Bộ Tài chính Đức: Có thể vay thêm khoản nợ mới để thúc đẩy kinh tế
Theo Bộ trưởng Tài chính Đức, kinh tế nước này đang có những dấu hiệu dần phục hồi và có thể trở lại quy mô trước khủng hoảng thậm chí vào trước năm 2022, nếu sự phục hồi được hỗ trợ đúng hướng.
Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz cho biết nền kinh tế Đức đang dần phục hồi sau cú sốc do đại dịch COVID-19 gây ra và sẽ đạt quy mô trước khủng hoảng chậm nhất là vào đầu năm 2022.
Đại dịch COVID-19 đã đẩy nền kinh tế lớn nhất châu Âu vào cuộc suy thoái nghiêm trọng nhất trong nửa đầu năm nay. Berlin đã tung ra một loạt biện pháp giải cứu và kích thích chưa từng có thông qua các khoản vay mới lên tới mức kỷ lục khoảng 218 tỷ euro nhằm giúp các doanh nghiệp và người tiêu dùng sớm thoát khỏi khủng hoảng.
Theo Bộ trưởng Scholz, kinh tế Đức đang có những dấu hiệu dần phục hồi và có thể trở lại quy mô trước khủng hoảng thậm chí vào trước năm 2022, nếu sự phục hồi được hỗ trợ đúng hướng.
Đây là lý do khiến Đức có thể tiếp tục vay thêm một khoản nợ mới trong năm tới để thúc đẩy đà phục hồi, với khoản nợ ròng mới lên tới 80 tỷ euro.
Bộ trưởng Scholz cũng cho rằng Berlin cần một khoản vay bổ sung đáng kể trong năm tới để đảm bảo những thành quả đã đạt được, song không cho biết con số chính xác.
Với việc phải vay thêm nợ mới, Đức có thể một lần nữa phải đình chỉ mức nợ trần theo Hiến pháp sau khi đã được nới lỏng trong năm nay.
Ông Scholz nhấn mạnh mục tiêu của Đức là theo đuổi chính sách tài khóa trong khuôn khổ Hiến pháp từ năm 2022, do vậy cần phải nỗ lực hết sức để phục hồi và ổn định nền kinh tế trong năm nay và năm tới.
Dự kiến, Bộ Tài chính sẽ cập nhật doanh thu thuế trong tuần tới làm cơ sở cho đề xuất ngân sách của Chính phủ liên bang cho năm 2021.
Hồi đầu tháng 9/2020, Chính phủ Đức nhận định suy thoái kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra sẽ không nghiêm trọng như nhận định trước đây, mà chỉ tương đương khủng hoảng tài chính hơn một thập kỷ trước.
Theo Bộ Kinh tế Đức, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong năm nay có thể chỉ giảm 5,8%, thấp hơn mức dự báo giảm 6,3% đưa ra hồi tháng Tư và gần như tương đương mức giảm 5,7% ghi nhận trong năm 2009, thời điểm xảy ra khủng hoảng tài chính.
Tuy nhiên, nhận định về tăng trưởng GDP trong năm 2021 lại ít lạc quan hơn so với dự báo trước đó. Các chuyên gia kinh tế của Chính phủ Đức đánh giá kinh tế Đức đang có xu hướng phục hồi theo hình chữ V, tức là tiếp theo sự sụt giảm sẽ là tăng mạnh trở lại, nhưng dự báo tăng trưởng năm 2021 có thể chỉ đạt 4,4%, thấp hơn nhiều so với dự báo 5,2% được đưa ra từ mùa Xuân./.