Bộ Tài chính đề xuất hai phương án giảm lệ phí trước bạ ô tô

Bộ Tài chính không tán thành giảm 50% lệ phí trước bạ với ô tô trong nước. Trường hợp Thủ tướng quyết định thực hiện chính sách, Bộ Tài chính cho rằng có thể cân nhắc giảm 50% mức thu với ô tô trong nước hoặc giảm 50% mức thu với cả ô tô trong nước và ô tô nhập khẩu.

Giảm 50% lệ phí trước bạ cho cả ô tô trong nước và nhập khẩu có thể làm giảm thu ngân sách 15 - 16 nghìn tỷ đồng. Nguồn: ITN.

Giảm 50% lệ phí trước bạ cho cả ô tô trong nước và nhập khẩu có thể làm giảm thu ngân sách 15 - 16 nghìn tỷ đồng. Nguồn: ITN.

Bộ Tài chính cho biết, trước đây, việc giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước theo Nghị định số 70/2020/NĐ-CP và Nghị định số 103/2021/NĐ-CP được thực hiện trong bối cảnh dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới còn nghiêm trọng.

Hiện nay, tình hình dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo. Các ngành, lĩnh vực chủ yếu của nền kinh tế tiếp tục có xu hướng phục hồi, ổn định và phát triển.

Do đó, việc tiếp tục thực hiện giảm mức thu lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước ở thời điểm hiện nay là kéo dài quá thời gian cần thiết, Bộ Tài chính nêu quan điểm.

Bên cạnh đó, việc giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ thời gian qua được đánh giá là chưa tuân thủ hoàn toàn quy định theo nguyên tắc Đối xử quốc gia của Việt Nam trong khuôn khổ của Tổ chức Thương mại Thế giới, các hiệp định thương mại tự do. Do vậy có nguy cơ bị phản ứng, khiếu kiện từ các nhà nhập khẩu và các tổ chức quốc tế.

Ngoài ra, việc thực hiện giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô là chưa đảm bảo phù hợp với chủ trương của Chính phủ trong việc tăng cường đảm bảo trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022 – 2025, theo tinh thần Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 5.4.2022.

Cũng theo Bộ Tài chính, cuối năm 2022 và đầu năm 2023, Bộ Tài chính đã đề xuất triển khai một số giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân (trong đó có doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước) với tổng gói hỗ trợ khoảng 186.500 tỷ đồng (trong đó gói miễn, giảm thuế là 76.500 tỷ đồng và gói gia hạn thuế là 110.000 tỷ đồng).

Từ những phân tích trên, Bộ Tài chính trình Thủ tướng chưa thực hiện giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước như đề nghị của UBND các tỉnh Quảng Nam, Ninh Bình, Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam và Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam.

Trường hợp Thủ tướng quyết định việc thực hiện chính sách giảm mức thu lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước thì Bộ Tài chính đề nghị cân nhắc một trong hai phương án.

Phương án 1:Giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.

Ngoài những nhược điểm nêu trên, thực hiện phương án này sẽ góp phần kích cầu tiêu dùng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, hỗ trợ các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước và các nhà phân phối tiêu thụ được lượng xe ô tô tồn kho. Từ đó góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước; thúc đẩy người dân, doanh nghiệp mua sắm ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.

Phương án 1 có thể làm giảm thu ngân sách nhà nước 8.000 - 9.000 tỷ đồng.

Phương án 2:Giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với cả ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước và ô tô nhập khẩu. Phương án này cũng kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy người dân, doanh nghiệp mua sắm ô tô để phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng và sản xuất kinh doanh; đồng thời sẽ đảm bảo được việc thực hiện các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.

Theo Bộ Tài chính, với phương án 2, tổng số thu lệ phí trước bạ với ô tô sẽ giảm khoảng 15 - 16 nghìn tỷ đồng, ảnh hưởng đến số thu ngân sách năm 2023 và đặc biệt là cân đối ngân sách của một số địa phương khó khăn.

H. Lan

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/tai-chinh-doanh-nghiep/bo-tai-chinh-de-xuat-hai-phuong-an-giam-le-phi-truoc-ba-o-to--i326324/