Bổ sung trường hợp doanh nghiệp được miễn, giảm, tạm dừng đóng phí công đoàn
Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) đã bổ sung quy định về miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn trong các trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh. Từ đó, dẫn đến không có khả năng đóng kinh phí công đoàn...
Tiếp tục Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, chiều 3/6, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Công đoàn (sửa đổi).
HAI PHƯƠNG ÁN SỬ DỤNG KINH PHÍ CÔNG ĐOÀN
Trình bày Tờ trình tại phiên họp, ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, cho biết trên cơ sở kế thừa Luật Công đoàn 2012, dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) gồm 6 chương, 36 điều (sửa đổi, bổ sung 32 điều; thêm mới 4 điều), bỏ 1 điều so với Luật Công đoàn 2012.
Dự thảo luật lần này đã mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với “người làm việc không có quan hệ lao động trên lãnh thổ Việt Nam” để bảo vệ nhóm yếu thế này.
Đồng thời, bổ sung vấn đề gia nhập của “tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp” vào tổ chức Công đoàn Việt Nam; mối quan hệ phối hợp hoạt động và vấn đề chia sẻ kinh phí công đoàn với tổ chức này.
Ngoài đối tượng theo Luật Công đoàn năm 2012, dự thảo luật bổ sung thêm đối tượng áp dụng là tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.
So với Luật Công đoàn 2012, dự thảo luật có một số nội dung thay đổi chủ yếu như: Hoàn thiện quy định về tổ chức bộ máy công đoàn, cơ chế quản lý cán bộ công đoàn và tăng cường vai trò của Công đoàn Việt Nam trong bối cảnh mới; hoàn thiện các quy định của pháp luật công đoàn, đảm bảo cho Công đoàn Việt Nam thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ.
Đồng thời, hoàn thiện cơ chế tài chính công đoàn trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, và sự ra đời của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp ngoài hệ thống Công đoàn Việt Nam.
Theo đó, dự thảo luật đã bổ sung quy định về miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn trong các trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh dẫn đến không có khả năng đóng kinh phí công đoàn (tại khoản 2 Điều 29).
Cùng với đó, bổ sung quy định về trích kinh phí công đoàn cho các cấp công đoàn và cho tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp tại khoản 2, Điều 30 theo 2 phương án.
Phương án 1: Giao Chính phủ quy định chi tiết. Phương án 2: Quy định cụ thể tỷ lệ phân phối kinh phí công đoàn đối với công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Đình Khang cho biết theo phương án 1, Chính phủ chỉ cần quy định việc phân phối kinh phí công đoàn cho những nơi (doanh nghiệp) đã có tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp được thành lập và cấp phép hoạt động hợp pháp. Trong khi đó việc ra đời và hoạt động của tổ chức này là vấn đề mới, chưa có thực tiễn, vì vậy Tổng Liên đoàn đề nghị chọn phương án 1.
THỐNG NHẤT DUY TRÌ NGUỒN THU 2% KINH PHÍ CÔNG ĐOÀN
Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết đa số ý kiến thành viên Ủy ban Xã hội, ý kiến tham gia thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội, ý kiến góp ý của một số Đoàn đại biểu Quốc hội tán thành với sự cần thiết và các quan điểm xây dựng dự án Luật Công đoàn (sửa đổi).
Về vấn đề quản lý, sử dụng tài chính công đoàn, cụ thể là việc duy trì nguồn thu kinh phí công đoàn 2%, bà Nguyễn Thúy Anh cho biết nội dung này hiện có 2 loại ý kiến khác nhau.
Ủy ban Xã hội ủng hộ loại ý kiến thứ nhất, đó là nhất trí việc duy trì nguồn thu kinh phí công đoàn 2%. Tuy nhiên, đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, làm rõ trong tương lai kinh phí công đoàn có thể còn được phân bổ cho tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.
Do vậy, cần có thông tin về tình hình thu, chi, sử dụng 2% kinh phí công đoàn để Quốc hội có đầy đủ cơ sở xem xét, quyết định.
Ủy ban Xã hội cũng đề nghị Tổng Liên đoàn cung cấp thông tin về chậm đóng, trốn đóng và việc không thu được kinh phí công đoàn.
Liên quan đến việc miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn, dự án luật đã bổ sung quy định “tạm dừng đóng” kinh phí công đoàn. Đa số ý kiến trong Ủy ban Xã hội nhất trí đối với quy định này, nhằm bảo đảm tính linh hoạt để xử lý được thực tiễn đa dạng, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục được sản xuất, kinh doanh, duy trì được việc làm cho người lao động.
Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, khoản 3 Điều 30 của dự thảo luật quy định việc sử dụng kinh phí công đoàn cho 16 nhóm nhiệm vụ cụ thể, trong đó, nội dung để hỗ trợ cho công đoàn cơ sở chăm lo cho người lao động nơi doanh nghiệp gặp khó khăn được miễn, giảm kinh phí công đoàn có thể không nhận được sự đồng thuận từ người lao động và người sử dụng lao động của các doanh nghiệp đã đóng đầy đủ.
Bởi vì kinh phí công đoàn là khoản thu bắt buộc, công bằng, bình đẳng đối với tất cả đối tượng đóng. Do đó, Ủy ban Xã hội đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, quy định rõ hơn nguyên tắc, tiêu chí xác định doanh nghiệp khó khăn, mức độ khó khăn dẫn đến không có khả năng đóng kinh phí công đoàn.
Từ đó, làm căn cứ, điều kiện miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn cho doanh nghiệp. Đồng thời, nghiên cứu, tiếp thu, giải trình ý kiến của Chính phủ về nội dung này.
Về việc phân định sử dụng kinh phí công đoàn, Ủy ban Xã hội nhận định đây là vấn đề khó và ý kiến còn khác nhau. Vì thế, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung đầy đủ, toàn diện thông tin làm căn cứ, cơ sở cho cả 2 phương án để Quốc hội xem xét, cho ý kiến. Đồng thời, nghiên cứu ý kiến góp ý của Chính phủ về nội dung này.
Về quy định về việc sử dụng kinh phí công đoàn đối với các nhiệm vụ của Tổng Liên đoàn, Chủ nhiệm Nguyễn Thúy Anh cho biết trong thực tế, Tổng Liên đoàn và nhiều cấp Công đoàn đã sử dụng nguồn kinh phí công đoàn và tài sản được giao để đầu tư, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn tài chính công đoàn.
Do đó, Ủy ban Xã hội đề nghị cơ quan soạn thảo báo cáo đánh giá hiệu quả đầu tư, nghiên cứu quy định rõ về nguyên tắc chi, tính khả thi của nội dung chi tiết, làm cơ sở để Quốc hội xem xét, quyết định.
Luật Công đoàn 2012 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2013, là cơ sở pháp lý quan trọng bảo đảm cho Công đoàn Việt Nam thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, phát triển kinh tế, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm thực hiện đã xuất hiện những yêu cầu, đòi hỏi cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Luật Công đoàn.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã phê chuẩn Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA và Công ước số 98 của Tổ chức Lao động Quốc tế. Những cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do này đã đặt ra yêu cầu rà soát và “nội luật hóa theo lộ trình phù hợp những điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trước hết là luật pháp về thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ, lao động - công đoàn”, theo đúng tinh thần Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 5/11/2016 của Ban Chấp hành Trung ương về “Thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”.