Bộ Tài chính quán triệt và triển khai tích cực các chủ trương, chính sách về văn hóa công vụ
Trả lời phỏng vấn TBTCVN, TS. Nguyễn Minh Phong - chuyên gia kinh tế cho rằng, thời gian qua Bộ Tài chính đã làm tốt công tác duy trì kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ và luân chuyển, điều động cán bộ. Vị chuyên gia này cho rằng, trong thời gian tới, Bộ Tài chính cần tiếp tục nỗ lực, cụ thể hóa hơn nữa cho từng vị trí việc làm, từng yêu cầu trách nhiệm, từ đó sẽ mang lại hiệu quả như ý.
PV: Thưa ông, vừa qua Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính đã ban hành nghị quyết và Bộ trưởng Bộ Tài chính đã có chỉ thị liên quan đến tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ; luân chuyển, điều động và chuyển đổi vị trí công tác; kiểm soát quyền lực… Ông đánh giá như thế nào về động thái này của Bộ Tài chính?
TS. Nguyễn Minh Phong: Hiện nay các cơ quan, đơn vị từ trung ương đến địa phương, trong đó có Bộ Tài chính đang có phong trào rất mạnh trong tinh thần chung là quán triệt yêu cầu, nguyên tắc đổi mới phong cách, năng lực cũng như các quy trình, quy định trong thực thi quản lý công vụ các công chức, viên chức do mình phụ trách. Đây là một trong các hoạt động rất quan trọng, cụ thể hóa và làm sâu sắc hơn, mở rộng hơn, thể hiện sự nghiêm túc trong quán triệt chỉ đạo của Đảng, Chính phủ về cải cách hành chính, trong đó nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ của công chức, viên chức.
Về cơ bản, tôi thấy rằng Bộ Tài chính đã có sự cầu thị tích cực, thông qua việc xây dựng thể chế, quy định, cùng với đó tổ chức tuyên truyền và quán triệt cho cán bộ, công chức, viên chức. Mỗi đơn vị trong ngành Tài chính sẽ tiếp tục thể chế hóa các quy định của đơn vị mình và trực tiếp phổ biến tới từng đơn vị toàn ngành. Điều đó thể hiện sự đồng bộ từ trên xuống và cụ thể hóa các quy định theo vị trí việc làm, yêu cầu công việc, thời gian và các tính chất hoạt động của mỗi đơn vị, cá nhân trong ngành.
Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh thực hiện kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ đã tạo sự chuyển biến tích cực. Thể hiện ở sự phản ứng các chính sách của Bộ và các phản ứng nghiệp vụ của các cơ quan chức năng và tinh thần thái độ phục vụ của các công chức, viên chức trong ngành Tài chính đã có nhiều sự chuyển động. Nếu nói rằng mới và nâng chất lên thì cũng chưa dám khẳng định, nhưng ít nhất đã có sự chuyển động, nhất là ở những đơn vị có liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp.
Sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với những lĩnh vực mà Bộ Tài chính trực tiếp quản lý đã được cải thiện, theo đó không chỉ giảm về thời gian thực hiện các thủ tục hành chính của Bộ Tài chính quy định, mà còn là sự hài lòng, tinh thần thoải mái, thuận lợi hơn trong quá trình thực thi, thụ hưởng các chính sách mà Bộ Tài chính quản lý.
Ngoài ra, những phản ánh trên báo chí, đường dây nóng đã ít phàn nàn hơn về chất lượng, thái độ phục vụ của các cán bộ, cơ quan công quyền. Đặc biệt, Bộ Tài chính đã liên tiếp đứng đầu trong các cuộc xếp hạng về công nghệ thông tin, năng lực quản lý nhà nước, cải cách hành chính và nhiều lĩnh vực khác. Từ đó, cho thấy đã có sự nhìn nhận, đánh giá kể cả cấp quản lý nhà nước, các cơ quan chức năng trong quá trình này.
Đây là những tiền đề rất tốt, hy vọng Bộ Tài chính tiếp tục nỗ lực, cụ thể hóa hơn nữa cho từng vị trí việc làm, từng yêu cầu trách nhiệm, thì chúng ta sẽ đảm bảo được như ý.
PV: Trên thực tế, Bộ Tài chính cũng đã thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong công tác thực thi công vụ. Ở đâu đó vẫn còn có tình trạng thực hiện kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm, ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước về tài chính - ngân sách. Qua nắm bắt thực tiễn, ông có bình luận gì về sự cầu thị của Bộ Tài chính?
TS. Nguyễn Minh Phong: Tôi cho rằng, trong quá trình thực thi công vụ ở đâu đó vẫn còn những hiện tượng “con sâu làm rầu nồi canh” là điều không thể tránh khỏi. Điều đó chỉ có thể là giảm hoặc tăng chứ không thể biến mất hoàn toàn. Những tồn tại đó có nguyên nhân cả khách quan và chủ quan.
Nguyên nhân khách quan là do thể chế chưa hoàn thiện, do bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, thu nhập còn thấp, chất lượng cán bộ, công tác tuyển dụng có vấn đề... Nguyên nhân chủ quan là do kỹ năng, nhận thức của cán bộ, công chức; hoặc có thể do công tác kiểm tra, kiểm soát chưa nghiêm. Thậm chí, khi cán bộ công chức đứng trước áp lực cơm áo gạo tiền, lương thì thấp, có thể dẫn tới tham nhũng vặt. Điều đó là không tránh khỏi. Tuy nhiên, rõ ràng đã có sự điều chỉnh nhất định.
Qua lắng nghe dư luận, tôi thấy rằng những chi phí bất hợp lý của doanh nghiệp vẫn còn. Các chính sách phải quay quanh doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp còn phải chi nhiều khoản chi bất hợp lý, thì nghĩa là hiệu quả của chính sách chưa cao. Do đó, các bộ ngành nói chung và Bộ Tài chính nói riêng còn phải làm nhiều việc hơn nữa, trong đó phải siết các quy định, bằng các giải pháp cụ thể, đánh giá cụ thể, tránh hình thức.
PV: Theo ông, việc điều động, luân chuyển cán bộ có vai trò như thế nào trong kiểm soát quyền lực, cũng như phòng chống tham nhũng?
TS. Nguyễn Minh Phong: Đây là việc phải làm, nhất là các vị trí công tác có liên quan đến người dân, doanh nghiệp. Để lâu thì họ sẽ lách kẽ hở của pháp luật, lợi ích nhóm để trục lợi. Do đó, cần thiết phải luân chuyển để đảm bảo tránh tình trạng khai thác các quan hệ, hay những kẽ hở của luật pháp để trục lợi, lợi ích nhóm.
Điều này thời gian qua Bộ Tài chính đã làm khá tốt, nhưng vẫn phải duy trì và thực hiện nghiêm trong thời gian tới.
PV: Có rất nhiều vấn đề đặt ra nhằm thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương thực thi công vụ, trong đó nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác quản lý cán bộ, trách nhiệm nêu gương là một trong những biện pháp quan trọng, ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
TS. Nguyễn Minh Phong: Đúng vậy, tôi cho rằng, điều rất quan trọng đó là quy trách nhiệm người đứng đầu, cũng như việc xác định rõ các tiêu chí thi đua của từng lĩnh vực, ngành cụ thể.
Vừa qua, nhiều địa phương đã ban hành quy định cụ thể, đó là nếu đơn vị không giải ngân 100% vốn đầu tư công thì người đứng đầu không được xếp loại là lao động xuất sắc. Do đó phải cụ thể hóa các tiêu chí trong lĩnh vực, chức năng nhiệm vụ mà mình phụ trách. Nếu không hoàn thành sẽ bị luân chuyển, giáng chức... Nếu quy định như vậy sẽ trách được tình trạng “hằm hè cá nhân” hay “thù ghét cá nhân” trong công tác cán bộ. Ở đây tiêu chí rõ ràng sẽ khó thoái thác trách nhiệm, làm được như vậy thì người bị luân chuyển cũng không bị bức xúc cá nhân, người làm công tác cán bộ cũng thoải mái. Nếu quy định chặt chẽ, càng cụ thể hóa sẽ tạo công khai minh bạch trong quản lý cán bộ. Điều này không chỉ áp dụng cho ngành Tài chính mà cần cho tất cả các bộ, ngành, địa phương.
PV: Xin cảm ơn ông!