.
3 nguyên nhân khiến mẹ bổ sung sắt cho con mãi vẫn thiếu
1. Bổ sung không đúng liều, không đáp ứng nhu cầu của con, liều thấp
Mỗi trẻ sẽ có nhu cầu bổ sung sắt khác nhau. Việc bổ sung sắt dự phòng theo liều khuyến cáo chung rất có thể chưa đủ nhu cầu con bạn cần. Sử dụng liều thấp, trong khi mức con cần cao hơn thế thì không có gì khó hiểu, khi đi khám con bạn vẫn bị thiếu máu do thiếu sắt.
Lúc này, cha mẹ nên tìm đến lời khuyên của bác sĩ để dùng đúng liều sắt cần thiết cho nhu cầu của con.
Nhiều cha mẹ bổ sung sắt cho con nhưng cho uống không đúng thời điểm. Ví dụ như quan niệm uống sắt như uống các loại thuốc khác, phải uống ngay sau ăn... Điều này gây cản trở hấp thụ sắt cho bé.
Chuyên gia khuyên nên bổ sung sắt xa bữa ăn của trẻ. Không nên ăn quá nhiều chất xơ vào bữa ăn gần thời điểm uống sắt vì chúng cản trở hấp thu sắt. Khi uống sắt nên kết hợp bổ sung vitamin C (ví dụ như uống nước cam...) để tăng cường hiệu quả.
3. Do khả năng hấp thu sắt của con kém, thời gian bổ sung chưa đủ
Nếu một đứa trẻ có khả năng hấp thu sắt kém thì không tránh khỏi việc thường xuyên thiếu máu do thiếu sắt khi làm xét nghiệm. Ngoài ra còn có yếu tố thời gian. Nếu chưa đủ thời gian bổ sung sắt cho con thì trẻ cũng dễ bị thiếu máu thiếu sắt dù được uống nhiều.
Lúc này cha mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ để tăng khả năng hấp thu sắt cho con. Đồng thời có khoảng thời gian bổ sung cụ thể để kiểm tra tình trạng thiếu sắt cho con chuẩn nhất.
Thời điểm cần cho con uống sắt dự phòng, tránh thiếu máu do thiếu sắt quá nhiều
Theo ThS.DS Trương Minh Đạt cho biết, trẻ sinh đủ ngày đủ tháng, khỏe mạnh bình thường, từ 4 tháng tuổi trở lên đã phải bổ sung sắt dự phòng.
"Trong 3 tháng đầu tiên, lượng sắt dự trữ đủ cho bé dùng, đủ cho con phát triển khỏe mạnh, tăng đề kháng. Liều sử dụng là 1mg sắt nguyên tố nhân với cân nặng của bé, ra số mg sắt cần bổ sung một ngày", chuyên gia tiết lộ.
Ngoài ra, nói về thời điểm uống sắt tốt nhất, nhiều người cho rằng dùng ngay sau khi ngủ dậy. Nhiều người lại uống sắt sau khi ăn 30 phút... Điều này khiến chuyên gia vô cùng bất ngờ bởi đây đều không phải những thời điểm uống sắt tốt nhất.
ThS.DS Trương Minh Đạt chỉ rõ thời điểm vàng nên uống sắt: "Chúng ta cần uống sắt sau khi ăn xong 2 giờ, vào giữa buổi sáng, ví dụ bạn ăn sáng vào lúc 7 giờ thì 9 giờ sáng sẽ bổ sung, sau đó đợi ít nhất 2 giờ nữa mới nên ăn bữa tiếp theo". Trong thức ăn có rất nhiều chất dinh dưỡng, khoáng chất có thể cản trở việc hấp thụ sắt. Bổ sung sắt vào đúng thời điểm, thời gian nêu trên sẽ giúp sắt được hấp thụ tối đa.
Nếu bạn uống sắt trước khi ăn 30 phút thì sau khoảng thời gian này, sắt vẫn còn trong đường tiêu hóa. Bạn nạp thức ăn vào thì tất nhiên sẽ xảy ra hiện tượng cản trở hấp thụ sắt.
Do đó, cha mẹ đừng quên cho con uống sắt vào thời điểm vàng như lời khuyên của chuyên gia để đạt hiệu quả tối ưu nhé!