Bộ Tài chính cảnh báo người dân về website giả mạo
Bộ Tài chính cảnh báo người dân cảnh giác trước tình trạng giả mạo văn bản, con dấu chữ ký của lãnh đạo và website của Bộ Tài chính để lừa người dân chuyển tiền.
Ngày 6/8, Bộ Tài chính cho biết liên tục nhận được thông tin về tình trạng giả mạo văn bản, website của Bộ, giả mạo con dấu, chữ ký của lãnh đạo Bộ để yêu cầu người dân chuyển tiền cho các đối tượng lừa đảo.
Thông qua website giả mạo, kẻ xấu đã đưa lên các văn bản giả mạo như Giấy xác nhận ủy quyền, Bản cam kết thực hiện ủy quyền và tất toán tiền... để lừa người dân nhập các thông tin cá nhân và sau đó chuyển tiền.
Vì vậy, Bộ Tài chính khuyến cáo người dân, doanh nghiệp cần cảnh giác trước việc giả mạo, lợi dụng danh nghĩa của Bộ Tài chính và cán bộ, công chức của Bộ để lừa đảo người dân nhằm trục lợi cá nhân.
Đồng thời, Bộ Tài chính đề nghị người dân, doanh nghiệp nâng cao cảnh giác, thận trọng trong các giao dịch chuyển tiền đối với những người không quen biết trên không gian mạng. Khi phát hiện dấu hiệu lừa đảo, người dân cần thông báo với cơ quan công an nơi gần nhất để điều tra và ngăn chặn hành vi của đối tượng xấu.
Hiện, Bộ Tài chính đang phối hợp và đề nghị các cơ quan chức năng làm rõ các hành vi giả mạo văn bản, chữ ký, con dấu của Bộ Tài chính và lãnh đạo Bộ.
Thời gian qua, mặc dù cơ quan chức năng liên tục cảnh báo, nhiều giải pháp đã triển khai quyết liệt, tuy nhiên, nhiều người vẫn sập bẫy. Nguyên nhân chủ yếu là do các nhóm tội phạm lừa đảo qua mạng hoạt động có tổ chức, xuyên biên giới, lợi dụng kẽ hở pháp luật, sử dụng công nghệ cao.
Tội phạm thường trú chân tại địa bàn các quốc gia láng giềng như Campuchia, Myanmar… đa số các đối tượng cầm đầu thường là người nước ngoài. Bên cạnh đó, nguyên nhân một phần do người dùng mạng xã hội thiếu ý thức, thiếu cảnh giác trước phương thức, thủ đoạn tinh vi trên không gian mạng cũng là nguyên nhân làm gia tăng các vụ lừa đảo qua mạng.
Tháng 6/2024, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã đưa ra 24 hình thức lừa đảo phổ biến trên không gian mạng, trong đó, 3 nhóm lừa đảo chính là giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác.
Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân tuyệt đối không tin, không thực hiện theo yêu cầu của người lạ qua điện thoại, không truy cập vào các đường link hoặc kho ứng dụng “lạ” để tải và cài đặt các ứng dụng không rõ nguồn gốc.
Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng; không chuyển tiền cho bất cứ ai hay vì bất cứ lý do gì nếu chưa xác nhận được danh tính đối tượng.
Theo thống kê của Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, tổng số tiền người dân bị lừa đảo qua mạng trong năm 2023 khoảng 8.000 - 10.000 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi so với năm 2022. Trong đó, 91% vụ lừa đảo liên quan đến lĩnh vực tài chính. Có đến 73% người dùng thiết bị di động, mạng xã hội… thường xuyên nhận được tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo.
Theo các chuyên gia an ninh mạng, các hình thức lừa đảo của tội phạm ngày càng tinh vi và luôn thay đổi theo xu hướng, khiến nhiều người bị mất cảnh giác và bị chiếm đoạt tiền chỉ trong vài phút. Đáng lo ngại, tất cả những hình thức lừa đảo này đều dẫn dụ người dân cung cấp thông tin mật khẩu, mã OTP hoặc bị chiếm quyền điện thoại để đánh cắp thông tin tài khoản ngân hàng.