Bộ Tài chính quyết liệt cải cách vì mục tiêu phục vụ cộng đồng

Thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục nỗ lực cải cách hành chính, đặc biệt tạo tăng cường cải cách thủ tục hành chính, tạo sự thống nhất đồng bộ, đơn giản, công khai, minh bạch, vì mục tiêu phục vụ cộng đồng.

Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Văn Chung

Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Văn Chung

Cập nhật 100% thủ tục lên Cơ sở dữ liệu quốc gia

Bộ Tài chính luôn nỗ lực trong công tác cải cách hành chính, đặc biệt đã tạo được sự thống nhất đồng bộ, đơn giản, công khai, minh bạch thủ tục hành chính (TTHC), nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp và người dân. Trên cơ sở đó, công tác này góp phần cắt giảm thủ tục, cắt giảm thời gian, chi phí tuân thủ TTHC cho người dân, doanh nghiệp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của ngành Tài chính.

Ngay từ đầu năm, Bộ Tài chính đã ban hành Kế hoạch cải cách hành chính (CCHC) năm 2023, với những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng nhằm tiếp tục đẩy mạnh và triển khai có hiệu quả công tác CCHC trong lĩnh vực tài chính. Trong đó, Bộ Tài chính tiếp tục bám sát 7 nội dung của yêu cầu công tác CCHC, đề ra 59 nhóm nhiệm vụ với 150 sản phẩm/hoạt động đầu ra cụ thể, xác định rõ căn cứ, trách nhiệm của từng đơn vị chủ trì, phối hợp cũng như quy định tiến độ thực hiện rõ ràng.

Thử nghiệm trao đổi chứng nhận kiểm dịch thực vật

Cơ quan hải quan đã chuẩn bị các yêu cầu liên quan để kết nối thử nghiệm trao đổi chứng nhận kiểm dịch thực vật trong năm 2023; hoàn thành trao đổi thử nghiệm tờ khai hải quan xuất khẩu với Liên minh kinh tế Á - Âu giai đoạn 1, tiếp tục phối hợp để tiến hành giai đoạn 2; phối hợp với Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn và Đại sứ quán New Zealand để triển khai trao đổi thử nghiệm chứng nhận kiểm dịch điện tử với New Zealand.

Tính đến ngày 15/12/2023, Bộ Tài chính đã triển khai thực hiện 150/150 nhiệm vụ, trong đó đã hoàn thành 145 nhiệm vụ, đang tiếp tục triển khai thực hiện 5 nhiệm vụ theo kế hoạch; rà soát, bãi bỏ 35 TTHC; sửa đổi, bổ sung, thay thế 25 thủ tục và ban hành mới 4 thủ tục trong các lĩnh vực quản lý. Các đơn vị đã cập nhật kịp thời lên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC theo quy định đối với 774/774 TTHC thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính. Đồng thời, bộ tiếp tục rà soát, đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi quản lý, theo yêu cầu tại Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ.

Về chỉ số CCHC (PAR Index), theo kết quả công bố tại phiên họp thứ 4 Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ ngày 19/4/2023 về cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số và công bố Chỉ số CCHC năm 2022 của các bộ, ngành, địa phương và Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2022, Bộ Tài chính xếp vị trí thứ 3 với kết quả PAR Index đạt 89,76%. Đây là năm thứ 9 liên tiếp (từ 2014-2022), Bộ Tài chính nằm trong nhóm 3 bộ, cơ quan ngang bộ dẫn đầu về chỉ số CCHC.

Những cải cách mang lại hiệu quả rõ rệt

Trong năm 2023, Bộ Tài chính đã tập trung chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh chuyển đổi số, hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực quản lý tài chính - ngân sách nhà nước.

Đến ngày 15/12/2023, tổng số dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính là 774, trong đó 367 DVCTT toàn trình, có 127 DVCTT một phần; 280 dịch vụ cung cấp thông tin cho tổ chức, cá nhân. Đồng thời, các đơn vị thuộc, trực thuộc bộ đã tích hợp 284 DVCTT lên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Cụ thể, trong lĩnh vực thuế, tiếp tục mở rộng phạm vi triển khai hệ thống thuế điện tử đối với các dịch vụ khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử, hóa đơn điện tử (bao gồm lĩnh vực nhà hàng, xăng dầu). Tính đến hết ngày 8/12/2023, đã có 12.356 cơ sở kinh doanh lĩnh vực nhà hàng, ăn uống khởi tạo hóa đơn điện tử từ máy tính tiền, chiếm trên 32% tổng số cơ sở kinh doanh đã áp dụng. Đến 10/12/2023, cả nước có khoảng 17.449 cửa hàng kinh doanh, bán lẻ xăng dầu (đã có Tập đoàn Xăng dầu, chiếm khoảng 52% thị phần xăng dầu cả nước); Công ty TNHH MTV Dầu khí TP. Hồ Chí Minh, chiếm khoảng 7% thị phần) thực hiện phát hành hóa đơn điện tử sau từng lần bán hàng với trên 2.700 cửa hàng.

Trong 11 tháng đầu năm, đã xử lý trên 15 triệu hồ sơ của gần 920 nghìn doanh nghiệp tham gia hệ thống khai thuế điện tử (đạt 99,6%); phối hợp với 57 ngân hàng thương mại và 63 cục thuế triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử. Các doanh nghiệp đã nộp tiền thuế thông qua 3,6 triệu giao dịch nộp thuế điện tử với số tiền trên 758,7 nghìn tỷ đồng và 4.804.030 USD.

Số lượng hóa đơn điện tử cơ quan thuế đã tiếp nhận và xử lý đạt hơn 5,9 tỷ hóa đơn; đã có 37,5 nghìn doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền. Đã có 74 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, kê khai và nộp thuế qua cổng thông tin điện tử.

Đồng thời, Bộ Tài chính đã triển khai Cổng thông tin điện tử xuyên biên giới dành cho nhà cung cấp nước ngoài từ ngày 21/3/2022. Đến nay đã có 74 nhà cung cấp nước ngoài kê khai nộp thuế, với tổng số thuế đã nộp trực tiếp qua cổng là 6,8 nghìn tỷ đồng.

Theo ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội, cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận Bộ Tài chính là đơn vị có tốc độ cải cách hành chính nhanh, khối lượng dịch vụ được cải cách lớn, góp phần giảm chi phí, thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh.

Bộ Tài chính và đặc biệt là cơ quan thuế đã chủ động nắm bắt, theo dõi chặt chẽ tình hình “sức khỏe” của doanh nghiệp, người nộp thuế, từ đó có chính sách hỗ trợ kịp thời. Cơ quan thuế đã tập trung hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người nộp thuế, đặc biệt đưa ra các giải pháp linh hoạt, thông minh, cũng như tham mưu đến cơ quan có thẩm quyền để ban hành các chính sách thuế đúng và trúng, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn./.

Minh Anh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/bo-tai-chinh-quyet-liet-cai-cach-vi-muc-tieu-phuc-vu-cong-dong-142164.html