Bộ Tài chính đề xuất giảm 1 đơn vị trong cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thuế
Bộ Tài chính đề xuất, sau khi sắp xếp, kiện toàn, bộ máy cơ quan Tổng cục Thuế sẽ giảm 1 đơn vị, từ 17 xuống còn 16 đơn vị.
Chuyển đổi mô hình Cục Thanh tra - Kiểm tra thuế thành Thanh tra Tổng cục Thuế
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thuế thuộc Bộ Tài chính, thay thế Quyết định số 41/2018/QĐ-TTg và Quyết định số 15/2021/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung Quyết định số 41/2018/QĐ-TTg.
Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ chuyển Cục Thanh tra - Kiểm tra thuế của Tổng cục Thuế sang mô hình Thanh tra Tổng cục. Ảnh: TL
Theo quy định tại Quyết định số 15/2021/QĐ-TTg, cơ quan Tổng cục Thuế gồm: 17 tổ chức, đơn vị, trong đó: 15 tổ chức hành chính (vụ, cục, văn phòng), 2 đơn vị sự nghiệp công lập (Trường Nghiệp vụ thuế, Tạp chí Thuế).
Trên cơ sở kết quả rà soát các đơn vị thuộc Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ cho phép giữ nguyên bộ máy của Tổng cục Thuế đối với 13 vụ, đơn vị gồm: Vụ Pháp chế; Vụ Dự toán thu thuế; Vụ Hợp tác quốc tế; Cục Công nghệ thông tin; Vụ Tổ chức cán bộ; Văn phòng; Vụ Quản lý thuế Doanh nghiệp nhỏ và vừa và Hộ kinh doanh, cá nhân; Vụ Tuyên truyền - Hỗ trợ người nộp thuế; Vụ Kê khai và Kế toán thuế; Vụ Quản lý nợ và Cưỡng chế nợ thuế; Vụ Tài vụ - Quản trị; Cục Thuế Doanh nghiệp lớn và Tạp chí Thuế.
Các tổ chức, đơn vị nêu trên đáp ứng tiêu chí thành lập theo quy định tại Nghị định số 101/2020/NĐ-CP và Nghị định số 120/2020/NĐ-CP.
Đồng thời, Bộ Tài chính đề xuất chuyển đổi, sắp xếp một số đơn vị gồm: Chuyển đổi mô hình Cục Thanh tra - Kiểm tra thuế thành Thanh tra Tổng cục Thuế.
Bộ Tài chính cho biết, theo Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 508/QĐ-TTg ngày 23/4/2022 đề ra giải pháp “Nâng cao năng lực hoạt động thanh tra, kiểm tra tiếp cận với các thông lệ quốc tế tốt thông qua việc: đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra thuế phù hợp với định hướng xây dựng Chính phủ điện tử; tăng cường áp dụng quản lý rủi ro trong công tác thanh tra, kiểm tra thuế như là một biện pháp hiệu quả để phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về thuế và giảm khiếu nại sau thanh tra, kiểm tra thuế”.
Đồng thời, về bộ máy, Quyết định số 508/QĐ-TTg cũng chỉ rõ “Xây dựng bộ máy cơ quan thuế có đủ quyền hạn và năng lực chủ động thực thi pháp luật thuế theo mô hình kết hợp quản lý thuế theo chức năng với quản lý thuế theo đối tượng, phù hợp với việc áp dụng thuế điện tử và phương pháp quản lý rủi ro theo hướng tự động hóa, kiện toàn bộ phận thanh tra kiểm tra thuế theo mô hình quản lý theo chức năng kết hợp với quản lý theo đối tượng, đồng thời bổ sung nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu quản lý thuế hiện đại theo thông lệ quốc tế”.
Bộ Tài chính cho rằng, để thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030, đòi hỏi phải kiện toàn bộ máy tổ chức của đơn vị thực hiện chức năng thanh tra, kiểm tra của Tổng cục Thuế.
Khi được chuyển đổi mô hình, Thanh tra Tổng cục Thuế có tư cách pháp nhân, con dấu riêng, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước theo quy định pháp luật. Về tổ chức bộ máy, Bộ Tài chính dự kiến tổ chức Thanh tra Tổng cục Thuế gồm 7 phòng gồm: Phòng Tổng hợp; Phòng Thanh tra - Kiểm tra giá chuyển nhượng; Phòng Thanh tra - Kiểm tra thuế số 1; Phòng Thanh tra - Kiểm tra thuế số 2; Phòng Xử lý sau thanh tra; Phòng Thanh tra - Kiểm tra giải quyết tố cáo và Phòng chống tham nhũng, tiêu cực; Phòng giải quyết khiếu nại và giám sát thanh tra, kiểm tra.
Giải thể, đổi tên một số đơn vị phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quy định pháp luật
Trên cơ sở thực tiễn, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ đổi tên một số đơn vị để đảm bảo tên gọi phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, phạm vi quản lý của đơn vị.
Cụ thể, Bộ Tài chính đề xuất đổi tên Cục Kiểm tra nội bộ; Giải quyết khiếu nại, tố cáo và Phòng chống tham nhũng thành Cục Kiểm tra nội bộ để đảm bảo phù hợp với quy định tại Khoản 1 Điều 18 Luật Thanh tra. Trong đó quy định chức năng của Thanh tra tổng cục, cục thuộc Bộ: "Thanh tra tổng cục, cục là cơ quan của tổng cục, cục thuộc Bộ thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành trong phạm vi quản lý nhà nước mà tổng cục, cục được phân cấp quản lý; thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật".
Đổi tên Vụ Chính sách thành Vụ Chính sách quản lý thuế nội địa để phân định với chức năng, nhiệm vụ của Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí, lệ phí.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đề xuất giải thể Trường Nghiệp vụ Thuế. Theo Bộ Tài chính, thực hiện Quyết định số 41/2018/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Tài chính chịu trách nhiệm: Trước năm 2025, thực hiện sáp nhập Trường Nghiệp vụ Thuế vào Trường Bồi dưỡng cán bộ tài chính. Theo đó, Bộ Tài chính xây dựng Đề án giải thể Trường Nghiệp vụ thuế thuộc Tổng cục Thuế; thời gian giải thể từ ngày 1/1/2025.
Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Tổng cục Thuế đã giảm 62 đầu mối cấp phòng thuộc Cục thuế; tổ chức chi cục thuế theo khu vực, theo đó, giảm từ đã giảm 711 chi cục thuế xuống còn 415 chi cục thuế (hoàn thành vượt yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 41/2018/QĐ-TTg: “sắp xếp chi cục thuế cấp huyện để đảm bảo đến hết năm 2020 còn 420 chi cục thuế”.
Ngoài ra, tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 ngày 12/3/2019 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021, ngành Thuế tiếp tục thực hiện hợp nhất 3 chi cục thuế: Quận 2, Quận 9 và quận Thủ Đức thành Chi cục Thuế TP. Thủ Đức. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn ngành Thuế còn lại 413 chi cục thuế, trong đó: 262 chi cục thuế khu vực và 151 chi cục thuế quận, huyện, thị xã.