Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất đánh thuế với giao dịch vàng

Trả lời câu hỏi của báo giới về việc quản lý thuế với hoạt động kinh doanh vàng chiều 18/6, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho biết: Giống như nhiều ngành nghề khác, hoạt động kinh doanh vàng chịu sự quản lý của cơ quan Nhà nước, trong đó có cơ quan thuế.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi chủ trì cuộc họp báo quý II/2024, diễn ra chiều 18/6.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi chủ trì cuộc họp báo quý II/2024, diễn ra chiều 18/6.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh, thời gian qua, việc áp dụng hóa đơn điện tử đối với mua bán vàng đã được ngành Thuế triển khai quyết liệt, nhằm đẩy mạnh thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc kiểm soát xuất hóa đơn điện tử trong các giao dịch mua, bán vàng.

Cụ thể, đã rà soát các cơ sở kinh doanh vàng đủ điều kiện để áp dụng giải pháp hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền; khuyến khích người tiêu dùng lấy hóa đơn khi mua hàng hóa, dịch vụ thông qua Chương trình hóa đơn may mắn của ngành Thuế; phối hợp với các cơ quan, ban ngành địa phương trong việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các cơ sở kinh doanh bán hàng hóa dịch vụ nhưng không xuất hóa đơn điện tử, trong đó có các cơ sở kinh doanh vàng... Đến nay, 100% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh kinh doanh vàng bạc đã sử dụng hóa đơn điện tử.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh trả lời câu hỏi của báo giới.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh trả lời câu hỏi của báo giới.

"Để tăng cường quản lý thuế, Bộ Tài chính đề xuất thanh toán không dùng tiền mặt đối với hoạt động mua bán vàng", Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết.

Cũng tại buổi họp báo, liên quan đến việc các chuyên gia đề xuất đánh thuế với giao dịch vàng nhằm giảm bớt nhu cầu của một số bộ phận nhà đầu tư và thị trường, đặc biệt mục đích đầu cơ, thao túng giá, đặc biệt khi mà hiện nay các lĩnh vực đầu tư như chứng khoán, bất động sản đang chịu thuế thu nhập cá nhân, nhưng giao dịch vàng thì chưa. Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, Bộ Tài chính tiếp thu đề xuất trên và có đánh giá cụ thể trên tất cả các mặt, trong đó đánh giá về tác động và tính khả thi khi đánh thuế với giao dịch vàng.

"Việc đánh thuế với giao dịch vàng không chỉ tác động trực tiếp lên các đối tượng giao dịch mà còn nhiều mặt khác. Do đó, Bộ Tài chính sẽ có đánh giá kỹ lưỡng, báo cáo cấp có thẩm quyền", Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết.

Trao đổi với phóng viên báo Tin tức về vấn đề này, PGS TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng, thời gian qua, một số cá nhân đã có hiện tượng kinh doanh vàng và đã đến lúc cần phải đánh thuế vàng.

"Việc xuất hóa đơn điện tử không quá tốn kém và khó khăn như nhiều doanh nghiệp kinh doanh vàng từng chia sẻ. Nếu không kiên quyết và không biết cách tổ chức, các doanh nghiệp kinh doanh vàng sẽ lần lữa không chịu làm", PGS TS Đinh Trọng Thịnh cho biết.

Theo ông Đinh Trọng Thịnh, ở góc độ người dân, hiện nhiều người vẫn chưa có thói quen lấy hóa đơn điện tử khi mua hàng, trong đó có mua vàng. Muốn hình thành thói quen, các cơ quan ban ngành có thể triển khai các biện pháp khuyến khích người dân, chẳng hạn như giảm trừ với những người lấy hóa đơn điện tử.

“Khi áp dụng được hóa đơn điện tử như đối với kinh doanh xăng dầu, chắc chắn sẽ thu được thuế từ hoạt động mua bán để kiếm lời chênh lệch từ vàng”, PGS TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.

Trước đó, PGS TS Nguyễn Thị Mùi, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính tiền tệ Quốc gia cho rằng: Việc đánh thuế vào đầu tư vàng không chỉ đảm bảo sự bình đằng giữa các kênh đầu tư mà còn hàm chứa khía cạnh tạo điều kiện, là một trong những giải pháp để cho giá vàng, thị trường vàng từng bước ổn định.

"Vàng được coi như là một kênh đầu tư để kiếm lời, rõ ràng việc để đưa ra một mức thuế hợp lý là cần thiết. Làm sao để mức thuế đó tạo điều kiện: Thứ nhất là bình đẳng giữa các kênh đầu tư; thứ hai là tạo điều kiện cho thị trường phát triển ổn định, không bị các yếu tố đầu cơ chi phối; thứ ba là trong bối cảnh hiện nay, nhập khẩu vàng để sản xuất ra vàng trang sức hoặc là in dập ra vàng lá, vàng khối để bán kiếm lời. Rõ ràng trong trường hợp này phải có một chính sách thuế hợp lý để tạo điều kiện có đủ cung cũng như đáp ứng nhu cầu của người đầu tư hoặc người tiêu dùng. Trên cơ sở đó, thị trường vàng Việt Nam mới phát triển ổn định được”, PGS TS Nguyễn Thị Mùi đề xuất.

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã bán vàng miếng ra thị trường thông qua 4 ngân hàng thương mại Nhà nước là: Agribank, BIDV, VietinBank, Vietcombank và Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), nhằm mục tiêu hạ chênh lệch giá với thế giới. Giá vàng miếng bán ra cho người dân theo đó đã giảm dần qua từng phiên và hiện về gần 76,9 triệu đồng/lượng.

Trước lực mua lớn từ thị trường, một số ngân hàng đã quy định số lượng mua vàng của mỗi người. Hiện, cả 4 ngân hàng quốc doanh cũng chuyển từ bán trực tiếp sang cho khách hàng đăng ký mua vàng online, nhằm hạn chế tình trạng xếp hàng đông đúc.

Minh Phương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/bo-tai-chinh-nghien-cuu-de-xuat-danh-thue-voi-giao-dich-vang-20240618162404383.htm