Bộ Tài chính 'bác' đề xuất giao dịch tiền mã hóa ở trung tâm tài chính

Bộ Tài chính không đồng tình với đề xuất thử nghiệm có kiểm soát đối với hoạt động fintech, bao gồm tài sản mã hóa tại các trung tâm tài chính.

 Bộ Tài chính không đồng tình với đề xuất thí điểm giao dịch tiền số, tài sản số trong trung tâm tài chính từ tháng 7/2026 vì lo ngại an ninh tài chính. Ảnh: Pexels.

Bộ Tài chính không đồng tình với đề xuất thí điểm giao dịch tiền số, tài sản số trong trung tâm tài chính từ tháng 7/2026 vì lo ngại an ninh tài chính. Ảnh: Pexels.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã gửi Bộ Tư pháp hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về việc thành lập và hoạt động của trung tâm tài chính tại Việt Nam vào ngày 18/2. Một trong những điểm đáng chú ý trong đề xuất là chính sách thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) dành cho các mô hình kinh doanh ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực tài chính (fintech).

Góp ý vào hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết nêu trên, Bộ Tài chính cho biết hiện nay chưa có quy định về tài sản mã hóa, tiền mã hóa. Trong khi đó, việc quản lý tài sản mã hóa, tiền mã hóa sẽ theo quy trình từ phát hành, sở hữu, giao dịch, cấp phép cung cấp dịch vụ, bảo mật thông tin, việc sử dụng trong các giao dịch dân sự, vấn đề quản lý để đảm bảo an toàn, an ninh tài chính quốc gia.

Do còn nhiều nội dung cần nghiên cứu trước khi ban hành chính sách, Bộ Tài chính đề nghị sửa đổi theo hướng giao Chính phủ quy định việc triển khai thí điểm các chính sách liên quan đến tài sản mã hóa, tiền mã hóa mà không đề cập đến các chính sách cụ thể.

Nhấn mạnh triển khai chính sách về tài sản mã hóa, tiền mã hóa trong trung tâm tài chính có nhiều nội dung cần nghiên cứu, liên quan đến nhiều bộ, ngành, có ảnh hưởng tác động đến đảm bảo an ninh tài chính, để đảm bảo khả thi, Bộ Tài chính đề nghị bỏ quy định về thời gian thực hiện giao dịch bằng tài sản mã hóa, tiền mã hóa từ ngày 1/7/2026.

Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải tổng hợp ý kiến Ngân hàng Nhà nước, vì theo chính sách này, tài sản mã hóa, tiền mã hóa được sử dụng làm phương tiện thanh toán trong các giao dịch tài chính.

Trước đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất thời gian thực hiện sandbox tối đa là 3 năm và có thể được gia hạn một lần nhưng không quá 3 năm. Hội đồng nhân dân TP.HCM và TP Đà Nẵng sẽ chịu trách nhiệm quy định chi tiết về tiêu chí, điều kiện lựa chọn, cũng như trình tự, thủ tục đăng ký, thẩm định và cấp phép tham gia cơ chế thử nghiệm này.

Các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia sandbox, cùng các cơ quan hướng dẫn, kiểm soát quá trình thử nghiệm, sẽ được miễn trách nhiệm hành chính, miễn trách nhiệm kỷ luật và miễn trách nhiệm dân sự nếu xảy ra thiệt hại cho Nhà nước do nguyên nhân khách quan trong quá trình thực hiện.

Ngoài ra, các tổ chức kinh tế khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực fintech hoạt động tại trung tâm tài chính sẽ được hưởng các cơ chế ưu đãi tương tự như tổ chức tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, hoặc các chính sách ưu đãi cao hơn theo quy định của Chính phủ nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Đồng thời, các dự án fintech khởi nghiệp cũng sẽ được hỗ trợ không hoàn lại từ ngân sách địa phương để trang trải chi phí phát triển, bao gồm chi phí tuyển chọn dự án, thuê chuyên gia và các dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp.

Theo kế hoạch đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các giao dịch bằng tài sản mã hóa và tiền mã hóa trong trung tâm tài chính sẽ chính thức được triển khai từ ngày 1/7/2026.

Hồng Nhung

Nguồn Znews: https://znews.vn/bo-tai-chinh-bac-de-xuat-giao-dich-tien-ma-hoa-o-trung-tam-tai-chinh-post1533039.html