Bộ Tài chính giải trình việc nâng ngưỡng chịu thuế

Mức đề xuất doanh thu từ 100-150 triệu đồng/năm căn cứ vào chỉ số lạm phát và tình hình thực tế, nếu chỉ căn cứ vào chỉ số lạm phát thì ngưỡng doanh thu tính thuế là khoảng 130 triệu đồng.

Bộ Tài chính vừa tổng hợp các góp ý, kiến nghị, giải trình và hoàn thiện dự thảo Luật thuế giá trị gia tăng (GTGT) sửa đổi trình Bộ Tư pháp thẩm định.

Nhiều ý kiến góp ý về ngưỡng chịu thuế

Trong đó, khoản 25 điều 5 của dự thảo Luật: Hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hàng năm từ 150 triệu đồng trở xuống không phải chịu thuế.

Hội tư vấn thuế Việt Nam đề nghị điều chỉnh tăng ngưỡng doanh thu không chịu thuế GTGT lên thành 200 triệu đồng để phù hợp với Luật thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và mức chuẩn nghèo tại Nghị định 07/2021/NĐ-CP.

Thành phố Cần Thơ thì đề nghị doanh thu 350.000.000 đồng/năm trở xuống thuộc đối tượng miễn thuế GTGT.

Trong khi đó, Cục thuế TP.HCM góp ý, mức doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT của hộ, cá nhân kinh doanh thì không quy định giá trị cố định mà được xác định tương ứng mức giảm trừ gia cảnh bản thân và một người phụ thuộc để phù hợp với quy định giảm trừ gia cảnh theo Luật thuế TNCN.

Thanh tra Chính phủ, đề nghị rà soát mức doanh thu của hộ, cá nhân kinh doanh thuộc đối tượng không chịu thuế cần đảm bảo linh hoạt, phù hợp với tình hình kinh tế xã hội từng giai đoạn.

Còn tỉnh Quảng Ngãi thì góp ý đưa đối tượng hộ cá nhân có doanh thu dưới ngưỡng thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT sang nội dung đối tượng miễn (giảm) thuế.

 Nhiều góp ý các Bộ ngành địa phương nâng mức doanh thu của cá nhân, hộ kinh doanh từ 200-350 triệu đồng mới chịu thuế GTGT. ẢNH: TÚ UYÊN

Nhiều góp ý các Bộ ngành địa phương nâng mức doanh thu của cá nhân, hộ kinh doanh từ 200-350 triệu đồng mới chịu thuế GTGT. ẢNH: TÚ UYÊN

Đề nghị giữ như mức đề xuất tại dự thảo Luật

Trả lời các góp ý trên, Bộ Tài chính cho biết luật thuế GTGT không có điều khoản quy định về miễn, giảm thuế. Do vậy, đề nghị giữ nguyên dự thảo Luật.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật đề xuất nâng mức doanh thu của hộ, cá nhân kinh doanh từ 100 triệu lên 150 triệu đồng. Mức đề xuất này căn cứ vào chỉ số lạm phát và tình hình thực tế. Nếu căn cứ vào chỉ số lạm phát thì ngưỡng doanh thu tính thuế chỉ khoảng 130 triệu đồng.

Tuy nhiên, để hỗ trợ hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, Bộ Tài chính đã đề xuất nâng lên mức 150 triệu đồng.

Việc nâng mức giảm thuế đối với hộ kinh doanh lên 200- 350 triệu đồng sẽ ảnh hưởng đến số thu ngân sách nhà nước tại địa phương, nhất là những địa phương có số thu thấp.

Hơn nữa, quy định này sẽ không khuyến khích các hộ, cá nhân kinh doanh chuyển sang doanh nghiệp (doanh nghiệp cứ phát sinh doanh thu là phải nộp thuế GTGT). Theo đó, đề nghị giữ như mức đề xuất tại dự thảo Luật.

Vì sao hàng hóa từ thiện không được hưởng thuế 0% như hàng nhập khẩu?

Cục thuế TP.HCM góp ý đối với quy định “Hàng hóa nhập khẩu ủng hộ, tài trợ cho phòng chống thiên tai, thảm họa dịch bệnh, chiến tranh theo quy định của Chính phủ không phải chịu thuế” cơ bản thống nhất với dự thảo Luật.

Tuy nhiên, nhằm khuyến khích sử dụng sản phẩm sản xuất trong nước để ủng hộ, tài trợ cho phòng chống thiên tai, thảm họa dịch bệnh, chiến tranh, Cục Thuế TP.HCM kiến nghị áp dụng thống nhất chung đối tượng không chịu thuế đối với sản phẩm này, không phân biệt hàng nhập khẩu hay hàng nội địa nhưng phải bổ sung văn bản cam kết mua để ủng hộ, tài trợ.

Theo Bộ Tài chính, lý do không áp dụng đối tượng không chịu thuế GTGT đối với hàng hóa mua trong nước để ủng hộ, tài trợ khắc phục hậu quả thiên tai là do phát sinh rủi ro cho bên bán hàng khi xuất hóa đơn không chịu thuế GTGT nhưng sau đó cơ quan quản lý thuế thực hiện truy thu thuế GTGT nếu bên mua không thực hiện đúng mục đích tài trợ như cam kết.

Hàng bán trong nước khó xác định được mục đích sử dụng của bên mua; bên bán hàng phải thực hiện phân bổ thuế GTGT đầu vào được khấu trừ nên số thuế này sẽ tính vào giá của hàng bán.

TÚ UYÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/bo-tai-chinh-giai-trinh-viec-nang-nguong-chiu-thue-post778971.html