Bộ Tài chính đề xuất trái phiếu đã phát hành còn dư nợ được gia hạn tối đa 2 năm
Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 65 vừa trình Chính phủ, Bộ Tài chính đề xuất loạt giải pháp mới để vực dậy thị trường trái phiếu.
Ngày 13/12, Bộ Tài chính cho biết đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 65/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 153/2020 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu ra thị trường quốc tế.
Cụ thể, theo Bộ Tài chính, Nghị định 65 quy định đối với TPDN đã phát hành trước khi Nghị định này có hiệu lực thi hành và còn dư nợ thì doanh nghiệp không được thay đổi kỳ hạn của trái phiếu đã phát hành.
Tuy nhiên, hiện nay thị trường tài chính, tiền tệ gặp khó khăn về thanh khoản, doanh nghiệp khó phát hành trái phiếu mới trong khi lại có áp lực trả nợ đối với các trái phiếu đáo hạn năm 2023 - 2024 nên để hỗ trợ doanh nghiệp có khả năng huy động vốn để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh và cơ cấu lại khoản nợ, Bộ Tài chính trình Chính phủ bổ sung quy định cho phép các trái phiếu đã phát hành trước đây còn dư nợ thì được gia hạn với thời gian tối đa 2 năm.
Việc gia hạn này, theo Bộ Tài chính, về mặt tổng thể thị trường sẽ giúp phân tán khối lượng trái phiếu đáo hạn đạt đỉnh trong năm 2023 - 2024 (doanh nghiệp gặp khó khăn về thanh toán thì có thể thỏa thuận với nhà đầu tư để gia hạn sang 2025 - 2026 để qua giai đoạn đỉnh nợ).
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng trình Chính phủ bổ sung quy định doanh nghiệp có thể chuyển đổi trái phiếu thành khoản vay hoặc tài sản khác để thanh toán gốc, lãi trái phiếu theo quy định của pháp luật dân sự và pháp luật liên quan. Việc chuyển đổi phụ thuộc vào thỏa thuận giữa doanh nghiệp và nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu trên cơ sở các cam kết, điều kiện mà doanh nghiệp phát hành đưa ra với từng đối tượng nhà đầu tư.
Đáng chú ý, bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng trình Chính phủ hoãn thực hiện quy định tại Nghị định 65 về xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp trong vòng 1 năm.
Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đề xuất giãn thời gian thực hiện trong vòng 1 năm đối với quy định yêu cầu xếp hạng tín nhiệm bắt buộc tại Nghị định 65 (đối với trái phiếu chào bán ra công chúng, doanh nghiệp phát hành vẫn phải xếp hạng tín nhiệm từ đầu năm sau).
Số liệu mới công bố của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho thấy, trong tháng 11/2022, có 5 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ được ghi nhận với giá trị 1.934,7 tỷ đồng.
Tính từ đầu năm đến hết tháng 11/2022, có tổng cộng 2 đợt phát hành ra quốc tế của Công ty CP Tập đoàn VinGroup trị giá 625 triệu USD, 23 đợt phát hành ra công chúng với giá trị 10.599 tỷ đồng (chiếm 4% tổng giá trị phát hành) và 420 đợt phát hành riêng lẻ trị giá xấp xỉ 242.865 tỷ đồng (chiếm 96% tổng giá trị phát hành).
Như vậy, từ đầu năm đến nay, giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng giảm 60% so với cùng kỳ năm trước và giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ giảm 56%.
Nhóm ngân hàng hiện vẫn dẫn đầu về giá trị phát hành với tổng giá trị đạt 136.371 tỷ đồng, tương đương 53,8% tổng giá trị phát hành. Tiếp theo là nhóm bất động sản với 51.829 tỷ đồng, chiếm khoảng 20,4%.
Liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp, trong buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2022, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện đang gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ.
Các khó khăn này biểu hiện qua việc khối lượng phát hành trái phiếu thời gian qua có xu hướng giảm, trong khi hiện tượng mua lại trái phiếu trước hạn cũng có xu hướng gia tăng.
Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cũng thừa nhận rằng niềm tin của thị trường giảm sút bởi một số vụ việc vi phạm từ doanh nghiệp phát hành và các tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội.
Để ổn định và phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, trong đó có việc đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các nhà đầu tư, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nêu một số giải pháp mà Bộ Tài chính đang đề xuất như: trình Chính phủ xem xét giải quyết các vướng mắc pháp lý theo chỉ đạo của Thủ tướng ngay trong tháng 12 (trong đó có thể sửa đổi, bổ sung ngay cả Nghị định 165 vừa ban hành).
Yêu cầu các doanh nghiệp phải ưu tiên sử dụng mọi nguồn lực của doanh nghiệp để thực hiện đúng cam kết với các nhà đầu tư. Trường hợp có khó khăn khi thanh toán gốc, lãi trái phiếu thì cần có phương án thỏa thuận với các nhà đầu tư, trách nhiệm phải thực hiện bằng mọi cách, bằng mọi giá, hết khả năng của mình.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải tuân thủ chế độ công bố thông tin theo quy định, chủ động cung cấp thông tin của doanh nghiệp cho các nhà đầu tư. Nếu doanh nghiệp nào vi phạm pháp luật thì các cơ quan quản lý nhà nước sẽ xử lý nghiêm, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các nhà đầu tư trong bất kỳ hoàn cảnh nào...
Mới đây, Chính phủ cũng đã thành lập 3 tổ công tác, gồm: Tổ công tác liên quan đến thanh khoản tín dụng do Phó thủ tướng Lê Minh Khái làm Tổ trưởng; Tổ công tác liên quan đến xử lý khó khăn với thị trường bất động sản do Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị làm Tổ trưởng; Tổ công tác để xử lý các vấn đề liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp do Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc làm Tổ trưởng.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, tình hình đang ổn định trở lại, tâm lý thị trường, niềm tin thị trường đang được tăng cường, củng cố. Các vấn đề đột xuất, phức tạp diễn ra được xử lý bình tĩnh, chắc chắn, mang lại hiệu quả.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp tuy còn rất nhiều khó khăn nhưng đã định hình được các công việc để cùng làm với doanh nghiệp và nhà đầu tư với tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ". Các cơ quan cũng làm việc với các doanh nghiệp bất động sản để lắng nghe các kiến nghị.