Bộ Tài chính cải cách mạnh mẽ, cải thiện môi trường kinh doanh
Trong quá trình thực thi nhiệm vụ, các cơ quan thuế, hải quan liên tục rà soát, thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024.
Bãi bỏ 45 thủ tục hành chính
Bộ Tài chính đặt mục tiêu tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp mới thành lập, giảm chi phí đầu vào và chi phí tuân thủ pháp luật trong hoạt động đầu tư, kinh doanh, củng cố niềm tin, tạo điểm tựa phục hồi và nâng cao sức chống chịu của doanh nghiệp. Đây chính là mục tiêu trong kế hoạch hành động Bộ Tài chính đặt ra trong năm nay nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo nghị quyết của Chính phủ.
Cơ quan thuế luôn theo sát doanh nghiệp để hỗ trợ kịp thời
"Những nỗ lực cải cách, hiện đại hóa công tác quản lý thuế, thông qua cung cấp các dịch vụ thuế điện tử, như hóa đơn điện tử, triển khai các dịch vụ thuế điện tử trên thiết bị di động, hay Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài… cho thấy, Tổng cục Thuế luôn theo dõi sát tình hình thực tế của doanh nghiệp để có những cải cách phù hợp. Ông Hong Sun - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính, tính đến ngày 6/8, Bộ Tài chính đã ban hành 10 quyết định công bố: bãi bỏ 45 thủ tục hành chính (TTHC); sửa đổi, bổ sung, thay thế 46 TTHC; công bố mới 15 TTHC. Theo đó, tổng số TTHC còn hiệu lực thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính là 763 TTHC (giảm 1 TTHC so với tháng trước). Trong đó: lĩnh vực thuế là 235 TTHC; lĩnh vực hải quan là 225 TTHC; lĩnh vực Kho bạc Nhà nước là 11 TTHC; lĩnh vực dự trữ là 7 TTHC; lĩnh vực chứng khoán là 104 TTHC; lĩnh vực tài chính chung là 181 TTHC.
Về triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), tổng số DVC thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính là 763, trong đó: 347 DVCTT toàn trình, 108 DVCTT một phần và 308 dịch vụ cung cấp thông tin cho tổ chức, cá nhân. Đồng thời, Bộ Tài chính đã hoàn thành kết nối, tích hợp 284 DVCTT trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
Trong hơn nửa đầu năm, Bộ phận Một cửa Bộ Tài chính đã tiếp nhận 608 hồ sơ TTHC thuộc các lĩnh vực: bảo hiểm; kế toán, kiểm toán; tin học; tài chính ngân hàng và giá, tăng so với cùng kỳ năm ngoái là 54 hồ sơ TTHC. Hiện nay, Bộ phận Một cửa Bộ Tài chính đã thực hiện số hóa hồ sơ và kết quả giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các đơn vị thuộc cơ quan Bộ. Bộ Tài chính đã có công văn hướng dẫn các đơn vị thuộc Bộ xây dựng trình Bộ ban hành danh mục thành phần hồ sơ phải số hóa.
Đồng thời, để cập nhật tình hình biến động của TTHC liên quan đến người dân, doanh nghiệp, Bộ Tài chính ban hành quyết định công bố danh mục TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Tài chính được tiếp nhận, trả kết quả tại Bộ phận Một cửa và danh mục TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Tài chính không tiếp nhận tại Bộ phận Một cửa.
Áp dụng toàn diện nền tảng công nghệ trong quản lý thu thuế
Về việc cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh theo yêu cầu tại Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ, Bộ Tài chính rà soát, đăng tải dữ liệu liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý lên Hệ thống Cơ sở dữ liệu và Cổng tham vấn quy định kinh doanh của Văn phòng Chính phủ.
Đồng thời, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định phê duyệt 42 phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính giai đoạn 2024 - 2025. Đến ngày 30/6/2024, Bộ Tài chính thực thi 9/42 phương án phê duyệt, trong đó, ngành nghề kinh doanh dịch vụ kế toán 8 phương án và ngành nghề kinh doanh thẩm định giá 1 phương án.
Trả lời phỏng vấn TBTCVN, ông Hong Sun- Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam cho rằng, trong thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp, cơ quan thuế, hải quan đóng vai trò quan trọng và đã cắt giảm nhiều thủ tục, điều kiện thông quan hàng hóa xuất khẩu nhanh chóng.
“Trước đây, thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu chiếm khá nhiều thời gian, chi phí của doanh nghiệp. Nhưng hiện nay, hàng hóa của doanh nghiệp được phân luồng xanh, vàng, đỏ; phân định hàng hóa tiền kiểm, hậu kiểm, rút ngắn thời gian doanh nghiệp làm thủ tục xuất nhập khẩu, tạo rất nhiều thuận lợi cho chúng tôi”- ông Hong Sun nói.
Trên thực tế, cơ quan hải quan đã nâng cấp độ giải quyết TTHC dịch vụ công trực tuyến từ cấp độ 3 lên cấp độ 4. Từ việc sử dụng giấy tờ, hồ sơ bản cứng có đóng dấu chuyển sang chế độ sử dụng chế độ điện tử. Đến nay, 100% các hồ sơ, giấy tờ đã được điện tử hóa, doanh nghiệp tốn ít thời gian, chi phí hơn trước, khi phải trực tiếp đến làm thủ tục tại các cửa khẩu, gặp cơ quan hải quan để xử lý các TTHC, điều kiện nhập khẩu, xuất khẩu.
Đối với lĩnh vực thuế, các doanh nghiệp đánh giá cao việc cơ quan thuế đã áp dụng toàn diện nền tảng công nghệ thông tin để giải đáp các vướng mắc, xử lý TTHC liên quan đến chính sách thuế. Trong 2 năm qua, 100% các thủ tục liên quan đến hóa đơn điện tử được cơ quan thuế áp dụng, mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, người dân./.
Số hóa các hệ thống nền tảng, ứng dụng
Bộ Tài chính nỗ lực xây dựng, phát triển các hệ thống nền tảng, ứng dụng. Trong đó, tiếp tục vận hành đảm bảo hoạt động ổn định của Hệ thống kết nối chia sẻ Dữ liệu số ngành Tài chính, trục Liên thông văn bản điện tử ngành Tài chính, ban hành kế hoạch thuê Dịch vụ nền tảng chia sẻ, tích hợp dữ liệu dùng chung ngành Tài chính phục vụ Tài chính điện tử hướng tới Tài chính số.
Chương trình Quản lý văn bản và điều hành phục vụ công tác điều hành, xử lý tác nghiệp văn bản điện tử trên môi trường mạng áp dụng chữ số điện tử tại tất cả các cấp thực hiện hơn 2 năm nay. Chương trình được triển khai áp dụng cho các đơn vị tại trụ sở cơ quan Bộ (25 đơn vị) và 4 đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ. Trong 6 tháng qua, tổng số văn bản đi phát hành điện tử là 15.363 văn bản, tổng số văn bản điện tử nhận về EdocTc là 44.087 văn bản.
Ngoài ra, Hệ thống hỏi đáp chính sách tài chính được tích hợp trên Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính đáp ứng nhu cầu của cá nhân, tổ chức khi có vướng mắc trong thực hiện chính sách liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tài chính.
Cơ quan thuế, cơ quan hải quan đặc biệt coi trọng việc đẩy mạnh cải cách TTHC nhằm hỗ trợ ngày càng tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp. Ngay từ đầu năm 2024, Tổng cục Thuế đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024. Tổng cục Hải quan ban hành chỉ thị đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tạo thuận lợi thương mại, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, chống thất thu trong triển khai nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2024.
Cơ quan thuế, hải quan đều đặt mục tiêu đẩy mạnh cải cách hành chính, triển khai đồng bộ, toàn diện từ cải cách thể chế, cải cách TTHC đến xây dựng và phát triển Thuế điện tử, Hải quan điện tử, Hải quan số, góp phần phát triển kinh tế- xã hội; tiếp tục thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa TTHC để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024.