Bộ Tài chính đề xuất giảm 1000 đồng thuế BVMT đối với xăng dầu
Theo dự thảo, mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn điều chỉnh giảm xuống mức sàn trong khung thuế đến hết ngày 31/12/2022
Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn.
Theo dự thảo, mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn điều chỉnh giảm xuống mức sàn trong khung thuế đến hết ngày 31/12/2022.
Ảnh minh họa.
Cụ thể, xăng giảm từ 2.000 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít; nhiên liệu bay giảm từ 1.500 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít; dầu diesel giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 500 đồng/lít; dầu mazut, dầu nhờn giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/lít; mỡ nhờn giảm từ 1.000 đồng/kg xuống mức sàn 300 đồng/kg. Riêng dầu hỏa giữ mức 300 đồng/lít vì đây là mức sàn trong khung mức thuế.
Từ ngày 1/1/2023, mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn thực hiện theo Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trường hợp Nghị quyết được ban hành trong tháng 7/2022, đề nghị hiệu lực thi hành của Nghị quyết kể từ ngày 1/8/2022 để bảo đảm việc triển khai.
Trước đó, Bộ Tài chính cho biết, cơ quan này đang dự kiến tiếp tục trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giảm một số sắc thuế và các giải pháp điều hành giá liên quan đến xăng dầu để hạn chế vòng xoáy lạm phát.
Cụ thể, Bộ Tài chính đang phối hợp các cơ quan có liên quan nghiên cứu phương án về khả năng tiếp tục giảm thuế BVMT đối với mặt hàng xăng dầu để góp phần kịp thời kiềm chế lạm phát. Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, hiện Bộ Tài chính đang dự kiến đề xuất trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thẩm quyền giảm tối đa thuế BVMT đối với xăng dầu.
Bên cạnh đó, diễn biến tình hình gần đây đang cho thấy thị trường xăng dầu thế giới sẽ còn nhiều biến động khó lường, khó dự báo, tiềm ẩn các nguy cơ ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu của nước ta.
Do đó, ngày 21/4/2022, Bộ Tài chính đã có công văn số 3662/BTC-CST gửi xin ý kiến các bộ, ngành địa phương, Hiệp hội, doanh nghiệp có liên quan về dự thảo Nghị định Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, trong đó đề xuất điều chỉnh giảm thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi xăng từ 20% xuống 12%.
Việc điều chỉnh giảm thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) đối với mặt hàng xăng theo phương án dự kiến sẽ góp phần đa dạng hóa nguồn cung xăng dầu (tránh bị động bởi phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ Hàn Quốc và ASEAN), đồng thời đảm bảo mức chênh lệch phù hợp với mức thuế suất theo các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết.
Hiện nay, Bộ Tài chính đang tổng hợp ý kiến các đơn vị và trình Chính phủ trong thời gian tới.