Bộ Tài chính không đồng tình lùi thời hạn nâng thuế xuất khẩu 10% với clinker
Bộ Tài chính trình Chính phủ không lùi thời hạn áp dụng mức thuế suất 10% đối với clinker như kiến nghị của các hiệp hội đẻ tiếp tục thể chế hóa các mục tiêu về quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản.
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 26 về biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi, danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan.
Theo đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu kiến nghị của các Hội, Hiệp hội khối sản xuất và cung ứng vật liệu xây dựng về lùi thời hạn nâng thuế xuất khẩu clinker từ 5% lên 10% đến hết năm 2024.
Phản hồi về vấn đề này, Bộ Tài chính trình Chính phủ không lùi thời hạn áp dụng mức thuế suất 10% đối với mặt hàng clinker như kiến nghị của các Hội, Hiệp hội để tiếp tục thể chế hóa các chủ trương về quản lý, khai thác tài nguyên khoáng sản.
Bộ Tài chính cho hay, clinker là nguyên liệu quan trọng để sản xuất ra xi măng. Việc tăng mức thuế suất thuế xuất khẩu với clinker từ 5% lên 10%, áp dụng từ ngày 1/1/2023 nhằm hạn chế xuất khẩu tải nguyên, khoáng sản thô chưa qua chế biến.
Mặt khác, clinker được sản xuất chủ yếu từ tài nguyên khoáng sản không tái tạo. Quá trình sản xuất clinker trong nước chủ yếu dựa trên việc khai thác, sử dụng tài nguyên không tái tạo, nếu tăng xuất khẩu sẽ làm cạn kiệt tài nguyên.
Do đó, việc điều chỉnh tăng thuế suất thuế xuất khẩu đối với mặt hàng clinker góp phần thúc đẩy việc sử dụng hiệu quả tài nguyên không tái tạo trong nước.
Để tránh ảnh hưởng đến các doanh nghiệp sản xuất clinker, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thời gian điều chỉnh phương án sản xuất kinh doanh, thời gian áp dụng mức thuế suất thuế xuất khẩu 10% từ ngày 1/1/2023, thay vì áp dụng từ ngày nghị định có hiệu lực vào ngày 30/12/2021.
Như vậy, các doanh nghiệp sản xuất clinker đã có 1 năm để điều chỉnh phương án sản xuất kinh doanh và chuẩn bị cho sự thay đổi của chính sách thuế, xử lý hàng tồn kho.
Ngoài ra, để hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã, đề xuất, trình các cấp có thẩm quyền ban hành các giải pháp về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất. Các doanh nghiệp sản xuất xi măng, clinker cũng là đối tượng được thụ hưởng trực tiếp và gián tiếp các chính sách hỗ trợ này.
Năm 2021, tổng sản lượng tiêu thụ xi măng và clinker của Việt Nam là 108,4 triệu tấn, tăng 8,26% so với sản lượng tiêu thụ của năm 2019. Trong đó, tiêu thụ nội địa 62,7 triệu tấn, tăng 0,95%, xuất khẩu 45,7 triệu tấn.
Đáng nói là, trong tổng lượng xuất khẩu 45,7 triệu tấn, thì xi măng chỉ có 16,8 triệu tấn, còn lại gần 29 triệu tấn là clinker, tỷ trọng vẫn rất lớn.
Năm 2022, xuất khẩu toàn ngành xi măng đạt trên 31 triệu tấn, giảm gần 15 triệu tấn so với nắm trước, tổng trị giá ngoại tệ thu về từ xuất khẩu xi măng, clinker trong năm 2022 chỉ đạt 1,36 tỷ USD, giảm 398 triệu USD so với 2021, cơ cấu xúat khẩu clinker vẫn là chủ đạo.
Xuất khẩu xi măng, clinker giải quyết được bài toán dư cung, nhưng đi kèm mặt trái là càng xuất nhiều, thì càng gây thâm hụt về tài nguyên, năng lượng và những tác động tới môi trường.