Bộ Tài chính đề xuất nhiều giải pháp để giải ngân vốn vay nước ngoài của địa phương

Bộ Tài chính cho biết, kế hoạch vốn đầu tư trong nước và nguồn vốn đầu tư từ vốn vay nước ngoài được giao cho các địa phương năm 2024 thấp hơn năm 2023 nhưng các địa phương cũng không phân bổ hết kế hoạch vốn cho các dự án.

Thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) là 1 trong 2 đô thị vùng Bắc Trung Bộ sẽ được đầu tư nâng cấp hạ tầng đô thị từ nguồn vốn vay nước ngoài. Ảnh: ST

Thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) là 1 trong 2 đô thị vùng Bắc Trung Bộ sẽ được đầu tư nâng cấp hạ tầng đô thị từ nguồn vốn vay nước ngoài. Ảnh: ST

Đến ngày 30/11 mới phân bổ được 93,7% kế hoạch vốn đầu tư công của ngân sách trung ương và 79,28% kế hoạch vốn địa phương vay lại chủ yếu do dự án đã kết thúc, không còn nhu cầu giải ngân hoặc dự án chưa hoàn thành các thủ tục điều chỉnh nên chưa có cơ sở phân bổ kế hoạch vốn. Có 06/53 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt trên 60%, nhưng vẫn còn 05/53 địa phương vẫn chưa giải ngân kế hoạch vốn 2024.

Đến ngày 30/11/2024, tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn vốn vay nước ngoài (tính chung cả vốn cấp phát của trung ương và vốn địa phương vay lại) đạt cao hơn cùng kỳ năm 2023 (30,3% so với 24,89%). Tuy nhiên, kết quả giải ngân này vẫn khá thấp so với yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ đặt ra.

Nguyên nhân giải ngân chậm do vướng mắc về giải phóng mặt bằng; vướng mắc trong khâu đấu thầu hoặc hợp đồng thương mại; chậm tiến hành công tác nghiệm thu, thanh toán hoặc do thiếu kế hoạch vốn (cả cấp phát và vay lại); tình trạng các địa phương tiếp tục chậm giải ngân vốn vay nước ngoài còn do nhiều dự án (22% số dự án đang giải ngân) phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án, gia hạn giải ngân, gia hạn thời gian thực hiện, đề nghị sử dụng vốn dư.

Trước thực trạng trên, Bộ Tài chính đã đề xuất một số giải pháp để phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân cao đối với nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài được Thủ tướng Chính phủ giao năm 2024 đối với các địa phương.

Theo đó, Bộ Tài chính rút ngắn tối đa thời gian xử lý đơn rút vốn (trong vòng 01 ngày làm việc đối với rút vốn trực tiếp và tạm ứng); Trực tiếp làm việc với các ban quản lý dự án, các địa phương để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải ngân; Tiếp tục trao đổi với các nhà tài trợ nhằm tháo gỡ các vướng mắc về phía nhà tài trợ như rút ngắn thời gian và đơn giản hóa thủ tục cho ý kiến không phản đối.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Hỗ trợ các địa phương đẩy nhanh tiến độ, thủ tục trong việc gia hạn thời gian bố trí vốn để tránh làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân của dự án; Nhanh chóng thực hiện các thủ tục bổ sung kế hoạch vốn trung hạn, kế hoạch vốn cấp phát cho các địa phương để hoàn thành thủ tục và đủ điều kiện được bố trí vốn bổ sung.

Về việc lập và phân bổ kế hoạch vốn, các địa phương cần khẩn trương thực hiện việc giao kế hoạch vốn và nhập Tabmis ngay sau khi được cấp có thẩm quyền bổ sung kế hoạch vốn (bao gồm cả cấp phát và vay lại).

Các Ban quản lý dự án chuẩn bị sẵn sàng hồ sơ để giải ngân ngay sau khi được giao bổ sung kế hoạch vốn; khẩn trương báo cáo hoàn chứng từ chi tiêu từ tài khoản tạm ứng, đảm bảo thời hạn theo quy định.

Đối với chương trình/dự án cần điều chỉnh chủ trương đầu tư, ngay sau khi có phê duyệt/quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư của cấp có thẩm quyền, các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính để điều chỉnh thời hạn giải ngân, điều chỉnh phân bổ vốn theo các hiệp định vay đã ký (nếu có).

Đối với các dự án có vướng mắc trong công tác chuẩn bị đầu tư và triển khai dự án, các địa phương, Ban quản lý dự án có trách nhiệm khẩn trương hoàn tất các thủ tục về đầu tư, xây dựng, về di dân tái định cư, giải phóng mặt bằng để triển khai thực hiện dự án; hoàn thiện các thiết kế kỹ thuật, giải quyết các khó khăn vướng mắc trong việc đấu thầu hợp đồng; sớm xử lý các vướng mắc phát sinh trong từng khâu thực hiện dự án./.

THÙY ANH

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/bo-tai-chinh-de-xuat-nhieu-giai-phap-de-giai-ngan-von-vay-nuoc-ngoai-cua-dia-phuong-36783.html