Bộ Tài chính ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020
Bộ Tài chính vừa ban hành Quyết định về Chương trình tổng thể thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) năm 2020 để thực hiện trong các cơ quan, đơn vị thuộc và trực thuộc.
Mục tiêu của Chương trình THTK, CLP năm 2020 của Bộ Tài chính là nâng cao hiệu quả THTK, CLP nhằm phát huy cao nhất mọi nguồn lực hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng phát triển kinh tế, ổn định đời sống của nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội.
Theo đó, tiếp tục đẩy mạnh việc quản lý chặt chẽ, tiết kiệm chi tiêu NSNN để giảm tỷ trọng chi thường xuyên, góp phần cơ cấu lại chi ngân sách. Triệt để tiết kiệm chi thường xuyên (không kể tiền lương và các khoản tính chất lương) để tạo nguồn cải cách tiền lương.
Cụ thể, thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên theo quy định; phấn đấu tiết kiệm 12% so với dự toán kinh phí được cấp có thẩm quyền phê duyệt các khoản kinh phí chi hội nghị, hội thảo, tọa đàm, họp, chi tiếp khách...; hạn chế bố trí kinh phí đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài; phấn đấu tiết kiệm 15% chi đoàn ra, đoàn vào.
Tiếp tục cắt giảm 100% việc tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công, khánh thành các công trình xây dựng cơ bản; phấn đấu giảm tối thiểu 2,5% đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2015, đảm bảo mục tiêu đến năm 2021 giảm tối thiểu 10% đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2015, có 10% đơn vị tự chủ tài chính, giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ NSNN cho các đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2011 - 2015.
Trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, thực hiện tiết kiệm chủ trương đầu tư, chỉ quyết định chủ trương đầu tư các dự án có hiệu quả và phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư công. Việc bố trí vốn nước ngoài phải phù hợp với tiến độ giải ngân từ nhà tài trợ, bố trí đủ vốn cho các dự án kết thúc hiệp định vay trong năm 2020. Quản lý, sử dụng 10% dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 theo đúng nghị quyết của Quốc hội; đồng thời, thực hiện nghiêm việc tiết kiệm 10% tổng mức đầu tư theo quy định tại Nghị quyết 89/NQ-CP của Chính phủ.
Trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, thực hiện triệt để tiết kiệm năng lượng, vật tư, chi phí đầu vào; ứng dụng công nghệ mới để nâng cao chất lượng, tiết kiệm chi phí sản xuất kinh doanh; đăng ký và thực hiện tiết giảm chi phí quản lý (từ 5% trở lên).
Để thực hiện tốt các nội dung trên, Bộ Tài chính sẽ tập trung tổ chức kiểm tra, thanh tra một số nội dung, lĩnh vực, công trình trọng điểm, cụ thể cần tập trung vào các lĩnh vực: quản lý, sử dụng đất đai; các dự án đầu tư sử dụng NSNN hoặc có nguồn gốc từ NSNN; quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà công vụ; các chương trình mục tiêu quốc gia; các quỹ có nguồn từ NSNN; mua sắm, trang bị, quản lý, sử dụng phương tiện đi lại; trang thiết bị làm việc; trang thiết bị công nghệ thông tin; công tác tuyển dụng, bổ nhiệm công chức, viên chức; sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết.