Bộ Tài chính lấy ý kiến về những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung Luật Kế toán
Ngày 5/5/2023, tại Hà Nội, Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tổ chức Hội thảo về những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung Luật Kế toán.
Tham dự hội thảo có hơn 150 đại biểu đến từ Ngân hàng Nhà nước, Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán - Bộ Tài chính, một số đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính, các ngân hàng thương mại, các doanh nghiệp bảo hiểm, các công ty chứng khoán...
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Vũ Đức Chính – Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán cho biết, Luật Kế toán số 88/2015/QH13 được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 20/11/2015, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2017.
Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán - Bộ Tài chính Vũ Đức Chính phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Đức Minh
Bộ Tài chính đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan thực hiện các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về kế toán đến các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có liên quan bằng nhiều hình thức như: tổ chức hội nghị, hội thảo phổ biến văn bản quy phạm pháp luật; đăng tải bài viết trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Bộ Tài chính cũng chủ động theo dõi quá trình triển khai thi hành Luật Kế toán, kịp thời phát hiện và tiếp nhận ý kiến phản ánh từ các đơn vị kế toán để có hướng dẫn khắc phục, giải đáp vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn thi hành luật.
Những hoạt động trên đã giúp cho Luật Kế toán nhanh chóng phát huy tác dụng, đi vào cuộc sống, góp phần thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực kế toán Việt Nam nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung.
Ông Vũ Đức Chính cho biết, thực hiện các nội dung của Chiến lược kế toán, kiểm toán đến năm 2030, Bộ Tài chính đã xây dựng báo cáo đánh giá tình hình triển khai Luật Kế toán 2015. Trong đó, Bộ Tài chính đã nhấn mạnh tới công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức triển khai thực hiện Luật, đánh giá kết quả chủ yếu trong thi hành Luật Kế toán, những vấn đề phát sinh, vướng mắc trong quá trình triển khai luật.
Thực tế cho thấy, trong quá trình thực hiện Luật Kế toán 2015, Bộ Tài chính nhận thấy có một số hạn chế, bất cập, như: môi trường hoạt động liên quan đến kế toán ở Việt Nam luôn có nhiều biến đổi; cách mạng công nghiệp cùng với yêu cầu của quá trình số hóa, nhất là quá trình chuyển đổi số, dẫn đến các quy định về kế toán trong Luật Kế toán hiện hành chưa theo kịp thực tế; quá trình số hóa và chuyển đổi số, hiện đại hóa công nghệ thông tin trong lĩnh vực kế toán không chỉ đòi hỏi việc ứng dụng tại các đơn vị kế toán, mà còn phải sửa đổi, bổ sung các quy định pháp lý về kế toán phù hợp với môi trường điện tử; một số quy định về nội dung công tác kế toán, từ khâu chứng từ, tài khoản, sổ kế toán, báo cáo tài chính, báo cáo quản trị cần được rà soát, đánh giá để quy định phù hợp; các quy định về đơn vị kế toán, tổ chức bộ máy kế toán, tiêu chuẩn điều kiện của người làm kế toán, tiêu chuẩn điều kiện của kế toán trưởng đã phát sinh vướng mắc trong thực tế.
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Đức Minh
Ông Vũ Đức Chính cho biết, hội thảo được tổ chức nhằm trao đổi, lắng nghe các ý kiến tham gia góp ý trực tiếp của các chuyên gia đến từ Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng thương mại, một số doanh nghiệp và tổ chức khác về những vướng mắc, bất cập được phát hiện qua thực tế triển khai Luật Kế toán năm 2015.
Trên tinh thần khoa học và tôn trọng kinh nghiệm thực tiễn, ông Vũ Đức Chính đề nghị các đại biểu chia sẻ ý kiến, trao đổi, thảo luận từ các góc nhìn khác nhau về những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung Luật Kế toán, trong đó tập trung thảo luận một số vấn đề chủ yếu gồm: thu thập thông tin đầu vào của hệ thống kế toán, xử lý thông tin, dữ liệu kế toán; chữ ký trên chứng từ kế toán; chứng từ điện tử và lưu trữ tài liệu kế toán…
Tại hội thảo, các đại biểu cùng tập trung thảo luận nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến chủ đề hội thảo: hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để đảm bảo tránh xung đột giữa Chuẩn mực kế toán và các cơ chế, chính sách; rà soát các quy định để phù hợp với quá trình số hóa và chuyển đổi số trong kế toán...; khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Luật Kế toán về chữ ký số, chữ ký điện tử; một số vấn đề trong quá trình thực hiện các quy định về chứng từ kế toán tại các tổ chức tín dụng.