Bổ sung tiêu chuẩn bổ nhiệm trợ giúp viên pháp lý
Sẽ bổ sung nhiều tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng; tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ khi bổ nhiệm đối với một số chức danh trợ giúp viên pháp lý. Đây là một trong những điểm đáng chú ý của Dự thảo Thông tư ban hành mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức trợ giúp viên pháp lý do Cục Trợ giúp pháp lý (TGPL) xây dựng.
Bổ sung trợ giúp viên pháp lý hạng I
Theo Cục TGPL, Bộ Tư pháp Thông tư liên tịch số 08/2016/TTLT-BTP-BNV ngày 23/6/2016 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức trợ giúp viên pháp lý hiện không còn phù hợp. Cụ thể, theo quy định tại Điều 19 Luật TGPL năm 2017 thì các điều kiện để bổ nhiệm trợ giúp viên pháp lý không yêu cầu: có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ TGPL và có thời gian làm công tác pháp luật từ 02 năm trở lên kể cả thời gian tập sự, thử việc. Tuy nhiên, điểm d khoản 2 và điểm e khoản 3 Điều 5 Thông tư liên tịch số 08/2016/TTLT-BTP-BNV đang có quy định tiêu chuẩn này.
Cục TGPL cũng cho biết, qua 04 năm thực hiện Thông tư liên tịch số 08/2016/TTLT-BTP-BNV cho thấy một số tiêu chuẩn của trợ giúp viên pháp lý hạng II và trợ giúp viên pháp lý hạng III không phù hợp với tính chất hoạt động nghề nghiệp của hoạt động TGPL. TGPL là việc cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, việc này đòi hỏi người thực hiện TGPL cần có kiến thức về pháp luật nội dung, đặc biệt là các kỹ năng hành nghề như kỹ năng tư vấn pháp luật, kỹ năng tham gia bào chữa hoặc đại diện trước tòa, kỹ năng tranh tụng, am hiểu về tâm lý của người được TGPL. Do đó, một số yêu cầu về khả năng nghiên cứu khoa học, có trình độ ngoại ngữ, tin học chưa thật sự cần thiết đối với việc cung cấp dịch vụ pháp lý cho người nghèo và các đối tượng chính sách.
Theo đó, Dự thảo Thông tư bổ sung trợ giúp viên pháp lý hạng I và kế thừa 2 hạng theo Thông tư liên tịch số 08. Đối với tiêu chuẩn chức danh trợ giúp viên pháp lý hạng I là hạng cao nhất trong hệ thống chức danh nghề nghiệp viên chức trợ giúp viên pháp lý. Dự thảo Thông tư quy định trợ giúp viên pháp lý hạng I có nhiệm vụ chủ trì, tổ chức thực hiện một số công việc và trực tiếp thực hiện những nhiệm vụ có tính chuyên môn cao và các tiêu chuẩn bắt buộc đối với việc bổ nhiệm trợ giúp viên pháp lý nói chung; yêu cầu có chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp trợ giúp viên pháp lý hạng I. Dự thảo cũng quy định cụ thể về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và thời gian công tác.
Bỏ quy định về trình độ ngoại ngữ và tin học đối với trợ giúp viên pháp lý hạng III
Đối với tiêu chuẩn chức danh trợ giúp viên pháp lý hạng II, dự thảo Thông tư kế thừa tiêu chuẩn có bằng cử nhân luật trở lên, điều này bổ sung 02 tiêu chuẩn: có chứng chỉ đào tạo nghề luật sư hoặc thuộc trường hợp được miễn đào tạo nghề luật sư; có giấy chứng nhận kết quả tập sự luật sư hoặc kiểm tra tập sự TGPL để phù hợp với Điều 19 Luật TGPL năm 2017. Đồng thời, tiêu chuẩn “có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ TGPL” được thay thế bằng tiêu chuẩn “có chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp trợ giúp viên pháp lý hạng II”.
Về tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ: dự thảo quy định 06 tiêu chuẩn về năng lực thể hiện khả năng hiểu biết sâu hơn, rộng hơn, năng lực thực hiện nhiệm vụ của chức danh trợ giúp viên pháp lý hạng II cao hơn so với chức danh trợ giúp viên pháp lý hạng III. Tương ứng với quy định về nhiệm vụ, điều này đã lược bỏ tiêu chuẩn về năng lực nghiên cứu khoa học và đánh giá chất lượng vụ việc TGPL. Dự thảo cũng bổ sung yêu cầu trợ giúp viên pháp lý hạng II thực hiện ít nhất 01 vụ việc TGPL bằng hình thức tham gia tố tụng thành công.
Về thời gian công tác, dự thảo quy định viên chức thăng hạng từ chức danh trợ giúp viên pháp lý hạng III lên chức danh trợ giúp viên pháp lý hạng II phải có thời gian giữ chức danh trợ giúp viên pháp lý hạng III hoặc tương đương tối thiểu đủ 09 năm, trong đó thời gian gần nhất giữ chức danh trợ giúp viên pháp lý hạng III tối thiểu đủ 01 năm.
Đối với tiêu chuẩn chức danh trợ giúp viên pháp lý hạng III, quy định 03 tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng , trong đó kế thừa tiêu chuẩn có bằng cử nhân luật trở lên; bỏ quy định về trình độ ngoại ngữ và trình độ tin học. Ngoài ra, điều này bổ sung 02 tiêu chuẩn: có chứng chỉ đào tạo nghề luật sư hoặc thuộc trường hợp được miễn đào tạo nghề luật sư; có giấy chứng nhận kết quả kiểm tra tập sự luật sư hoặc kiểm tra tập sự TGPL và không quy định tiêu chuẩn “có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ TGPL” để phù hợp với Điều 19 Luật TGPL năm 2017.
Về tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ: quy định kế thừa 04 tiêu chuẩn tại khoản 3 Điều 5 Thông tư liên tịch số 08/2016/TTLT-BTP-BNV và bỏ quy định về năng lực đánh giá chất lượng vụ việc TGPL và nghiên cứu khoa học tương ứng với quy định về nhiệm vụ của chức danh nghề nghiệp này.