Kinh tế Thủ đô 6 tháng đầu năm 2024:Vượt thách thức, duy trì tăng trưởng khá
Hà Nội cùng cả nước vừa đi qua chặng đường nửa đầu năm 2024 trong bối cảnh đối diện nhiều khó khăn, thách thức nhưng đã thu về những kết quả đáng ghi nhận, nhất là về phát triển kinh tế. Tuy nhiên, trước những thực tế bất lợi hiện nay, cùng với các bộ, ngành, thành phố cần nhận diện, khắc phục, vượt lên, triển khai các giải pháp thích hợp để hướng tới mức tăng trưởng cao hơn trong 6 tháng cuối năm 2024, tạo bước đệm cho năm sau.
Chuyển biến tích cực
Theo Cục Thống kê Hà Nội, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Hà Nội trong 6 tháng đầu năm 2024 tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023 (quý I tăng 5,53%; quý II tăng 6,44%). Tăng trưởng GRDP tăng nhẹ so với mức tăng 5,86% của cùng kỳ năm 2023, trong bối cảnh kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, khó lường; xuất khẩu gặp khó khăn; sức mua thị trường nội địa chững lại. Do đó, kết quả trên là rất quan trọng và đáng ghi nhận. Việc kinh tế tăng trưởng theo hướng quý sau cao hơn quý trước là khá ấn tượng, cần phát huy trong thời gian tới.
Phó Cục trưởng phụ trách Cục Thống kê Hà Nội Vũ Văn Tấn cho biết, ngay từ đầu năm 2024, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các cấp, ngành và địa phương tập trung thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy mạnh các chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Phân tích sâu hơn cho thấy, bước sang quý II-2024, hoạt động sản xuất công nghiệp có nhiều tín hiệu tích cực khi các đơn hàng tiếp tục tăng. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,1%; chỉ số tiêu thụ sản phẩm tăng 13,1%. Riêng quý II-2024, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,1% là chuyển biến mang tính tích cực, thể hiện sự phục hồi của công nghiệp Thủ đô.
Điểm nhấn nữa là thành phố đã thu hút 1,165 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài; trong đó đăng ký cấp mới 120 dự án với số vốn 1,036 tỷ USD; bổ sung tăng vốn đầu tư 78 dự án, với 55 triệu USD; 104 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, với giá trị 74 triệu USD. Như vậy, Hà Nội vẫn là bến đỗ hấp dẫn, xứng đáng cho dòng vốn quốc tế.
Xuất khẩu tiếp tục lấy lại đà đi lên và tăng ấn tượng, với giá trị kim ngạch trong 6 tháng năm 2024 đạt 8,9 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt kim ngạch xuất khẩu 5,2 tỷ USD, tăng 14,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt kim ngạch 3,7 tỷ USD, tăng 6,1%. Một số nhóm hàng chủ yếu có kim ngạch xuất khẩu tăng là: Máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện (đạt 1,256 tỷ USD, tăng 13,6%); phương tiện vận tải và phụ tùng (đạt 1,069 tỷ USD, tăng 29,5%); máy móc thiết bị và phụ tùng (đạt 1,05 tỷ USD, tăng 7%); hàng nông sản (đạt 836 triệu USD, tăng 58,5%)...
Đặc biệt, từ đầu năm 2024 đến nay, ngành Du lịch Thủ đô đã chú trọng đổi mới quảng bá hình ảnh điểm đến cũng như giới thiệu sản phẩm mới. Nhờ đó, trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt hơn 14 triệu lượt, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, khách du lịch quốc tế ước đạt 3,14 triệu lượt, tăng 52,6% (bao gồm 2,21 triệu lượt khách du lịch quốc tế có lưu trú). Đây là yếu tố quan trọng, góp phần tận dụng tiềm năng tổng hợp trên địa bàn, kích đẩy nhu cầu tiêu dùng, nâng cao tỷ trọng đóng góp của ngành Du lịch và các loại hình dịch vụ liên quan vào GRDP của thành phố.
Vào cuộc đồng bộ, vì doanh nghiệp
Tuy nhiên, Hà Nội vẫn đối diện một số khó khăn, bất lợi và tồn tại, có thể gây cản trở quá trình tăng trưởng trong bối cảnh cạnh tranh thu hút đầu tư, phát triển kinh tế ngày càng gay gắt. Đó là tốc độ tăng trưởng GRDP thấp hơn mức bình quân của cả nước; kết quả giải ngân vốn đầu tư công thấp; tiến độ triển khai một số dự án, công trình chưa đạt yêu cầu do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư... Việc giá thuê đất cao hơn so với các địa phương lân cận và vị trí địa lý xa cảng biển cũng là một bất lợi trong việc thu hút đầu tư...
Trước thực tế trên cũng như xuất phát từ mục tiêu và nhu cầu tự thân của mình, thành phố Hà Nội đang quyết liệt triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trên tinh thần đồng hành, vì doanh nghiệp; nâng cao trách nhiệm của các cấp, ngành và từng vị trí công việc trong giải quyết nhiệm vụ được giao. Đó là cách khơi dậy, phát huy tối đa các nguồn lực hướng tới mục tiêu tăng trưởng ở mức cao nhất.
Theo Trưởng ban Cố vấn (Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội) Trịnh Thị Ngân, doanh nghiệp luôn cần sự hỗ trợ kịp thời, hiệu quả từ cơ quan chức năng. Trong đó, việc thực thi các quy định, chính sách là rất quan trọng để có tác dụng đích thực đối với sự vận hành của doanh nghiệp. Cải cách hành chính kết hợp giãn, hoãn, giảm mức các loại thuế, phí; tạo cơ chế bình đẳng, trao cơ hội cho doanh nghiệp... là những điều kiện quan trọng thúc đẩy sự phát triển.
Một số chuyên gia cũng bày tỏ ấn tượng khi bức tranh khởi nghiệp trên địa bàn Hà Nội đã sáng hơn, số doanh nghiệp đăng ký thành lập và trở lại hoạt động cao hơn số đơn vị rút lui khỏi thị trường. Đó là dấu hiệu đáng mừng, là yếu tố tạo ra tăng trưởng kinh tế, nhưng cũng gợi nhắc cơ quan chức năng cần hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả, thực chất hơn, để có được một cộng đồng doanh nghiệp phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng lưu ý việc tận dụng các diễn biến có lợi, cơ hội sản xuất, kinh doanh. Tin tưởng nắm bắt được các cơ hội đó, có 77,4% doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo đánh giá tình hình sản xuất, kinh doanh trong quý II-2024 ở mức ổn định và tốt hơn so với quý I; 82,2% doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất, kinh doanh sẽ ổn định và tốt hơn trong quý III-2024.
Thúc đẩy tiêu dùng nội địa trong nửa cuối năm 2024
Để thúc đẩy GRDP trong nửa chặng đường còn lại, Hà Nội sẽ phải thực hiện nhiều biện pháp thúc đẩy tiêu dùng nội địa, yếu tố chiếm tỷ trọng lớn trong tăng trưởng. Với lợi thế mật độ dân cư lớn, người dân có thu nhập cao, thành phố cần đẩy mạnh tổ chức hội chợ, các hoạt động khuyến mại, kích cầu tiêu dùng. Tuy nhiên, cách tổ chức cần thay đổi, không phải là mang hàng ế thừa ra bán rẻ mà phải giới thiệu các mặt hàng mới, chất lượng tốt, giá thành phù hợp.
Xem xét đầu vào của nền kinh tế, đặc biệt là đầu tư công của Hà Nội trong thời gian qua có nhiều chuyển động nhưng chưa được như mong muốn. Do đó, thành phố cần tiếp tục tập trung, quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công, tập trung vào các dự án, công trình trọng điểm và các dự án được giao kế hoạch vốn năm 2024 lớn. Bên cạnh đó, hoạt động xúc tiến thương mại cần được đẩy mạnh để giúp doanh nghiệp tìm các đối tác xuất khẩu hàng hóa.
Gỡ khó cho doanh nghiệp
Trong bối cảnh tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, tăng trưởng GRDP của thành phố đã thể hiện nỗ lực lớn của các cấp, ngành cũng như cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, cần khẳng định, doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội vẫn đối diện với nhiều khó khăn như thủ tục cấp phép đầu tư, xây dựng; sự cạnh tranh trong và ngoài nước ngày một lớn, khó tiếp cận vốn vay; còn hạn chế nhất định về thủ tục cấp giấy chứng nhận sử dụng đất, cấp phép đầu tư, xây dựng liên quan đến lĩnh vực tài nguyên - môi trường.
Để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố sẽ tiếp tục phát huy vai trò tập hợp, giúp đỡ doanh nghiệp nhỏ và vừa; trong đó tập trung vào một số hoạt động do thành phố và Trung ương giao như cụ thể hóa các giải pháp, chương trình, đặc biệt là Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017; đẩy mạnh đối thoại với cơ quan quản lý để tháo gỡ khó, các thủ tục về thuế, hải quan, cấp phép chứng nhận đầu tư…
Thích ứng với khó khăn
Chuỗi cung ứng thực phẩm của Công ty cổ phần thương mại Chế biến thực phẩm sạch Từ Tâm những năm qua và trong nửa đầu năm nay vẫn thu hút lượng khách hàng ổn định. Điều này cũng bắt nguồn từ môi trường kinh doanh tại thành phố luôn tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển ổn định.
Trong thời gian tới, công ty sẽ chuyển hướng sản xuất để phù hợp với bối cảnh hiện nay. Bên cạnh các sản phẩm bao gói sẵn đưa vào tiêu thụ trong các siêu thị, công ty sản xuất thêm các món nóng, sản phẩm phục vụ bữa ăn tiện dụng có giá cả bình dân, được bán trực tiếp tại hệ thống cửa hàng phục vụ nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng. Chỉ có linh hoạt thay đổi, công ty mới có thể bảo đảm thu nhập cho công nhân, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh và hy vọng sớm vượt qua những thách thức hiện nay. Qua đó, đóng góp một phần vào sự tăng trưởng chung của kinh tế Thủ đô trong nửa cuối năm 2024 cũng như cả năm 2024 và các năm sau.
Khánh An ghi