Bộ Tài chính phản hồi về hoàn thuế VAT đối với gỗ, cao su
Đơn hàng tụt giảm mạnh, nguồn vốn eo hẹp, doanh nghiệp lại phải mòn mỏn chờ 'được' hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT). Khó khăn trong khâu hoàn thuế đã dẫn đến thực trạng một số doanh nghiệp phải dừng xuất khẩu, một số doanh nghiệp hoạt động cầm chừng.
Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, ước tính giá trị thuế VAT các doanh nghiệp sử dụng gỗ rừng trồng chưa được hoàn tính đến nay là 2.000 tỷ đồng. Nếu tình trạng khó khăn trong việc hoàn thuế VAT tiếp tục kéo dài, nhiều doanh nghiệp sẽ phải đóng cửa. Hệ lụy của điều này là chuỗi cung gỗ rừng trồng, bao gồm hàng triệu hộ gia đình trồng rừng sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực.
Tối 2/6, đại diện Bộ Tài chính cho biết: Đối với việc hoàn thuế VAT đối với mặt hàng gỗ và sản phẩm từ gỗ, tính từ ngày 1/1/2022 đến ngày 17/5/2023, số hồ sơ cơ quan thuế đã giải quyết hoàn là 61 hồ sơ, tương ứng số tiền đã được hoàn là 163,34 tỷ đồng. Số hồ sơ doanh nghiệp hủy đề nghị hoàn là 13 hồ sơ, tương ứng số tiền đề nghị hoàn 67,59 tỷ đồng do doanh nghiệp sau khi gửi hồ sơ đề nghị hoàn thì tự rà soát đối chiếu với quy định về hoàn thuế nhận thấy hồ sơ của doanh nghiệp bị thiếu, kê khai sai, cần điều chỉnh số liệu... cần thời gian để xem xét lại hồ sơ, sổ sách chứng từ.
“Số hồ sơ cơ quan thuế từ chối đề nghị hoàn là 3 hồ sơ, tương ứng số tiền đề nghị hoàn ở mức 2,71 tỷ đồng. Sau khi rà soát đối chiếu, cơ quan thuế phát hiện doanh nghiệp nộp hồ sơ thiếu, sai mẫu hồ sơ đề nghị hoàn, hồ sơ đề nghị hoàn không đủ thủ tục...”, đại diện Bộ Tài chính cho biết.
Số hồ sơ đề nghị hoàn chưa được cơ quan thuế giải quyết (chưa hoàn tính đến ngày 17/5/2023) là 28 hồ sơ, tương ứng số tiền đề nghị hoàn 110,33 tỷ đồng, tỷ lệ 45,9 % so với tổng số hồ sơ cơ quan thuế đã giải quyết hoàn (28/61 hồ sơ) do hồ sơ đang trong thời gian giải quyết theo quy định; doanh nghiệp đã được chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để điều tra, xác minh; do doanh nghiệp xin tạm dừng, hoãn thời gian kiểm tra; do doanh nghiệp chưa cung cấp đủ hồ sơ tài liệu số liệu, do đang chờ kết quả xác minh...
Trong quá trình giải quyết hồ sơ hoàn thuế, đối với các hồ sơ cần thực hiện xác minh thì cơ quan thuế chủ yếu xác minh đến doanh nghiệp trung gian bán hàng trực tiếp cho doanh nghiệp hoàn thuế (doanh nghiệp F1).
Cụ thể, trong 58 hồ sơ cơ quan thuế thực hiện xác minh các doanh nghiệp trung gian, có 50 hồ sơ xác minh đến doanh nghiệp trung gian F1 (chiếm tỷ lệ 86% trên tổng số hồ sơ thực hiện xác minh), 8 hồ sơ xác minh đến doanh nghiệp trung gian F2 (chiếm tỷ lệ 14% trên tổng số hồ sơ thực hiện xác minh.
Qua công tác xác minh phát hiện 48 doanh nghiệp trung gian bỏ địa chỉ kinh doanh, tạm dừng hoạt động, chuyển hồ sơ sang cơ quan công an, cụ thể có 30 doanh nghiệp F1 tạm dừng hoạt động, 13 doanh nghiệp F1 bỏ địa chỉ kinh doanh, 4 doanh nghiệp F2 tạm dừng hoạt động, 1 doanh nghiệp F2 bỏ địa chỉ kinh doanh.
Qua rà soát thông tin dữ liệu doanh nghiệp tại địa bàn Thành phố (TP) Hồ Chí Minh có 1.105 doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng gỗ và sản phẩm từ gỗ bỏ địa chỉ kinh doanh, tạm dừng hoạt động (994 doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh, 111 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động), chiếm tỷ lệ 14,5% so với số liệu cả nước. Đặc biệt trong những doanh nghiệp này, có 22 doanh nghiệp nằm trong vụ án đã khởi tố, điều tra về tội mua bán hóa đơn bất hợp pháp trong thời gian qua.
Đối với việc hoàn thuế VAT đối với mặt hàng cao su, đại diện Bộ Tài chính cho biết: Năm 2022 và 5 tháng đầu năm 2023 (tính đến ngày 17/5/2023), Cục Thuế TP Hồ Chí Minh chuyển hồ sơ của 3 doanh nghiệp trực tiếp đề nghị hoàn thuế VAT sang cơ quan công an để phối hợp điều tra, xác minh trong đó có 2 hồ sơ của doanh nghiệp hoàn thuế xuất khẩu đối với mặt hàng hàng cao su, nguyên nhân do doanh nghiệp mua hàng của doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế.
Luật sư Nguyễn Văn Tuấn - Giám đốc Hãng luật TGS cho biết: Pháp luật đã có những quy định khá rõ ràng về thủ tục, thời hạn hoàn thuế. Theo quy định hiện hành, cơ quan thuế sau khi nhận đủ hồ sơ của doanh nghiệp phải giải quyết trong vòng 6 ngày làm việc nếu thuộc trường hợp hoàn trước, kiểm sau; không quá 40 ngày đối với trường hợp kiểm trước, hoàn sau.
"Việc chậm hoàn thuế VAT, hoàn thuế không đúng với thời gian quy định như ở trên hiện nay đang ở mức cao, ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều doanh nghiệp, tạo ra thách thức rất lớn cho doanh nghiệp về dòng tiền. Thời gian quy định với trường hợp kiểm tra trước, hoàn thuế sau theo công bố là 40 ngày nhưng thời gian thực tế có thể lên tới nhiều tháng, thậm chí cả năm, làm đọng vốn với số tiền rất lớn của doanh nghiệp", luật sư Nguyễn Văn Tuấn cho biết.
Nhằm đẩy mạnh công tác hoàn thuế VAT để tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh cho người dân, doanh nghiệp. Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 470/CĐ-TTg ngày 26/5/2023; Tổng cục Thuế ban hành Công văn số 2099/TCT-KK ngày 26/5/2023 thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính về hoàn thuế GTGT.
Tại Công văn số 2099/TCT-KK ngày 26/5/2023, Tổng cục Thuế đã yêu cầu các đồng chí Cục trưởng Cục thuế khẩn trương thực hiện một số các công việc cụ thể nhằm đẩy mạnh công tác hoàn thuế VAT tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp đúng với tinh thần của Công điện 470/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Thời gian tới, Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) sẽ tiếp tục chỉ đạo cơ quan thuế các cấp khẩn trương có hướng dẫn, xử lý hoàn thuế VAT đối với các hồ sơ hoàn thuế đủ điều kiện hoàn thuế theo quy định của pháp luật. Đối với trường hợp không đủ điều kiện hoàn thuế hoặc có sai phạm cần xử lý theo đúng quy định và thông báo cho người nộp thuế đảm bảo công khai, minh bạch.
Trước đó, lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết: Mỗi năm Tổng cục Thuế được giao nhiệm vụ hoàn thuế khoảng 150.000 tỷ đồng. Việc hoàn thuế thời gian qua được thực hiện bình thường. Tuy nhiên, thời gian vừa qua có một số vướng mắc doanh nghiệp nêu liên quan đến hoàn thuế VAT đối với hoạt động xuất khẩu nói chung và xuất khẩu dăm gỗ nói riêng.
Theo đó, trong hoàn thuế hoạt động xuất khấu, xuất hiện tình trạng doanh nghiệp vi phạm trong vấn đề sử dụng hóa đơn đầu vào bất hợp pháp, nhằm hợp thức hóa hồ sơ hoàn thuế với giá trị rất lớn. Trước đó, năm 2021, Công an Phú Thọ phối hợp với cục thuế tỉnh lập chuyên án và phát hiện sự gian lận rất lớn về hoàn thuế trong xuất khẩu dăm gỗ. Chính từ thực tế này, việc hoàn thuế đối với hoạt động xuất khẩu cần có sự tăng cường giám sát.
Cũng theo lãnh đạo Tổng cục Thuế, dăm gỗ xuất khẩu thu gom từ các hộ trồng rừng là các cá nhân đơn lẻ, không nộp thuế, do đó, các doanh nghiệp hầu hết sử dụng các hóa đơn để hợp thức hóa đầu vào, dẫn đến các vụ án nêu trên.
Theo Tổng cục Thuế, tính chung trong năm 2022 và 5 tháng đầu năm 2023, cơ quan thuế chuyển hồ sơ của 9 doanh nghiệp trực tiếp đề nghị hoàn thuế VAT mặt hàng gỗ và sản phẩm làm từ gỗ, dăm gỗ, viên nén gỗ sang cơ quan công an để phối hợp điều tra, xác minh, chưa kể các doanh nghiệp trung gian bán hàng cho doanh nghiệp hoàn thuế nêu trên. Nguyên nhân do doanh nghiệp có dấu hiệu sử dụng hóa đơn khống để hoàn thuế, doanh nghiệp mua hàng của doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế…