Bộ Tài chính: Đảm bảo đủ kinh phí, đẩy nhanh sắp xếp tài sản công sau tinh gọn bộ máy
Tại buổi họp báo chuyên đề quý II/2025, đại diện Bộ Tài chính khẳng định, việc chi trả chế độ cho cán bộ sau sắp xếp tổ chức bộ máy đang được triển khai kịp thời, đúng đối tượng, không để thiếu hụt nguồn lực. Đồng thời, công tác rà soát, xử lý nhà, đất dôi dư sau sắp xếp cũng được đẩy mạnh, với nguyên tắc ưu tiên sử dụng cho mục đích công, tránh thất thoát tài sản công. Bộ Tài chính đang phối hợp với các địa phương để hoàn tất báo cáo trong 90 ngày, làm cơ sở đánh giá toàn diện hiệu quả sắp xếp.
Bảo đảm đầy đủ kinh phí chi trả chế độ sau sắp xếp bộ máy
Theo ông Dương Tiến Dũng – Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước (Bộ Tài chính), trong thời gian qua, thực hiện các quy định của Chính phủ về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, Bộ Tài chính đã chủ động ban hành các hướng dẫn cụ thể nhằm bảo đảm nguồn lực chi trả chính sách, chế độ cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc diện sắp xếp.

Ô.ng Dương Tiến Dũng – Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước
Trên cơ sở Nghị định số 178/2024/NĐ-CP của Chính phủ, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 07/2025/TT-BTC ngày 24/1/2025 và Thông tư số 34/2025/TT-BTC ngày 11/6/2025 hướng dẫn cụ thể về xác định nguồn kinh phí, lập dự toán, quản lý và quyết toán kinh phí chi trả các chế độ theo quy định.
Để bảo đảm tổ chức thực hiện thống nhất, Bộ Tài chính đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, đôn đốc các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương triển khai nhiệm vụ. Trong đó, quán triệt tinh thần là phải chi trả đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng, không để chậm trễ, dù vì bất kỳ lý do khách quan hay chủ quan.
Trong quá trình tổ chức thực hiện, Bộ Tài chính cũng đã có các văn bản đôn đốc, hướng dẫn các bộ, cơ quan trung ương, địa phương tổ chức triển khai thực hiện, trong đó quán triệt tinh thần chi trả đầy đủ, kịp thời chính sách, chế độ cho các đối tượng được hưởng theo quy định và tuyệt đối không để chậm trễ do các nguyên nhân khách quan, chủ quan.
Đối với các địa phương, chủ động sử dụng nguồn kinh phí cải cách tiền lương địa phương để chi trả các chính sách, chế độ cho các đối tượng được hưởng; trường hợp còn thiếu thì báo cáo Bộ Tài chính để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung từ nguồn ngân sách trung ương.
Đến nay, trên cơ sở tổng hợp báo cáo của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương có đề nghị, Bộ Tài chính đã tổng hợp trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét xử lý, bổ sung từ ngân sách Trung ương 61.461 tỷ đồng kinh phí để chi trả cho các đối tượng. Trong đó, 31 bộ, cơ quan trung ương là 52.308 tỷ đồng, 22 địa phương được hỗ trợ 9.153 tỷ đồng.
Về tình hình triển khai chi trả, kết quả giải ngân tại Kho bạc Nhà nước tính đến ngày 30/6/2025, đã thực hiện chi trả chế độ chính sách cho khoảng 29,8 nghìn tỷ đồng, trong đó khoảng 7,6 nghìn tỷ đồng chi cho cán bộ công tác tại các cơ quan trung ương và khoảng 22,2 nghìn tỷ đồng chi cho các cán bộ tại địa phương.
Cũng đến thời điểm này, khoảng 27,9 nghìn người đã được chi trả chế độ chính sách nghỉ việc do sắp xếp tổ chức bộ máy; trong đó khoảng 7 nghìn người công tác tại các cơ quan trung ương và tại các địa phương khoảng 20,9 nghìn người.
Ông Dũng khẳng định: “Tinh thần chỉ đạo xuyên suốt từ Chính phủ và Bộ Tài chính là không để thiếu kinh phí chi trả chế độ, đảm bảo quyền lợi cho cán bộ theo đúng quy định. Kinh phí đã được cấp đầy đủ, việc chi trả phụ thuộc vào tiến độ xử lý tại từng đơn vị dự toán”.
Thông tin thêm tại Họp báo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cũng đã khẳng định nguồn kinh phí để giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy được bố trí đầy đủ, không lo thiếu. Về chi trả thực tế sẽ phát sinh ở từng đơn vị dự toán, từng cơ quan có cán bộ công chức được hưởng chế độ và sẽ được bố trí chi trả đầy đủ.
Tiếp tục rà soát, đôn đốc xử lý tài sản công sau sắp xếp tổ chức bộ máy
Chia sẻ về vấn đề xử lý tài sản công, bà Nguyễn Thị Thoa – Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản cho biết, Bộ Tài chính đã chủ động rà soát, kiến nghị sửa đổi nhiều văn bản quy phạm pháp luật để hoàn thiện cơ sở pháp lý và thúc đẩy tiến độ triển khai tại các địa phương.

bà Nguyễn Thị Thoa – Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản.
Cụ thể, Bộ Tài chính đã trình Quốc hội sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; đồng thời ban hành 11 văn bản pháp luật có liên quan, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến hệ thống tiêu chuẩn, định mức – làm căn cứ pháp lý cho việc sắp xếp, xử lý nhà đất thuộc tài sản công.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành liên tiếp 4 công điện chỉ đạo quyết liệt nhiệm vụ này, bao gồm: Công điện số 125 ngày 20/5/2025, Công điện số 80 ngày 1/6/2025, Công điện số 95 ngày 22/6/2025 và Công điện số 98 ngày 27/6/2025. Đây đều là những văn bản có tính chất đôn đốc, hướng dẫn các địa phương triển khai đồng bộ, đúng nguyên tắc, kịp tiến độ.
Đáng chú ý, Bộ Tài chính đã thành lập Tổ công tác liên ngành do Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng làm Tổ trưởng để xử lý nhanh các vướng mắc phát sinh. Tổ công tác gồm đại diện nhiều cơ quan trung ương như Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, các Bộ: Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông cùng các đơn vị chức năng khác. Trong quá trình triển khai, tổ công tác đã làm việc trực tiếp với cả 63 tỉnh, thành theo cụm và có hướng dẫn chi tiết cho từng địa phương, nhất là với những trường hợp có vướng mắc về nguyên tắc sắp xếp tài sản công.
Theo bà Nguyễn Thị Thoa, nguyên tắc quan trọng hàng đầu là phải đảm bảo duy trì hoạt động của bộ máy sau sắp xếp. Đối với phần tài sản công dư thừa, Nhà nước không khuyến khích bán hoặc chuyển nhượng, mà ưu tiên bố trí cho các mục đích công như giáo dục, y tế, văn hóa – xã hội.
Bộ Tài chính cũng theo dõi sát thực tiễn triển khai tại địa phương. Qua nắm bắt, đến thời điểm hiện tại (sau mốc chính thức sắp xếp vào ngày 1/7/2025) nhìn chung các địa phương không còn nhiều vướng mắc đáng kể. Tuy nhiên, để có số liệu tổng hợp chính thức, Bộ Tài chính yêu cầu các địa phương phải báo cáo kết quả sau 90 ngày kể từ khi bộ máy mới đi vào vận hành.
“Có những trụ sở hiện tại được xem là dư thừa, nhưng thực tế có thể được điều chuyển để sử dụng cho cơ quan trung ương đóng tại địa phương, hoặc phục vụ các mục đích thiết yếu khác. Do vậy, việc đánh giá phải hết sức linh hoạt và tổng thể. Chỉ khi kết thúc giai đoạn 90 ngày, chúng tôi mới có thể tổng hợp và công bố số liệu chính thức về tình trạng nhà, đất dôi dư”, bà Thoa cho biết.
Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc mới phát sinh. Trường hợp vượt thẩm quyền, Bộ sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền để có chỉ đạo phù hợp, đảm bảo quá trình sắp xếp, xử lý tài sản công diễn ra thông suốt và hiệu quả.